Người Kurd Syria sốt vó tìm cách thoát họa diệt vong, số phận nằm trọn trong tay Nga

Hải Võ |

Chính quyền người Kurd ở miền Bắc Syria tìm kiếm sự can thiệp của Nga để đại diện cho họ, cũng như thúc đẩy chính phủ bảo vệ lãnh thổ trước cuộc tấn công sắp tới của Thổ Nhĩ Kỳ.

Hãng tin Rudaw của người Kurd cho hay, một đoàn đại biểu từ vùng tự trị người Kurd miền Bắc Syria đã tới Moskva vào tuần trước.

Aldar Khalil, quan chức cấp cao trong chính quyền Kurd, nói với Reuters hôm 27/12: "Các liên hệ của chúng tôi với phía Nga, và với chính quyền [tổng thống Syria Bashar al-Assad] là nhằm làm rõ các cơ chế để bảo vệ biên giới phía Bắc [chống lại Thổ Nhĩ Kỳ]."

"Chúng tôi muốn Nga đóng vai trò quan trọng để đạt được ổn định."

Đàm phán giữa chính phủ Assad với Hội đồng dân tộc Syria (SNC) - chính quyền đối lập quản lý khoảng 1/4 lãnh thổ Syria mà họ kiểm soát - không đạt kết quả nào. Phe đối lập cho rằng chính phủ đòi hỏi quá nhiều, trong khi các vùng tự trị muốn bảo vệ những lợi ích chính trị mà họ đã giành được.

Nga là đồng minh thân cận của ông Assad, do đó việc được Moskva đứng ra bảo trợ sẽ là một lợi thế rất lớn với các người Kurd, sau khi đồng minh của họ là lực lượng Mỹ rục rịch rút quân khỏi Syria theo tuyên bố hồi tuần trước của tổng thống Donald Trump.

Moskva cũng có khả năng tác động đến Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đã tuyên bố là sẽ không từ bỏ mục tiêu dù có sự hiện diện của lực lượng Pháp ở miền Bắc Syria hay quân chính phủ có được điều động tới đây.

Mục tiêu của Anakara, như chính quyền tổng thống Recep Tayyip Erdogan khẳng định, là "tiêu diệt khủng bố" dọc biên giới Thổ-Syria - đề cập các Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) và đảng Liên minh Dân chủ người Kurd (PYD) - tổ chức mà Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) chống chính phủ ở nước này.

Nga cho đến nay vẫn duy trì quan hệ ở mức hữu nghị với người Kurd, và gửi lời mời đại diện Kurd tới Đại hội đối thoại dân tộc Syria, tổ chức ở Sochi hồi tháng 1 năm nay, bất chấp Ankara phản đối. Dù vậy đại diện người Kurd Syria khi đó không tham gia và chỉ trích Nga là "bật đèn xanh" cho Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhằm vào YPG tại Afrin.

Moskva ủng hộ việc lực lượng chính phủ Assad trở lại miền Bắc Syria để lấp khoảng trống sau khi Mỹ rút khỏi. Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Erdogan gần đây nói rằng nước này đã trì hoãn kế hoạch tấn công lực lượng Kurd ở Syria trong nhiều tháng. Quân đội Thổ cùng các nhóm vũ trang đồng minh Syria vẫn tiếp tục củng cố lực lượng và khí tài, bên cạnh việc kết nối liên lạc với người Kurd.

Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, Ankara đang chờ đợi Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) - với nòng cốt là YPG - đánh bại hoàn toàn nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại tỉnh Deir ez-Zor, trước khi phát động tấn công.

Trong khi các tướng lĩnh Mỹ và đồng minh lo ngại về hệ quả địa chính trị từ động thái của chính quyền Trump, chính lực lượng người Kurd từng được Mỹ hậu thuẫn để chiến đấu chống IS mới đang đứng trước nguy cơ gánh chịu hậu quả nặng nề nhất.

Hãng tin Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) cho hay, Mỹ sẽ tiến hành rút binh lính của mình khỏi Syria thông qua căn cứ không quân Harir ở tỉnh Erbil, khu vực do người Kurd quản lý. Các nguồn tin địa phương cho biết mật độ lưu thông hàng không và các công tác chuẩn bị được ghi nhận gia tăng tại đây trong vài ngày qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại