7 năm thoát khỏi kiếp "tòng phu" của bà cụ 93 tuổi bây giờ ra sao?

Nhật Vũ |

7 năm chọn vào viện dưỡng lão sống sau ngày ly hôn chồng, bà Dung có cuộc sống mới tốt đẹp hơn nhưng vẫn có nhiều thứ còn canh cánh bên lòng.

Bà Lưu Thị Dung, một cái tên đã từng làm xôn xao cộng đồng mạng và thu hút sự chú ý của các trang báo lớn với câu chuyện gây sốc khi ở tuổi 86, bà quyết định đường ai nấy đi với ông chồng, vì suốt cả cuộc đời, ông chưa một lần thực hiện bất cứ công việc nhà, dù chỉ đơn giản như... rửa bát.

Tháng 9/2014, bà Dung quyết định đệ đơn ra tòa. Sau gần hai năm giải quyết các thủ tục pháp lý, nhờ sự trợ giúp của các cháu, bà mới được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân vào năm 2016. Ngay sau đó bà chuyển lên Hà Nội, vào viện dưỡng lão sống, lúc đi chỉ xách theo vài bộ quần áo. Lương hưu hơn 4 triệu đồng, bà Dung được các cháu hỗ trợ thêm để có thể thuê một căn phòng riêng với chi phí hơn 9 triệu mỗi tháng trong viện dưỡng lão này.

Cuộc sống an nhàn nơi viện dưỡng lão

Tôi đến viện dưỡng lão, nơi bà Lưu Thị Dung hiện đang sinh sống. Sau những năm tháng sống ở đây, bà đã có nhiều sự đổi thay. Sức khỏe bà đã yếu rõ rệt, không còn đi lại được như ngày trước và phải ngồi xe lăn, bà cũng đã không còn được minh mẫn nhiều. Nhưng khi nhắc đến câu chuyện ly hôn cách đây 7 năm, bà vẫn kể rõ cho tôi từng chi tiết một.

Trong căn phòng nhỏ có diện tích khoảng 12m2, dù nhỏ gọn, nơi đây vẫn đầy đủ tiện nghi. Đây là nơi bà Lưu Thị Dung sinh hoạt hàng ngày của mình trong suốt 7 năm qua, đến nay bà đã bước sang tuổi 93. Đây cũng là nơi bà quyết định gắn bó đến cuối cuộc đời.

Khi chúng tôi trò chuyện với bà về khoảnh khắc quyết định ấy, bà Dung chia sẻ lại về quá khứ của mình. Trong thời kỳ trẻ, bà từng làm việc tại một cơ quan nhà nước ở thành phố Thái Bình. Đó là nơi bà gặp người đồng nghiệp, lớn hơn bà 3 tuổi, và sau này bà đã chọn làm chồng. Cuộc sống hôn nhân của họ đã trải qua những thăng trầm, dù không giàu sang như đủ ăn đủ mặc, nhưng ông bà không có con chung với nhau.

Bà Dung có cuộc sống an nhàn trong viện dưỡng lão

Cuộc sống trôi qua không hề êm đẹp khi bà phải đối mặt với sự cô đơn và cảm giác bị bỏ rơi, đặc biệt khi không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ, chia sẻ nào từ người chồng. Ngay cả trong những việc nhỏ nhặt như nấu cơm hay rửa bát đũa, bà Dung luôn phải tự làm một mình, và mọi công việc nhà đều đè nặng lên đôi vai của bà, thậm chí cả khi bà đang bị ốm nặng bà cũng phải dậy nấu cơm rửa bát.

Ban đầu, bà đã cố gắng kiên nhẫn và tự mình xử lý tất cả công việc nhà, không muốn làm phiền đến chồng. Tuy nhiên, những nỗ lực kiên trì này chỉ làm tăng thêm sự cô đơn và mệt mỏi cho bà Dung trong những năm tháng hôn nhân. Khi "giọt nước tràn ly", bà đã quyết định lại số phận đời mình.

"Mấy năm nay tôi bị đau lưng, nhiều bữa không thể đứng dậy được. Tôi muốn thuê người giúp việc nhưng ông ấy nhất quyết không chịu. Nhiều bữa tôi vừa nấu cơm, vừa đau lưng ứa nước mắt", bà kể.

Bà được các điều dưỡng ở đây chăm sóc tận tình và chu đáo

Bà Dung đã từng quyết định chấm dứt cuộc hôn nhân của mình năm 1985, và năm 1992 bà thử một lần nữa. Mặc dù gia đình đã cố gắng can ngăn, nhưng bà Dung vẫn theo đuổi quyết định của mình. 

Cuối cùng, năm 2014, bà đã đệ hơn ly hôn, và sau hơn 2 năm giải quyết, bà đã thoát khỏi cuộc sống hôn nhân đầy mệt mỏi ấy. Bà tự mở ra một chương mới trong cuộc đời, nơi bà có thể tìm lại sự tự do và hạnh phúc mà bản thân đã lâu không có được.

Chị Vũ Thị Huệ, giám đốc trung tâm dưỡng lão, người đã đồng hành và chăm sóc bà Lưu Thị Dung trong suốt 7 năm, chia sẻ về câu chuyện của bà và sự đồng tình của những người phụ nữ với nhau: "Những ngày đầu nghe câu chuyện của bà Dung, tôi không khỏi thắc mắc về lý do bà quyết định ly hôn với người chồng sau 60 năm chung sống chỉ vì một vấn đề nhỏ như không rửa bát. Tuy nhiên, khi nghe bà Dung chia sẻ về tâm sự và trải lòng của mình, tôi cũng là một người phụ nữ, nên cảm thấy một sự đồng cảm sâu sắc"

Cô đơn nhưng có được tự do và hạnh phúc cho bản thân

Sau câu chuyện của mình, bà Lưu Thị Dung đã mở lời bộc bạch về bà và ông chồng cũ sau 7 năm kể từ ngày chia tay. Bà chia sẻ rằng, ngày đó, ông không níu kéo nhưng cũng không muốn chia tay, song có lẽ điều khiến bà đến giờ vẫn còn buồn nhất đó là không có lời hỏi thăm nào từ phía người chồng cũ từ bấy đến giờ.

Nhiều người tò mò liệu quyết định chia tay của bà ngày đó có phải là quá muộn hay không? Bà chia sẻ rằng quyết định đó không bao giờ là quá muộn, bởi nó mang lại cơ hội cho bà tái tạo bản thân, tạo ra không gian cho cuộc sống theo ý muốn và tìm kiếm được tự do của đời mình.

Trái ngược với xu hướng càng già người ta càng mong muốn có sự hỗ trợ từ vợ chồng, bà Dung thì khác, bà cảm thấy sống thoải mái cuối đời tại một Trung tâm dưỡng lão. 

Bà Dung cũng đã già và không còn minh mẫn như cách đây 7 năm

Cuộc sống tại đây đã đánh dấu một sự thay đổi toàn diện trong cuộc sống của bà Dung. Bà không phải làm bất kỳ công việc nào, thậm chí cả công việc... rửa bát, và ở đây, bà còn được chia sẻ, tâm sự với những người bạn già. Bà cũng tích cực tham gia vào các sự kiện và hoạt động tại trung tâm, sống cuộc sống với tinh thần lạc quan và yêu đời.

Tuy nhiên, với sức khỏe giảm yếu do tuổi tác, bà Dung phải dựa vào sự hỗ trợ của điều dưỡng viên và sử dụng xe lăn. Mặc dù cuộc sống tại đây mang lại nhiều trải nghiệm tích cực, nhưng bà vẫn cảm thấy buồn bã vì thiếu vắng con cháu. 

Bà luôn mang theo cảm giác hiu quạnh, cô đơn khi nghĩ về người thân, điều khiến cho bà cảm thấy không trọn vẹn đến bây giờ đó là: Không có mẹ và chưa bao giờ được làm mẹ.

Mất mát một phần quan trọng của gia đình, bà Dung phải tìm kiếm tình yêu và hỗ trợ từ bạn bè và các điều trong trung tâm dưỡng lão. Mặc dù sống một mình, những mối quan hệ này đã giúp bà giảm bớt sự cô đơn của tuổi già và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại