Người phụ nữ dùng CCCD giả gửi tiết kiệm hơn 3,1 tỷ đồng, 8 năm sau yêu cầu rút tiền thì bị nhân viên từ chối, toà án tuyên bố: “Ngân hàng phải trả lại tiền cho khách”

Ánh Lê |

Dùng CCCD giả để gửi tiền ở ngân hàng, người phụ nữ Trung Quốc suýt chút nữa mất trắng.

Năm 1999, bà Trần ở Hà Nam, Trung Quốc, đến ngân hàng ở địa phương để gửi tiết kiệm. Vì không muốn chồng phát hiện ra khoản tiền này nên bà Trần quyết định dùng CCCD giả có tên là Lưu Lan để mở tài khoản ngân hàng. Sau khi mở xong tài khoản, người phụ nữ này lần lượt gửi vào đó 900.000 NDT (hơn 3,1 tỷ đồng).

Đến năm 2007, tức 8 năm sau đó, bà Trần đến ngân hàng yêu cầu rút số tiền trong tài khoản tiết kiệm trên để đi chữa bệnh. Tuy nhiên, người phụ nữ này lại được nhân viên thông báo rằng bà không thể rút tiền vì CCCD mà bà dùng là giả.

“Không có người nào tên là Lưu Lan với những thông tin như trên CCCD này thưa bà. Chúng tôi sẽ tịch thu CCCD giả này và tất nhiên bà cũng không thể rút tiền trong tài khoản này”, giao dịch viên cho biết.

Ảnh minh hoạ: 163.com

Nhận thấy bí mật của mình bị phát giác, bà Trần lập tức xin lỗi và trình bày sự việc với hy vọng phía ngân hàng có thể bỏ qua cho mình. Sau nhiều lần thương lượng nhưng không có kết quả, vào nửa cuối năm 2008, bà Trần không còn cách nào khác đành phải kiện ngân hàng ra tòa án địa phương để lấy lại số tiền tiết kiệm của mình.

Tại tòa, bà Trần thú nhận: “Năm 1999, tôi đã dùng CCCD giả để gửi tiền. Tôi biết hành vi của mình là sai nhưng trong chuyện này, tiền trong tài khoản tiết kiệm đó là của tôi. Mong toà xét xử công bằng.”

Phía ngân hàng cho biết: “Thời điểm đó, chúng tôi không biết rằng bà Trần đã sử dụng CCCD giả để mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hệ thống ngân hàng đã có công cụ trực tuyến kết nối thẳng với dữ liệu của cơ quan công an nhằm xác minh thông tin khách hàng. Từ đây, chúng tôi mới phát hiện hành vi sai phạm của bà Trần. Trong trường hợp bà Trần chứng minh được số tiền gửi dưới tên Lưu Lan là của mình, chúng tôi sẽ trả lại tiền. Nếu không, người phụ nữ này phải tự chịu trách nhiệm.”

Ảnh minh họa: 163.com

Để chứng minh số tiền dưới tên tài khoản Lưu Lan là của bà Trần, luật sư của người phụ nữ này đã đề nghị bà Trần tìm lại các chứng từ trước đây từng dùng tên Lưu Lan để giao dịch. Thật may, trước đó vào năm 2004, bà Trần cũng từng sử dụng CCCD tên Lưu Lan để mua một số lượng lớn trái phiếu ở công ty chứng khoán. Giấy tờ giao dịch vẫn được người phụ nữ này giữ lại. Sau khi toà án tiến hành giám định chữ viết tay và chữ ký ở trên những giấy tờ trên, họ xác nhận chúng được viết bởi cùng 1 người là bà Trần.

Dựa trên những chứng cứ này, ngày 15/9/2008,toà án địa phương xác nhận số tiền trong tài khoản ngân hàng có tên Lưu Lan là của bà Trần. Toà cũng cho biết trong vụ việc này, phía ngân hàng đã làm đúng quy định của pháp luật Trung Quốc. Tuy nhiên đây là trường hợp khá đặc biệt nên việc xét xử sẽ dựa trên lợi ích của cả hai bên. Cuối cùng, tòa ra phán quyết yêu cầu ngân hàng trả lại tiền cho người phụ nữ này.

Bên cạnh đó, vì hành vi sử dụng CCCD giả để mở tài khoản ngân hàng là vi phạm pháp luật nên toà án địa phương cũng đã cảnh cáo và phạt bà Trần một số tiền nhất định. Sau vụ việc này, bà Trần cũng đã nhận ra lỗi lầm của mình nên hứa sẽ không bao giờ tái phạm nữa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại