Chế tạo tàu ngầm từ lòng tự trọng của người Việt Nam
Ông Quốc Hòa tâm sự, vào cái thời điểm năm 2014, khi đó đang là kỹ sư chế tạo máy cơ khí tại Thái Bình, ông đã nung nấu ý tưởng tạo nên những chiếc tàu ngầm do chính tay người Việt Nam làm ra.
Ông bảo, người Việt Nam mình giỏi, không có gì là không thể làm được. Tuy nhiên, kỹ thuật khoa học của Việt Nam thời điểm đó vẫn chưa bằng các nước phát triển nên phần nào làm hạn chế ý tưởng của những kỹ sư hay các nhà khoa học. Song những hạn chế đó không làm cho ông lùi bước.
Ông Hòa nghĩ rằng nếu chế tạo thành công các cái loại tàu ngầm mini sẽ giúp bảo vệ chủ quyền được tốt hơn. Bên cạnh đó là thăm dò, khai thác được các tài nguyên ở vùng biển Việt Nam.
"Ngay từ ngày đầu, tôi đã nghĩ chúng ta phải phát triển cả một hạm đội chứ không phải chỉ một con tàu. Cho nên tôi đã đặt tên cho nó là Trường Sa 01 với hàm ý là sẽ còn rất nhiều những con tàu khác nữa. Và đến bây giờ con tàu Trường Sa 02 này là một minh chứng."
Ngày chế tạo, Ông nghe rất nhiều ý kiến ủng hộ mà phản đối, chê bai, giễu cợt cũng có. Ông bảo khi người ta khen thì mình coi đó là lời động viên. Còn ý kiến trái chiều thì mình sẽ phải nghiên cứu xem là mình làm sai ở đâu và luôn nghĩ rằng cái kết quả cuối cùng là kết quả thuyết phục nhất.
Tàu ngầm Trường Sa 01 được ông chế tạo và áp dụng theo công nghệ mới nhất thời bấy giờ, đó là động cơ Diesel nổ máy không cần không khí bên ngoài. Sau khi thành công với con tàu Trường Sa 01, tiếp đến con tàu Trường Sa 02, ông không áp dụng nó nữa vì kiểu công nghệ kia đòi hỏi không gian khá rộng làm tăng kích thước tàu. Từ năm 2013 đến giờ công nghệ ấy đã bắt đầu trở nên lỗi thời.
"Người ta không tin tôi làm được tàu ngầm"
Năm 2014, lúc tàu Trường Sa 01 ra bể thử nghiệm và tiến tới đem ra chạy thử các hồ, cửa biển. Khi đó, có rất nhiều đoàn bên Hải Quân, các ban ngành về khoa học có xuống hỏi thăm cũng như động viên.
Chiều 6/1/2014, đây được xem là cột mốc quan trọng, ông Hòa đưa tàu vào bể thử nghiệm sau khi chế tạo hoàn thiện. Chiếc bể được chính ông thiết kế với chiều sâu 4,5m, dài 10m và ngang 3,7m. Tàu ngầm có chiều dài 9m, cao 3m, được trang bị 2 động cơ diezel 90 Hp, hoạt động bằng hệ thống không khí độc lập tuần hoàn (AIP). Tốc độ thiết kế tối đa là 40km/h; bán kính hoạt động 800km; thời gian lặn 15 giờ; độ sâu lặn tối đa 50m.
Đến ngày 30/5/2014, tại bến của nhà máy đóng tàu Đại Dương (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình), tàu ngầm Trường Sa 01 đã được đưa xuống biển thử nghiệm. Người kỹ sư ‘Hai lúa’ đã trực tiếp điều khiển tàu. Tuy có chút trục trặc kĩ thuật nhỏ nhưng về cơ bản, tàu ngầm Trường Sa 01 đã có những thành công bước đầu.
"Mình đặt tên con tàu đầu tiên là Trường Sa 01, tất nhiên nó phải có con tàu Trường Sa 02, còn tàu Hoàng Sa là bước đệm. Sau khi làm xong hai con Trường sa 01 và Hoàng Sa trải qua 7 năm để tìm hiểu, chế thử, thí nghiệm công nghệ tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc thì con tàu Trường Sa 02 đã ra đời".
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải (Nguyên giám đốc Viện Khoa học Vật lý Hà Nội) chia sẻ về chuyện ông Hòa làm tàu ngầm được ông rất ủng hộ. Ông cho rằng, sự hiểu biết và tự yêu cầu của ông Hòa từ năm 2014 đến ngày nay càng cao cho nên tàu Trường Sa 02 này so với Trường Sa 01 đã có những bước tiến vượt hơn hẳn: "Nếu chúng ta dùng 10-20 tàu nhỏ này có thể giúp dân làm kinh tế cũng như bảo vệ quốc phòng. Tuy rất ủng hộ doanh nhân Nguyễn Quốc Hòa nhưng theo tôi, anh cũng nên biết nhìn nhận và nhờ cậy đến sự giúp đỡ từ những người khác để con tàu có thể sớm thành công và tránh những rủi ro không đáng có."
Hai năm sau, kỹ sư Hòa cho ra mắt phiên bản mới với tên gọi Hoàng Sa. Tàu nặng khoảng 9 tấn, vỏ thép cường lực cao, động cơ hiện đại, có thể hoạt động trong vòng bán kính 400km. Hệ thống đảm bảo sự sống của con tàu kéo dài hoạt động trong khoảng 3 ngày 3 đêm. Ngoài ra, theo thiết kế, tàu ngầm Hoàng Sa có thể vượt qua bùn, bãi cạn nhờ hệ thống vít và trục xoắn ở dưới bụng.
Sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Hoàng Sa, mọi người thấy người kỹ sư ‘Hai lúa’ ấy đã lui về ở ẩn, hầu như mọi thông tin về chế tạo tàu ngầm Trường Sa 02 không còn xuất hiện trên mạng xã hội và báo chí. Khi chế tạo con tàu Trường Sa 02, gã ‘điên khùng’ ấy chỉ im lặng làm một mình và không muốn cho bất kỳ một ai vào xem. Khi đó, nhiều người nghĩ ông đã chán nản và muốn dừng lại.
Nhưng thực tế, trong 5 năm từ 2018 đến bây giờ, ông Hòa chỉ có thí nghiệm và thử nghiệm tất cả những cái gì mình thấy là có thể làm được, số lượt tháo ra tháo vào đã lên tới hàng nghìn lần.
Trên tàu ngầm Trường Sa 02, theo kỹ sư Hòa thì công nghệ về tuần hoàn khí, công nghệ Diesel… sẽ biến mất. Tàu ngầm Trường Sa này bắt đầu được tiệm cận đến dùng pin hạt nhân.
"Tôi không xấu hổ khi xin tiền làm tàu ngầm"
Tháng 10/2021, trên trang cá nhân của mình, người kỹ sư đã viết những dòng tâm thư. Ông kêu gọi những người yêu mến, những mạnh thường quân ủng hộ về tài chính để cho mình tiếp tục hoàn thành ước mơ.
"Đã làm đừng ngại tiêu tiền, đã tiêu tiền chúng ta chẳng lo vì trời sinh ra trời sẽ nuôi mình. Cái cốt nhất là ý tưởng của mình phải thành công. Khi ý tưởng của mình đã không thành công, đồng tiền sẽ là đồng tiền chết".
Ông ví chuyện của mình nhiều lúc như Elon Musk của Mỹ bây giờ, nếu như các quả tên lửa không bay được lên Sao Hỏa thì chắc chắn ông ta sẽ phá sản.
Câu chuyện đi xin tiền để làm tàu ngầm, ông thực sự xúc động và ngạc nhiên khi thấy đồng bào ở trên mọi miền tổ quốc gửi tiền về cho ông làm tàu ngầm, vượt xa những gì bản thân nghĩ tới.
Tàu ngầm Trường Sa 02 sau khi hoàn thiện và thử nghiệm dưới bể chứa
Có những người ủng hộ ông từ vài trăm triệu cho đến những cháu bé gửi cho ông 50 nghìn đồng. Số tiền nào đối với ông cũng đều vô cùng đáng trân quý.
Có người nhắn tin cho ông với nội dung đây là tình cảm của mọi người và mong muốn Việt Nam có thể chế tạo được những con tàu ngầm có thể hoạt động tốt, vừa bảo vệ chủ quyền, vừa làm kinh tế.
"Ai đó nói Việt Nam không thể chế tạo được cái ốc vít chẳng qua họ chưa hiểu nền khoa học của Việt Nam, nền khoa học quốc phòng của Việt Nam đang tiến tới tận đâu rồi. Chắc chắn là mình sẽ còn hy vọng có hình ảnh mình nổi lên và cắm cờ trên tàu tại đảo Trường Sa lớn ngoài kia."
Năm 2013, Kỹ sư Nguyễn Quốc Hòa cùng đội ngũ kỹ sư chế tạo tàu ngầm mini Trường Sa 01. Theo chủ nhân của con tàu, tàu ngầm có chiều dài 8,8m, cao 3m. Tàu lặn sâu 50m có khả năng di chuyển sát hay nằm im dưới đáy biển. Thời gian hoạt động trên biển là 15 ngày.
Đến tháng 1/2014, sau khi thử nghiệm thành công tàu ngầm Trường Sa 01 trên hồ ở TP.Thái Bình, ông Hòa đã mang tàu ngầm về xưởng để và trưng bày.
Đến năm 2015, ông Hòa tiếp tục chế tạo tàu ngầm Hoàng Sa. Tàu nặng 9 tấn, dài 7m, bề ngang 2,5m; cao 2m và có thể lặn sâu 50m. Thời gian lặn theo tính toán là 3 ngày 3 đêm. Vỏ tàu được thiết kế bằng thép cường lực. Tàu có hình thoi dẹt, chở 2 người.
Sau 3 năm âm thầm chế tạo, tàu ngầm Trường Sa 02 chính thức được hoàn thành. Tàu dài 9m, nặng 22 tấn, chiều cao bên trong thân tàu là 1,8m, sức chứa tối đa thủy thủ đoàn 6 người. Tàu ước tính có vận tốc 35km/h, lặn sâu 250m và tầm hoạt động 3.000 km.