Theo Thomas C.Corley – tác giả của cuốn sách nổi tiếng Rich Habits (Thói quen thành công của những triệu phú tự thân), trước khi thiết lập các thói quen giàu có thì chúng ta cũng cần phải xóa bỏ những lầm tưởng tiêu cực về những người giàu. Chúng ta cần phải làm vậy vì những niềm tin tiêu cực "mọc rễ" trong não bộ sẽ cản trở bạn tiến đến nấc thang của sự giàu có và thịnh vượng.
Sau đây là 4 lầm tưởng cần xóa bỏ, bạn hãy xem mình có điều nào không nhé!
Lầm tưởng 1: Người giàu chủ yếu là do vận may, còn người nghèo chủ yếu là do xui xẻo
Khi chúng ta thất bại, bao nhiêu người trong số chúng ta nghĩ rằng đó là bài học và nhận trách nhiệm về mình? Bao nhiêu người bỏ cuộc và nghĩ rằng có lẽ vận may không phải dành cho mình? Theo Corley, có tất cả 4 loại vận:
Vận may ngẫu nhiên: loại vận may chúng ta không thể kiểm soát hay được một món thừa kế bất ngờ.
Vận rủi ngẫu nhiên: cũng như vận may ngẫu nhiên, chúng là những rủi ro mà ta không kiểm soát được. Ví dụ: bị lây bệnh, bị sét đánh, cây đổ vào nhà...
Vận hội (vận may cơ hội): vận may này là một sản phẩm phụ từ những thói quen tốt hàng ngày. Hãy nghĩ về vận hội giống như một vườn cây ăn trái. Bạn phải nỗ lực thực hiện các hành động từ làm cỏ, xới đất, gieo trồng, chăm bón để vườn cây phát triển. Trái cây chính sản phẩm của những việc bạn làm trong suốt thời gian dài. Người thành công làm những việc cần làm trong cả một quá trình để thu hút vận hội đến với họ. Nếu không có sự chuẩn bị bằng những Thói quen giàu có thì kể cả khi có vận may đến bạn cũng đành phải để vận may ấy ra đi mà thôi.
Vận hại: chị em song sinh xấu của vận hội. Ngược lại, nếu bạn nuôi dưỡng những thói quen xấu: lười biếng, trì hoãn, đổ lỗi...bạn sẽ thu hút những "trái cây bị hư" – những rủi ro bạn phải hứng chịu là kết quả cho những thói quen của người thất bại.
Phân biệt 4 loại vận này, chúng ta sẽ không chỉ phiến diện nghĩ rằng cuộc sống của những người giàu đều là do may mắn nữa, mặc dù may mắn cũng là một chất xúc tác của thành công.
Lầm tưởng 2: Hầu hết tiền của người giàu là do được thừa kế
Tôi có một người bạn sinh ra trong nghèo khó, khi lớn lên bạn ấy cũng nỗ lực rất nhiều để đi làm và có mức lương ổn định, đủ trang trải cuộc sống. Bạn ấy cũng đã thử bắt đầu kinh doanh và bỏ cuộc sau một thời gian ngắn. Khi tâm sự với tôi, bạn ấy vẫn không xóa bỏ những tư tưởng của người muốn "ổn định" cuộc sống. Khi nghe câu chuyện của mấy người bạn khác của tôi đã mở công ty và thành đạt, bạn ấy chỉ chép miệng: chắc là nhà người ta có nền tảng rồi, còn mình thì số chả giàu được đâu. Tôi nói rằng: không, mấy người đó đều tự thân lập nghiệp hết đấy. Bạn ấy tỏ vẻ nghi hoặc: làm sao mà cậu chắc được là những người kia không có sự giúp đỡ về tài chính, hoặc chí ít chắc bố mẹ họ cũng bán được mấy lô đất và cho họ làm vốn kinh doanh. Trong câu chuyện của chúng tôi, bạn ấy thường nói: muốn làm mà không đủ vốn, không có người giúp đỡ...
Bạn có bất ngờ không khi tôi nói với bạn rằng:
Kết quả nghiên cứu năm 2013 của Ngân hàng tư nhân BMO – có đến 67% dân Mỹ có giá trị tài sản lớn là triệu phú tự thân và chỉ 8% là do thừa kế tài sản.
Hầu hết các cá nhân giàu có không phải do thừa hưởng tài sản, họ làm ra tài sản.
Lầm tưởng 3: Người giàu không làm việc chăm chỉ
Có lẽ trong một số câu chuyện cổ tích chúng ta được nghe hồi nhỏ đã phần nào đó "tẩy não" chúng ta theo một cách nào đó. Trong câu chuyện thường hay có câu: lão nhà giàu tham lam, độc ác, lười biếng...Nếu ai đó tin rằng việc người nào đó giàu có là do may mắn thì chắc hẳn người đó cũng sẽ nghĩ người giàu là những người chỉ cần hưởng thụ tài sản mà họ may mắn có được. Trên thế giới này có những người giàu như thế, nhưng số đông những người giàu lại là những người làm việc rất chăm chỉ.
Sếp cũ của tôi là một người có tài sản kếch xù, bằng số tài sản ấy anh có thể nghỉ hưu sớm và con cái của anh cũng có một điều kiện học tập và sống một cách thoải mái. Nhưng anh vẫn làm việc, không ngủ trưa và ngủ mỗi ngày chỉ 4 đến 5 tiếng. Đối với anh, công việc chính là cuộc sống, là đam mê giống như được vui chơi mỗi ngày vậy.
Theo Cục thống kê dân số Hoa kỳ, hộ giàu có trung bình có thời gian làm việc nhiều gấp 5 lần hộ nghèo. Người giàu không chỉ là do họ chăm chỉ hơn mà còn là do họ có thái độ làm việc tốt hơn. Họ yêu thích những việc mình làm, chính điều đó tạo cho họ nguồn cảm hứng và sức sáng tạo vượt trội để tạo ra giá trị và trở nên giàu có.
Lầm tưởng 4: Người giàu thông minh hơn và có trình độ học vấn cao hơn
Trong cuốn từ điển tiểu sử "Who’s Who" (Ai là ai) về những người giàu, có đến gần 50% trong số họ chưa từng học hết đại học. Thậm chí một số người như Andrew Carnegie còn chưa học xong tiểu học, đừng nói đến trung học.
Người giàu không ra đời với sự thông minh hay trình độ học vấn cao hơn người khác. Thứ họ có và làm cho họ trở nên thông minh và hiểu biết hơn sau này là khát vọng học hơn nữa, học mãi, cũng như khát khao phát triển kỹ năng bản thân. Họ là những người học cả đời, thông qua sự tự phát triển bản thân không ngừng nghỉ, họ trưởng thành mỗi ngày. Họ trở thành người họ cần trở thành để thành công gõ cửa.
Mong rằng qua bài viết này các bạn sẽ có niềm tin hơn để xây dựng cuộc sống hạnh phúc và thịnh vượng cho chính mình.