Điểm dừng của nhiều lãnh đạo Trung Quốc
Kết thúc chuyến thăm Cuba hồi cuối tháng 9, chuyên cơ của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã "dừng kỹ thuật" trên đảo Terceira. Tại đây, ông Lý hội kiến Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva.
Hồi tháng 7/2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dừng tại đây sau chuyến thăm Cuba. Phó thủ tướng Bồ Đào Nha đã có cuộc gặp gỡ ông Tập.
Vào năm 2012, chuyên cơ của cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đáp lại đây trong quá trình bay từ Chile về Bắc Kinh.
Theo Politico, truyền thông Trung Quốc từng giải thích, khoảng cách từ Mỹ-Latin về Trung Quốc là hơn 20.000 km nên máy bay của các lãnh đạo thường phải "dừng kỹ thuật" để tiếp dầu. Nhưng thực tế không đơn giản như vậy.
Vị trí chiến lược bị Mỹ "lạnh nhạt"
Quan sát vị trí của Terceira và người ta có thể nhận ra lợi ích của Trung Quốc hiện ra trong "hình hài" của Lajes Field, một căn cứ không quân đặt trên hòn đảo này mà theo các tài liệu quân sự Mỹ, nó có đường băng lớn nhất châu Âu với khả năng hỗ trợ "bất kỳ máy bay thương mại hay quân sự nào của hạm đội Mỹ và NATO".
Căn cứ Lajes được biết đến là chìa khóa kết nối Mỹ với châu Âu và Trung Đông, được Mỹ sử dụng để truy tìm tàu ngầm Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, và là vị trí chiến lược trong các chiến dịch như Chiến tranh Vùng Vịnh.
Tuy nhiên, theo Politico, Lầu Năm Góc gần đây cho rằng căn cứ nằm ở quần đảo Azores của Bồ Đào Nha này đang trở nên thừa thãi so với nhu cầu, trong khi Washington còn theo đuổi chính sách "xoay trục châu Á-Thái Bình Dương".
Mỹ đã cắt giảm mạnh đội ngũ của mình tại đây, từ 3.000 người thời Chiến tranh Lạnh xuống còn khoảng 200 và gây ra sự thất vọng cho chính quyền Bồ Đào Nha, bởi sự hiện diện quân sự của Mỹ có là đóng góp quan trọng cho kinh tế địa phương.
(Xử lý ảnh: Mạnh Quân)
Mỹ ra, Trung Quốc vào?
Việc Mỹ rút lui khỏi Lajes từ lâu đã bị cánh "diều hâu" quốc phòng ở Washington phản đối. Hiện nay, họ càng lo sợ rằng khi Mỹ bỏ đi, Trung Quốc đang "rục rịch" nhảy vào.
Michael Rubin, cựu quan chức Bộ quốc phòng Mỹ, nay là nhà nghiên cứu ở Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói: "Nếu người Trung Quốc thực sự khởi xướng đặt cơ sở hậu cần ở vùng Trung Đại Tây Dương thì các nhà sử học sau này chắc chắn sẽ phải vò đầu bứt tai về tầm nhìn hạn hẹp của Mỹ."
Terceira chỉ cách New York 3.600 km, tương đương khoảng 4 giờ bay của máy bay thương mại, ông chỉ ra.
Devin Nunes, thành viên đảng Cộng hòa trong Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ, cảnh báo trong một lá thư gửi Bộ trưởng quốc phòng Ashton Carter hồi tuần trước rằng Bắc Kinh có kế hoạch thiết lập "trung tâm hậu cần và tình báo" ở quần đảo Azores, mà đến cuối cùng "sẽ được mở rộng cho các mục đích quân sự khác".
Raquel Vaz-Pinto, chuyên gia của Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế (Bồ Đào Nha) nói: "Lợi ích của Trung Quốc là có một chỗ đứng ở Đại Tây Dương, hỗ trợ lớn cho ảnh hưởng của họ trong khu vực... nhưng khó nắm bắt lợi ích về mặt chiến lược của Bồ Đào Nha là gì.
"Đó có thể là một cách 'ngã giá' để khiến Mỹ phải nhìn về Azores và căn cứ tại đây với những lợi ích mới hơn," bà Raquel nói thêm.
Không khó nhận thấy Lisbon vẫn đang cố gắng níu kéo Mỹ ở lại hòn đảo Terceira.
Hồi giữa tháng 9, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cảnh báo thẳng thừng rằng Trung Quốc và các nước khác có thể lấp vào khoảng trống mà Mỹ để lại.
Vị trí quần đảo Azores trên bản đồ. (Ảnh: Google)
"Không có khoảng trống trong chính trị và kinh tế. Sẽ là tốt nhất nếu có đồng minh lâu dài lấp những khoảng trống đó hơn là các đồng minh và nhà đầu tư mới. Nhưng nếu [Mỹ] để ra chỗ trống, ai đó sẽ nhảy vào," ông nói.
Theo tin của Politico, các quan chức Trung Quốc và Bồ Đào Nha đã tiếp xúc để trao đổi về vấn đề đảo Terceira.
Nội dung thảo luận ngoài căn cứ không quân Lajes còn cho thấy Bắc Kinh hứng thú với cảng Praia da Vitória, nơi mà chính quyền địa phương muốn phát triển thành một cảng nước sâu.
Tuy vậy, Lisbon phủ nhận việc thương thuyết với bên thứ ba ngoài Mỹ về tương lai của Lajes.
"Tôi không biết liệu người Trung Quốc có ý định gì với Lajes," Ngoại trưởng Silva nói sau cuộc gặp với ông Lý Khắc Cường hôm 27/9.
"Điều mà tôi biết là lợi ích duy nhất của Bồ Đào Nha là khi căn cứ này được sử dụng đầy đủ theo thỏa thuận hợp tác và quốc phòng mà chúng tôi có với Mỹ."
Nhưng các quan chức Bồ Đào Nha vẫn tỏ thái độ mơ hồ khi đề cập "điều sẽ xảy ra" nếu Mỹ tiếp tục cắt giảm hoạt động và nhân sự tại Lajes.
Politico bình luận, chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã theo đuổi chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, nhưng người kế nhiệm ông sẽ buộc phải quay đầu chống trả chiến lược "xoay trục Đại Tây Dương" của Trung Quốc.