Người lính Mỹ nhớ lại trận đánh đầy máu và lửa với quân Trung Quốc

Trung Hiếu |

Trận chiến ở đèo Kunu-ri giữa quân Mỹ và quân Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên vẫn mãi ám ảnh người lính Mỹ bởi sự tàn khốc của nó.

Đối với một cựu chiến binh Mỹ, nơi tệ hại nhất trên thế giới có thể là một con đèo lạnh giá mang tên Kunu-ri ở vùng cao của Triều Tiên thời chiến tranh.

Ông Charles Rangel hiểu rõ con đèo đó. Ngay cái tên của đèo cũng nghe lanh lảnh dễ sợ.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại từ văn phòng mình của mình ở trường Đại học New York, ông Rangel cho biết, nghe lại cái tên này vào năm 2020 (70 năm sau ngày nổ ra Chiến tranh Triều Tiên ) vẫn khiến ông “lạnh sống lưng”.

Rangel nay đã 90 tuổi và là một cựu nghị sĩ Mỹ gốc Phi. Vào năm 1950, Rangel – khi ấy mới 20 tuổi, chiến đấu trong bão lửa một trận đánh ghi nhận thất bại đẫm máu nhất của Mỹ kể từ năm 1945.

Quân Trung Quốc quây chặt đường rút của đối phương

Vào tháng 11/1950, quân đội Triều Tiên đã bị đánh tơi tả sau khi xâm lấn vào lãnh thổ Hàn Quốc. Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc do Mỹ dẫn dắt khi ấy đã xâm lấn ngược trở lại Triều Tiên. “Cuộc chơi” dường như đã kết thúc. Binh sĩ Liên Hợp Quốc kháo nhau rằng mình sắp được về quê vào dịp Giáng sinh.

Nhưng “Chí nguyện quân Nhân dân Trung Quốc” vẫn âm thầm chuẩn bị cho một cuộc tấn công bất ngờ và hiểm hóc. Quân tình nguyện Trung Quốc đã được triển khai bí mật tới Triều Tiên, ém sâu chờ các đoàn quân của Liên Hợp Quốc tiến tới phía bắc, hướng về biên giới với Trung Quốc

Địa hình nơi đây gồ ghề, khúc khuỷu. Thời tiết lạnh cóng: Âm 34 độ C.

Trong bối cảnh đó, quân Trung Quốc tung ra cuộc phục kích lớn nhất của thế kỷ 20.

Phía Trung Quốc đạt được yếu tố bất ngờ gần như tuyệt đối. Họ tổ chức tấn công sâu vào đội hình quân Liên Hợp Quốc. Chiến thuật “biển người” của họ dựa trên lời dạy của Tôn Tử về “việc tấn công như nước”. Chiến thuật đơn giản nhưng hiệu quả cao.

Các đòn tấn công chính diện bằng lượng lớn binh sĩ Trung Quốc đã ghim chân các đơn vị Liên Hợp Quốc tại chỗ. Trong khi đó, các đơn vị nhỏ của phía Trung Quốc đi vòng qua sườn để chặn hậu và tấn công từ phía sau. Khi các đơn vị Liên Hợp Quốc mất liên lạc và nhảy lên xe để rút chạy, họ sẽ tự đâm đầu vào khu vực dành cho sự tàn sát.

Đèo Kuni-ri là tuyến rút lui của Sư đoàn Bộ binh số 2, đơn vị bị đánh tơi tả. Sư đoàn này còn được gọi tắt là 2ID. Tuyến trước của sư đoàn này đã sụp đổ. Quân Thổ Nhĩ Kỳ, được đưa lên phía trước để trám lỗ hổng, đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Việc vượt qua đèo trở thành một cuộc đua với thời gian, vì quân Trung Quốc di chuyển rất nhanh để cắt đường rút lui của 2ID.

Khu vực phía nam đèo Kunu-ri đã bị 2 sư đoàn Trung Quốc giội bão lửa – họ chế áp toàn bộ mặt đất bằng súng máy và súng cối. Một cái bẫy dài 10km đợt chờ quân Mỹ tháo chạy.

Trước khi vào đèo Kunu-ri, đơn vị của Rangel – tiểu đoàn pháo binh 503 thuộc sư đoàn 2ID, đã bị mệt mỏi tinh thần do chiến đấu trong các ngày trước đó.

Rangel nhớ lại: “Lúc đó, quân Trung Quốc gửi truyền đơn hăm dọa chúng tôi. Truyền đơn viết bằng thứ tiếng Anh bồi đã cố giải thích vì sao chúng tôi nên rời khỏi Triều Tiên và rằng đây là nội chiến giữa người Triều Tiên/Hàn Quốc với nhau... Đã vậy họ còn có các đoạn ghi âm lính Mỹ bị bắt và nói về việc đầu hàng, về nhà”.

Quân Mỹ bị tàn sát không thương tiếc

Quân Mỹ thiếu thốn thông tin tình báo. “Chúng tôi biết mình ở vào thế dễ bị tấn công. Nhưng chúng tôi không biết quân Trung Quốc đã hoàn toàn bao vây chúng tôi và chia cắt chúng tôi với những người còn lại trong đơn vị”.

Rangel còn nhớ các sĩ quan chỉ huy phe Liên Hợp Quốc đã hoảng loạn tháo chạy. “Sĩ quan cấp tá, đại tá, rồi cả tướng nữa, họ được trực thăng chở thoát khỏi đây”.

Vào ngày 30/11/1950, Sư đoàn bộ binh số 2 này đi lên đèo. Các đơn vị đầu tiên – xe thiết giáp, đi qua bình an vô sự. Những khi đoàn dài xe tải và xe jeep bắt đầu lăn bánh đi qua thì quân Trung Quốc tung đòn, gây ra cảnh tượng đổ máu ghê rợn.

Lính Anh ở đầu phía nam của đèo, chứng kiến những chiếc xe bị xé nát đi vào chu vi khu vực của khọ. Sĩ quan quân y của đơn vị cố gắng vô vọng trong việc cứu những người lính Mỹ đang chết dần. Người này về sau bị trầm cảm nặng.

Hỏa lực ở mức độ dữ dội nhất giội tập trung xuống tiểu đoàn pháo binh của Rangel. Sau đó con đèo hoàn toàn bị tắc nghẽn do các đoàn xe bốc cháy ùn ứ.

Màn đêm buông xuống. Tiếng kèn đồng của quân Trung Quốc (họ thiếu điện đài để liên lạc nên phải dùng kèn) vang lên trong bóng tối. Ánh lửa lập lòe trong đêm.

Rangel kể lại: “Tôi bị thương ở lưng do mảnh đạn cối. Tôi nằm dưới một xe tải chở vũ khí, tôi nghe thấy tiếng người Trung Quốc, tiếng kêu la, và tiếng bước chân quân phe tôi rút đi. Tôi e mình sẽ chết đến nơi”.

Sau đó Rangel quyết định bò ra khỏi gầm xe tải và tập hợp được hàng chục đồng đội rồi dẫn họ về khu vực an toàn vào ngày 1/12/1950.

Hai trong số 3 trung đoàn của 2ID đã bị xóa sổ trong trận đánh ở đèo Kunu-ri. Đơn vị hứng chịu thương vong lớn nhất là tiểu đoàn pháo 503 – đơn vị này cũng mất sạch pháo.

Trận Kunu-ri, và trận rộng hơn – trận đánh sông Chonchong, cho tới nay vẫn là thất bại nặng nề nhất của Mỹ kể từ Thế chiến 2.

Đây là một thắng lợi khó tin cho phía Trung Quốc gồm toàn binh sĩ nông dân. Phe Trung Quốc đã giải phóng Triều Tiên và đánh bại đội quân công nghệ cao của Mỹ. Đây là một bước ngoặt lịch sử nữa cho Trung Quốc, đất nước đã phải chịu cả một “bách niên quốc sỉ” trước các thế lực ngoại bang.

Về sau Rangel giải ngũ vào năm 1952. Nhưng trải nghiệm tại đèo Kuni-ri vẫn hằn sâu lên tâm trí của ông.

Rangel tâm sự: “Từ ngày hãi hùng đó, tôi không hiểu nổi vì sao con người ta lại đi chém giết, tàn sát lẫn nhau như vậy. Những người đã chứng kiến sự khủng khiếp của chiến tranh và những thi thể bị xét nát vì đạn bom nhận ra rằng cần phải có một cách sống tốt hơn, hòa bình hơn”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại