Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng

J.D |

Ấn Độ đã phải trải qua những ngày tháng kinh hoàng như địa ngục vì Covid-19. Để rồi giờ đây khi mọi thứ qua đi, họ nhìn lại và chỉ còn biết thở dài.

Mọi thứ chao đảo, khắp mọi nơi. Thi thể cuốn trong lớp vải trắng được đưa tới liên tục. Còi hụ từ xe cứu thương vang lên mọi lúc trong ngày. Và thứ duy nhất có thể thấy suốt cả ngày là giàn hỏa thiêu rực sáng.

Đó là những gì Hemant Kumar Sharma - một thầy tu tại lò hỏa táng Seemapuri - nhớ được khi nghĩ về những ngày tăm tối nhất của Ấn Độ.

Trong trang phục màu trắng, người đàn ông 29 tuổi ngồi giữa sân khu hỏa táng cùng các tu sĩ khác, với chiếc khẩu trang dưới cằm. Ở đó, chỉ còn một giàn thiêu đang rực lửa, xung quanh là 26 giàn đã nguội lạnh. Một thi thể khác đang chuẩn bị tới nơi. Xung quanh chỉ còn tiếng gà kêu rả rích, giữa không gian tĩnh lặng.

"Giờ thì thoải mái hơn. Có lẽ chỉ còn 1 thi thể Covid trong vòng 3 - 4 ngày. Chúng tôi có thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống" - anh cho biết.

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 1.

Hemant Kumar Sharma ngồi cùng các nhân viên tại lò hỏa táng

Nhưng đó là chuyện của bây giờ. Nhớ lại thời điểm cách đây 2 tháng, Kumar cho biết anh đã phải chứng kiến những hình ảnh không thể tưởng tượng nổi, và cũng chẳng bao giờ muốn nhìn thêm lần nào nữa.

"Người ta đặt thi thể trước cửa, chẳng nói gì"

Bước chậm rãi quanh khu hỏa táng, Kumar chỉ vào một khoảng đất trống trước mặt. Đó là nơi họ đã phải dựng thêm 9 giàn hỏa thiêu bổ sung cho 26 giàn sẵn có. Một khoảng đất khác, họ chuẩn bị thêm 5 giàn thiêu. Giờ thì chỉ còn sót lại những đốm đen của tro tàn, và một vài miếng gạch nằm lay lắt.

Đi thêm một đoạn, Kumar chỉ vào một cánh đồng trống trải nằm kế bên lò hỏa táng. "Đây là nơi chôn cất cho trẻ con. Nhưng khi số ca tử vong tăng vọt, chúng tôi cũng phải chuyển nơi đây thành lò hỏa táng tạm thời, với 72 giàn hỏa bổ sung. Tường bao quanh bị đập vỡ để lấy thêm củi" - anh nhớ lại.

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 2.

Khoảng đất vốn được dùng làm nơi dựng các giàn hỏa thiêu bổ sung

Suốt 10 ngày của tháng 4, hơn 20 nhân viên đã ở đây - bao gồm cả tu sĩ và nhân viên hậu cần. Họ làm việc không nghỉ, giữ giàn hỏa đỏ lửa suốt cả ngày. Thậm chí họ phải hỏa thiêu thi thể vào ban đêm - điều đi ngược lại với truyền thống mai táng của người Hindu.

"Người ta thường lẳng lặng bỏ lại thi thể ngoài cửa mà chẳng cần thông báo với chúng tôi. Và có rất nhiều gia đình đề nghị chúng tôi gửi video hỏa thiêu thân nhân cho họ."

"Khoảng thời gian đó, mẹ thường ép tôi phải về nhà, ngủ lấy một chút. Người nhà bảo rằng tôi thậm chí còn đọc kinh cầu siêu ngay cả lúc ngủ."

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 3.

Ấn Độ đã từng phải trải qua những ngày tháng tăm tối nhất

"Nhưng giờ thì tôi có thể ngủ ngon được rồi" - Kumar cho biết.

Kumar có một cô con gái chỉ 6 tháng tuổi. Anh đã không dám bồng con suốt hơn 1 tháng rưỡi vì sợ lây nhiễm cho bé. Khi về nhà, anh chỉ ăn uống, sinh hoạt ở một góc, cố gắng né tránh người thân hết mức có thể. "Ở lò hỏa táng, chúng tôi không thể mặc đồ bảo hộ vì nó quá nóng. Bộ đồ ấy ngột ngạt đến mức không thể thở. Thứ bảo vệ chúng tôi là khẩu trang và găng tay."

