Nhà văn người Trung Quốc, Lý Thượng Long, có một người bạn. Trong mắt người khác, anh là người điềm tĩnh, dễ gần, có thể nghỉ việc để đi du lịch và đi bất cứ nơi nào mình muốn.
Anh từng dành một năm đi du lịch khắp mọi miền đất nước, thăm núi sông, sáng tác âm nhạc, viết nhật ký du lịch và đăng lên trang cá nhân khiến mọi người phải ghen tị. Tuy nhiên, thực tế là anh không đủ khả năng chi trả ba bữa ăn mỗi ngày với số tiền kiếm được từ ca hát. Ở tuổi 27, anh thậm chí còn không có thu nhập ổn định và vẫn phụ thuộc vào bố mẹ. Hiện tại, anh đang làm việc tại một nhà hàng thức ăn nhanh và không biết tương lai tiếp theo sẽ ra sao.
Nhiều người cho rằng họ có thể sống cuộc sống mình muốn và làm bất cứ điều gì họ muốn, nhưng họ không biết rằng cuộc sống không có tiền đồng nghĩa với việc không có độc lập, tự do.
Kiếm tiền không phải là điều khó khăn mà là nền tảng của cuộc sống. Người bình thường muốn kiếm tiền phải học cách "giả vờ". Nhắm đúng thời cơ, khéo léo thể hiện bản thân để có được cơ hội và sự giúp đỡ từ quý nhân, từng bước lên dốc.
01. Vờ táo bạo và nắm bắt cơ hội phát triển
Một blogger A từng chia sẻ kinh nghiệm tìm việc của mình: Sau khi tốt nghiệp đại học, cô ứng tuyển thành công vào một công ty, nhưng ba tháng sau lại bị sa thải.
Mẹ cô khuyến khích cô thử sức ở một công ty khác. Tuy có chút do dự nhưng cô đã chủ động liên hệ với công ty đó và thành công. Vì cơ hội không dễ dàng có được nên cô rất trân trọng, dù gặp phải dự án mình không giỏi, cô cũng sẽ luôn nhận và cố gắng hết sức.
Tích cực ứng tuyển chịu trách nhiệm mảng video ngắn mới của công ty. Đây là việc không ai dám đứng ra làm, nhưng cô đã nhận. Cô dành nhiều thời gian tập trung sáng tạo nội dung và quay video dù đây vốn không phải sở trường của mình.
Nhưng cũng chính nhờ những trải nghiệm này, cô đã có được nhiều cơ hội đào tạo và học tập cho bản thân, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng một cách trực tiếp, đây cũng là nền tảng giúp cô tự tin bắt đầu kênh truyền thông của riêng mình và trở thành một blogger cá nhân.
Triết gia Epictetus đã nói: "Điều quan trọng không phải là điều gì xảy ra với bạn mà là cách bạn phản ứng với nó".
Trong thực tế cuộc sống, nhiều người bỏ lỡ cơ hội vì sợ thất bại, từ đó rơi vào trạng thái hối hận, tự trách móc. Thực tế, thay vì nghi ngờ bản thân và do dự, tốt hơn hết bạn nên dũng cảm chủ động đấu tranh vì nó. Chỉ khi dám vượt qua những giới hạn tự đặt ra, chúng ta mới có thể trưởng thành vượt qua thử thách. Khi gặp khó khăn, những thái độ khác nhau sẽ quyết định con đường mà mỗi người sẽ đi trong tương lai.
Con người càng dám "vờ táo bạo", càng có thể đối mặt với những khó khăn, thử thách, biến mọi cơ hội thành bước đệm để phát triển bản thân.
02. Vờ gặp khó khăn và có cơ hội được giúp đỡ
Một chính trị gia gặp phải một vấn đề khó khăn sau khi được bầu làm thư ký quốc hội. Ông phát biểu tại Hạ viện và bị một nghị sĩ khác chỉ trích mạnh mẽ. Đối phương nổi tiếng là thờ ơ với người khác và khó gần.
Biết nghị sĩ có một cuốn sách hiếm trong nhà, chính trị gia này đã viết một lá thư rất chân thành nói rằng: "Tôi nghe nói ngài đã sưu tầm được một cuốn sách. Tôi luôn muốn được đọc cuốn sách này, nhưng chưa có cơ hội, không biết ngài có thể cho tôi mạn phép được mượn cuốn sách này hay không?"
Thật bất ngờ, ngay sau đó, chính trị gia đã nhận được cuốn sách qua đường bưu điện. Khi trả lại, ông gửi kèm theo một tờ giấy bày tỏ lòng biết ơn một cách trang trọng. Điều đáng ngạc nhiên là thái độ của nghị sĩ đối với ông đã thay đổi đáng kể kể từ đó. Nghị sĩ bắt đầu chủ động chào ông, và khi cuộc trò chuyện giữa hai người diễn ra, sự thực tế và khiêm tốn của ông cũng để lại ấn tượng tốt với nghị sĩ.
Từ đó trở đi, nghị sĩ không còn công khai phản đối ông, thậm chí còn bày tỏ nếu cần giúp đỡ, có thể tìm tới nghị sĩ, và hai người đã trở thành những người bạn tốt của nhau.
Vậy đấy, một mối quan hệ có thể giúp bạn ngày càng tốt đẹp hơn đôi khi không thể tách rời khỏi hai chữ "nhờ vả".
Việc chủ động đặt mình ở thế thấp hơn và bày tỏ nhu cầu của bản thân sẽ giúp người khác có cơ hội đến gần hơn với bạn, thiết lập sự công nhận, từ đó thúc đẩy hợp tác.
Có người nói: "Những người không xấu hổ khi yêu cầu giúp đỡ, sẽ có nhiều khả năng nhận được sự giúp đỡ hơn". Bằng cách "giả vờ cần tới sự giúp đỡ", chúng ta có thể sàng lọc những người thực sự sẵn lòng giúp đỡ mình và thiết lập mối quan hệ lành mạnh với họ.
03. Giả vờ hào phóng, đạt được sự phát triển lâu dài hơn
Có một câu chuyện như vậy trong cuốn sách nước ngoài có tên "Thế giới ngoại thương của một người":
Nhân vật Tiêu Ý bàn việc hợp tác với một khách hàng mới. Khách hàng rất hài lòng với sản phẩm nhưng giá đưa ra lại thấp hơn nhiều so với giá thị trường.
Sau khi trao đổi với sếp, sếp đã đồng ý và thậm chí còn đề nghị chia cho cô khoản hoa hồng lợi nhuận 1% nếu hợp tác thành công. Nhưng thay vì "tham lam" với khoản hoa hồng này, cô nói với khách hàng của mình rằng nếu họ tăng số lượng đặt hàng, họ không chỉ có thể nhận được mức giá mong muốn mà ngay cả phần hoa hồng nhận được, cô cũng có thể nhường cho họ. Cuối cùng, hợp tác thành công, mang lại doanh thu hàng trăm triệu cho công ty.
Sau sự việc này, sếp và đồng nghiệp rất ấn tượng với cô, thậm chí cả khách hàng cũng sẵn sàng tiếp tục hợp tác với cô.
"Giả vờ hào phóng" không phải là yếu đuối mà là sự thể hiện của trí tuệ ở mức độ cao hơn.
Con người có bản chất tư lợi, nhưng các bậc thầy hiểu rằng chỉ khi biết quan tâm và mang lại lợi ích cho người khác, họ mới chiếm được lòng tin, sự ủng hộ và dựa vào người khác để đạt được thành công.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, sản phẩm của nhiều nhà máy không thể bán được. Một nhà cung cấp hy vọng Tào Đức Vượng, chủ tịch của công ty kính lớn nhất thế giới, có thể giúp họ giảm áp lực tồn kho và thu mua sản phẩm của mình. Mọi người đều cho rằng Tào Đức Vượng sẽ nhân cơ hội hạ giá, nhưng không ngờ, ông vẫn mua lại sản phẩm với mức giá thậm chí còn cao hơn so với thị trường chung.
Chia sẻ về lý do, ông nói, khi người khác gặp khó khăn, điều cần làm là hào phóng giúp đỡ họ, lợi nhuận ít đi một chút cũng không mất gì. Sau này, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính qua đi, giá nguyên liệu làm kính bắt đầu tăng lên, nhưng để trả nợ ân nghĩa, mức giá mà nhà cung cấp đưa ra cho tập đoàn của ông vẫn không thay đổi.
Lợi ích nên được chia sẻ thay vì ôm khư khư một mình. Chỉ khi biết cách mang lại lợi ích cho người khác, bạn mới có thể chiếm được cảm tình của mọi người và giành được sự ủng hộ lâu dài hơn.
04
Bí quyết kiếm tiền của một người không chỉ dựa vào tài năng hay sự chăm chỉ mà còn phải nhờ tư duy và cả hai chữ "giả vờ".
"Giả vờ táo bạo", dám đương đầu với thử thách, nắm bắt cơ hội.
"Giả vờ cần sự giúp đỡ", khéo léo cầu cứu để nhận được hỗ trợ.
"Giả vờ hào phóng", thể hiện tinh thần hợp tác và giành lấy sự phát triển lâu dài.
Trong xã hội phức tạp và luôn thay đổi này, nếu muốn kiếm tiền, hãy bắt đầu bằng việc học cách "giả vờ".
Tôi hy vọng mỗi chúng ta đều có thể tìm ra cách làm giàu của riêng mình.