Người phụ nữ được chú hổ xem như "mẹ", thể hiện tình yêu theo cách riêng

Nhật Vũ |

Chị Ngọc còn được đồng nghiệp gọi với một cái tên rất thân thương, đó là “bảo mẫu” cho thú dữ. Việc nhìn thấy chị hằng ngày nói chuyện với những chú hổ đã không còn xa lạ.

Nghề nuôi hổ là một công việc mà chỉ cần nghe đến cũng đủ khiến người ta rùng mình, bởi hổ luôn được xem là loài thú dữ hàng đầu trên thế giới. Việc tiếp xúc gần những con vật nguy hiểm này thường là nỗi e dè của nhiều người. Tuy nhiên, chị Trần Thị Ngọc (42 tuổi) đã dành hơn 20 năm trong nghề và coi những chú hổ to lớn như những "đứa con đặc biệt".

"Mẹ" của chú hổ con được giải cứu

Chị Ngọc, người làm việc tại Vườn thú Hà Nội, được mọi người đồng nghiệp gọi một cách thân thương là "bảo mẫu" cho thú dữ. Hàng ngày, chị chăm sóc và tương tác với những chú hổ to lớn đã trở nên quen thuộc.

Chị Ngọc không chỉ xem những chú hổ là những con vật, mà còn coi chúng như những "đứa con", được chăm sóc từ khi mới lọt lòng, từ việc cho bú sữa, tiêm chủng đến tắm rửa hàng ngày. Chị còn đặt tên cho chú hổ được giải cứu từ tay những kẻ buôn bán động vật hoang dã là Bống.

Chị Ngọc và Bống lúc còn nhỏ

Ngày mới tiếp nhận, Bống nặng khoảng 12kg, khá đề phòng, cảnh giác và không thân thiện với người chăm sóc. Nhưng nhờ sự kiên nhẫn và tình yêu thương của chị Ngọc, Bống đã trở nên gần gũi và phát triển nhanh chóng về thể chất.

"Bống thể hiện tình cảm bằng cách khi mình gọi thì bạn ý ra gần, mỗi buổi sáng thấy mình đến thì bạn cũng hất hàm, khịt khịt mũi kiểu chào nhau, không phải ai bạn cũng làm thế, rồi những lúc bạn ý lười ăn thì mình vẫn phải tự tay cầm những miếng thịt, miếng sườn đút vào.

Bạn ý cũng biết cách làm nũng để mình đút cho ăn, ngửi thấy hơi mình là ra… Mình nuôi, mình quan sát cũng cảm thấy yêu bạn ý thắm thiết hơn. Bạn ý cũng biết đùa, trêu mình bằng cách thò miệng cắn vào áo mình đến khi nghe thấy tiếng dép của đồng nghiệp thì mới buông", Chị Ngọc cho biết.

Chị Ngọc và "Bống" lúc lớn

Chị chia sẻ những kỷ niệm khi trêu đùa và chăm sóc Bống, những cú chộp và vồ mồi không gây thương tích nhiều, nhưng cũng là những lần khiến chị bị tím hoặc xước da. Thậm chí sau khi mọc răng, Bống cũng thường đùa nghịch và cắn trêu chọc chị Ngọc. 

Mặc dù có những tình huống nguy hiểm, chị Ngọc luôn giữ sự kiên nhẫn và không quát mắng, chỉ mắng nhẹ vì không muốn Bống sợ hãi. Nhờ những nỗ lực này, tính cách của Bống đã thay đổi và trở nên thân thiện hơn.

Dù Bống bây giờ đã trưởng thành, to lớn và bản năng hoang dã đã trỗi dậy nhiều hơn. Nhưng với chị, Bống vẫn xem như là "mẹ". Lúc nào, nó cũng tỏ ra nũng nịu, đòi vuốt ve và mỗi sáng đều ngóng chị đến thăm hỏi.

Chị bảo mình xem Bống không khác gì con nhỏ của mình ở nhà, khi những bạn thú mệt mỏi, chị rất là lo lắng, bị bệnh thì bản thân chị cũng không thể ngủ được. Những ngày như thế chị tận tình cho Bống ăn, xay nhỏ thịt, bón cho từng miếng. Khi Bống quay trở lại trạng thái khỏe mạnh bình thường thì bản thân mới cảm thấy nhẹ nhõm.

