Mở cửa hàng đầu tiên bán xăng dầu tại Việt Nam, Idemitsu Q8 (IQ8) khiến dư luận xôn xao trong những ngày vừa qua bởi cam kết bán xăng chính xác đến 0,01 lít, thái độ phục vụ khách hàng từ cái cúi đầu xin chào, lau gương, kính cho xe… liệu bản đồ xăng dầu Việt Nam có được vẽ lại bởi nhà đầu tư ngoại này?
BizLIVE ghi nhận ý kiến của ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) liên quan đến vấn đề này:
Thứ nhất, cần đặt câu hỏi tại sao doanh nghiệp Nhật Bản được vào bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vì từ trước đến nay trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết không mở cửa thị trường năng lượng.
Hiện xăng dầu đang phụ thuộc nhiều vào nước ngoài khi nhập khẩu đến 70% và trong nước chỉ đáp ứng 30% và Việt Nam đến nay chưa tự chủ được năng lượng, trong khi năng lượng rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, muốn tự chủ được phải tạo ra nhiều nhà máy hoá lọc dầu, đáp ứng đủ 100% trong nước.
Idemitsu Q8 đã tham gia nhà máy lọc dầu Nghi Sơn do đó các sản phẩm được phép tiêu thụ tại thị trường trong nước nên lần đầu tiên có công ty 100% vốn nước ngoài được bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Nhật vào thực chất liên doanh với PV OIL thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN nhưng 100% vốn của nước ngoài, có những mặt tốt gì cho thị trường xăng dầu hiện nay?
Việc xuất hiện trạm xăng đầu tiên của nhà đầu tư Nhật Bản tạo thêm môi trường cạnh tranh đồng thời đặt ra thách thức đối với chính nó và các doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt lợi đối với thị trường là phương thức phục vụ hoàn toàn mới như cúi đầu chào khách hàng, lau kính trước, gương chiếu hậu cho xe, cam kết về độ chính xác đến 0,01 lít…
Nói chung đất nước Nhật họ đối xử khách hàng thực sự là thượng đế và điều đặc biệt, phương thức phục vụ cũng tiên tiến, văn minh trong bối cảnh Việt Nam, riêng với mặt hàng xăng dầu nhiều cây xăng gian lận, gắn chíp và chất lượng xăng phối trộn không đảm bảo.
Sự xuất hiện của nhà đầu tư Nhật Bản tạo ra luồng gió mới, xu hướng mới tạo ra sự cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nhà máy lọc dầu, được tham gia vào thị trường bán lẻ trên 90 triệu dân, đây là thị trường màu mỡ.
Bên cạnh đó, điều quan trọng nữa cần thấy là nó tạo môi trường tăng tính cạnh tranh, đặt ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong nước, với đối thủ như vậy không vươn lên sẽ mất thị phần từ phương thức phục vụ, độ chính xác, chất lượng.
Đây là bài học cảnh tỉnh cho những doanh nghiệp Việt Nam vì không phải một mình một chợ, không phải chỉ có những doanh nghiệp nội mà có doanh nghiệp nước ngoài, có sự so sánh lớn, đặt ra thách thức lớn đối với doanh nghiệp xăng dầu trong nước và đối với doanh nghiệp nước ngoài ngoài cũng là thách thức với họ.
Thời điểm này có một số ý kiến cho rằng thị trường xăng dầu không có cạnh tranh về giá nhưng theo tôi là không đúng, nền kinh tế thị trường có nhiều loại hình thị trường khác nhau, có cạnh tranh, có độc quyền và thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự vì vẫn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên cần quy định giá trần.
>>> Xem thêm: Clip: Cây xăng Nhật Bản đầu tiên ở Hà Nội
Clip: Cây xăng Nhật Bản đầu tiên ở Hà Nội