Nhưng dẫu sao, họ cũng có đôi chút dễ thở vì tất cả các nhân viên làm việc trong lò hỏa táng đều được tiêm chủng đầy đủ. Kumar nhớ lại khi chương trình vaccine được triển khai, họ được nhà chức trách gọi tới tiêm ngay vì phải liên tục tiếp xúc với thi thể người bệnh.

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 4.

"Cả trong mơ tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thấy những cảnh tượng như vậy. Chúng tôi từng phải làm lễ hỏa thiêu cho một bé trai 6 tháng tuổi, chết vì Covid-19. Cha của bé khóc nhiều đến mức không thể kiểm soát. Thực sự không thể quên được."

Khi cơn bão đi qua

Tại lò hỏa táng Punjabi Bagh, cây cối xung quanh nhuốm màu chết chóc vì các giàn hỏa thiêu đặt ngay bên cạnh. Khói, lửa và nhiệt độ khiến chúng chẳng thể sống nổi, khi các thi thể tăng lên chóng mặt. Nhưng giờ, các cây chết đã bị cắt bỏ, sự sống dần tươi mới trở lại khi các cành lá xanh mát mọc lên.

"Tôi đã quen với chuyện này kể từ năm ngoái, nên cũng không ảnh hưởng quá nhiều" - Pankaj Sharma (40 tuổi), tu sĩ tại đây cho biết. Nhưng anh nhấn mạnh rằng lý do là bởi tình hình tại đây không đến mức tệ như những nơi khác. "Đúng là người ta phải xếp hàng, nhưng không quá lâu như các lò hỏa táng khác." Hiện tại, mỗi ngày họ chỉ phải xử lý 1 - 2 thi thể. Phần lớn không gian trong lò bị bỏ trống.

Nhưng Sharma là một tu sĩ kỳ cựu. Với những người thiếu kinh nghiệm, việc phải thấy các thi thể chất chồng liên tục là điều vượt quá sức chịu đựng.

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 5.

"Có những ngày chúng tôi chẳng có thời gian để ăn uống. Một ngày bắt đầu từ 6h30 sáng, chúng tôi hỗ trợ xử lý các thi thể sót lại. Khắp nơi xung quanh, người nhà nạn nhân than khóc trong sự sợ hãi, hoang mang không biết phải làm gì, phải đến đâu. Mãi đến 9 - 10h tối mới có thời gian rảnh" - Deepanshu, nhân viên lò hỏa táng nhớ lại.

Tại lò hỏa táng này, không nhân viên nào tiêm vaccine. Một số người (chủ yếu đã lớn tuổi) thì ngần ngại tiêm chủng. Số khác lại cảm thấy thất vọng vì không có cơ sở nào tiêm cho họ, dù đã có trong danh sách chờ.

"Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ nhà chức trách để lấy thông tin, đồng thời yêu cầu chúng tôi đến bệnh viện gần đó để tiêm chủng. Nhưng khi đến nơi, chẳng ai có trong danh sách cả" - nhân viên vệ sinh đề nghị giấu tên của lò hỏa táng lên tiếng. "Chúng tôi phải đối mặt với thi thể và bệnh nhân nhiễm Covid. Chúng tôi xứng đáng được tiêm."

Người ta bỏ xác chết trước cửa, chẳng nói gì: Nhân viên lò hỏa táng Ấn Độ nhớ về những ngày kinh hoàng - Ảnh 6.

Tại bệnh viện Lok Nayak, có 2 căn lều lớn được dựng ở khu chờ cách đây vài tuần để đón bệnh nhân, giờ đã được dỡ bỏ. Ngoài bệnh viện, không còn cảnh người bệnh xếp hàng dài chờ được cấp oxy. Xe cứu thương cũng không còn đỗ hàng loạt, và thân nhân người bệnh không còn phải than khóc, cầu xin cứu lấy tính mạng của người thân nữa.

Mọi thứ kinh hoàng nhất đã đi qua, chỉ còn tiếng thở dài nhẹ nhõm nhưng oán trách của người ở lại.

'Tôi chẳng muốn nhớ lại những ngày đó, không một chút nào" - trích lời Abbay, một nhân viên tại nhà xác của bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại