Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định rằng Petrolimex đã chuẩn bị trước sự mở cửa thị trường xăng dầu. Petrolimex luôn xác định sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường là tất yếu, và Tập đoàn đã có các tiêu chuẩn về sản phẩm và dịch vụ để làm phục vụ khách hàng.
Trả lời Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, đại diện Petrolimex mong muốn nhà nước sớm có những điều chỉnh về chính sách khi mở cửa thị trường bán lẻ xăng dầu. Theo đó, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu cần sớm được sửa đổi, cho phép doanh nghiệp tự xác định giá phù hợp với năng lực của mình để có sự cạnh tranh, mang lợi ích đến cho người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, Petrolimex muốn Nhà nước thực thi nghiêm Luật sở hữu trí tuệ khi doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu. Ông Bảo cho rằng, Petrolimex đang là thương hiệu bị lạm dụng. Với sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước sẽ phải thực hiện nghiêm việc bảo hội về thương hiệu.
“Tôi kỳ vọng vào sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài là được bảo hộ về thương hiệu. Hiện tại, Petrolimex đang là một trong những doanh nghiệp bị lạm dụng nhiều nhất. Pháp luật của chúng ta cần phải nghiêm khắc hơn đối với việc vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ và bảo hộ về thương hiệu” – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói.
Ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng xăng dầu là một sản phẩm và Nhà nước cần cho phép doanh nghiệp tự đặt tên sản phẩm ấy. Bởi vì, sản phẩm xăng A92, A95 của các doanh nghiệp có sự khác biệt về phẩm chất nên doanh nghiệp cần được tự đặt tên để người dùng dễ nhận biết. “Đó là thông lệ quốc tế. Chúng ta không phải ốc đảo, khi hội nhập đồng bộ thì phải tuân thủ theo quy định và chuẩn mực quốc tế” – ông Bảo nêu quan điểm.
Trước đó, ngày 05/10 trạm bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu 100% vốn nước ngoài đã chính thức mở cửa. Trạm xăng đặt tại khu công nghiệp Thăng Long (Hà Nội). Công ty chủ quản là Idemitsu Q8 Petroleum LLC, liên doanh giữa Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Kuwait Petroleum International Ltd (Kuwait).
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đánh giá rằng, sự tham gia của doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường bán ẻ xăng dầu sẽ mang đến những giá trị mới nhưng “rất bình thường”. Đó là đong xăng dầu đúng tiêu chuẩn, tạo ra phong cách phục vụ.
“Chào đón khách hàng trong trời mưa là hoạt động phi kinh tế. Nhưng nó là phong cách mà các doanh nghiệp khác phải suy nghĩ và học hỏi” – ông Nguyễn Đức Thành nói.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương hoan nghênh việc Chính phủ cho phép doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trướng bán lẻ xăng dầu. Theo ông, điều này sẽ khuyến khích và gia tăng sức ép cạnh tranh, thúc đẩy doanh nghiệp thay đổi để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Thực tế, thị trường bán lẻ xăng dầu đã có sự cạnh tranh từ nhiều năm nay, khi Chính phủ ban hành các Nghị định 55, 84, 83 cho phép mọi thành phần kinh tế tham gia. Điều đó cho thấy định hướng rõ ràng của Chính phủ. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng đã tích cực thay đổi để mở rộng hệ thống phân phối và mang đến nhiều dịch vụ tiện ích khác.