"Bảo mẫu" của đàn thú dữ

20 năm trước, khi chị Ngọc nộp đơn xin việc tại Vườn thú Hà Nội, bản thân đã gặp nhiều khó khăn và sợ hãi khi đối mặt với những con thú dữ. Tiếng gầm, ánh mắt sắc, và bộ nanh nhọn luôn làm chị "lạnh sống lưng". Tuy nhiên, sau quá trình đào tạo kỹ thuật chăm sóc chuyên sâu, chị đã vượt qua nỗi sợ hãi và trở nên tự tin hơn trong công việc.

Vườn thú Hà Nội, ngoài "Bống" thì có 15 cá thể thú dữ khác, tất cả đều được chăm sóc cẩn thận và chuyên nghiệp. Mỗi con đều được chị Ngọc yêu quý, bởi mỗi loài đều có đặc điểm, tính cách riêng biệt. 

Chú sư tử tên rất ưa vuốt ve và nũng nịu mỗi lần chị Ngọc đến gần

Công việc của những nhân viên chăm sóc bắt đầu từ 8 giờ sáng mỗi ngày. Họ thực hiện công việc vệ sinh, khử khuẩn và sát trùng chuồng trại cho thú dữ. Sau đó, khoảng 10 giờ sáng, họ thực hiện công việc nguy hiểm nhất là cho thú dữ ăn. 

Khẩu phần ăn tiêu chuẩn cho "Bống" và các cá thể hổ khác, sư tử là 5kg thịt bò loại 1, 1kg sườn lợn, và 500g tim gan với một ít muối. Gấu thường ăn chủ yếu hoa quả. Các nhân viên phải đo lượng thức ăn cho phù hợp với thể trạng của từng con vật và sau mỗi bữa ăn, họ kiểm tra lượng thức ăn để đảm bảo chúng khỏe mạnh.

"Quy trình chăm sóc thú dữ khác nhiều so với thú cưng. Đặc trưng đã là thú dữ rồi nên công tác phòng bệnh và chăm sóc, điều trị cũng khác thú cưng ở ngoài. Thí dụ như thú cưng ở ngoài khi chữa bệnh thì mình phải vuốt ve, vỗ về các bé nhưng đối với thú dữ thì phải dùng những tình cảm lâu năm thì mới cảm nhận được các bạn ý. Lúc điều trị và chăm sóc cũng rất khác nhau, thú dữ sẽ có chế độ chăm sóc riêng làm sao để an toàn cho cả người cả thú", chị chia sẻ thêm.

Khẩu phần ăn hàng ngày của các chú hổ, sư tử và gấu

Chị Lê Thu Hà – bác sĩ thú y có hơn chục năm kinh nghiệm trong nghề chăn nuôi thú dữ ở tổ chăn nuôi thú dữ bộc bạch: "Công việc hàng ngày của mình là sẽ đi kiếm tra "Bống" và các cá thể khác xem bạn nào khỏe mạnh hay ốm yếu, thường thì các bạn mệt mỏi sẽ có biểu hiện ủ rũ, buồn bã và có những triệu chứng lâm sàng như ho, đi vệ sinh không ổn định".

Đây là công việc không chỉ đòi hỏi sự quan sát tỉ mỉ, cẩn trọng từ ngoại hình, hoạt động ăn uống đến các chất thải của động vật mà người chăm sóc còn phải thực sự yêu nghề, kiên trì để hiểu rõ các thói quen của từng con thú mà mình chăm sóc.

Với những nhân viên như chị Ngọc, chị Hà gắn bó với "Bống", những chú hổ khác, sư tử, và gấu là một công việc hết sức ý nghĩa. Họ không chỉ làm nhiệm vụ mà còn dành rất nhiều tình cảm cho những con vật này. 

Mỗi lần một cá thể ra đi vì già, họ đều coi đó như là mất đi một người thân yêu. Với họ, đây không chỉ là công việc, mà là một sứ mệnh đặc biệt, gửi gắm tình yêu thương và lòng nhiệt huyết của những con người đặc biệt này vào Vườn thú Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại