Người ta thường nói, lắm tài thì nhiều tật, nhất là với những người đàn ông có tâm hồn bay bổng, luôn đắm chìm trong thế giới ảo mộng của những vần thơ.
Robert Burns là một trong những người đàn ông như thế, tài năng của ông gắn liền với những tập thơ giá trị để đời.
Song song với nó cũng là hàng loạt những scandal tình ái mà ông khiến người ta nhớ về mình còn nhiều hơn danh tiếng thật sự.
Robert Burns là thi hào dân tộc Scotland, tác giả của các tập thơ, trường ca và những bài hát dân gian cải biên viết bằng tiếng Anh phương ngữ Scotland.
Một thi sĩ từng được khắc hình trên chai coca vào năm 2009, được dựng hơn 50 đài tưởng niệm trên khắp thế giới nhưng lại từng là nỗi hận của biết bao cô gái.
Có lẽ 37 năm tuổi đời ngắn ngủi của nhà thơ Burns đã gắn liền với thành tích bất hảo: 4 "vợ" và 12 đứa con.
Mối tình đầu đúng người, sai thời điểm với cô hầu gái thời non trẻ
Mặc dù xuất thân trong 1 gia đình tá điền, kinh tế cũng không mấy khá giả nhưng với Scotland vào cuối thế kỉ 18 thường có tục lệ trong mỗi gia đình sẽ có 1 hoặc vài người cùng ở trng nhà như người phụ việc đồng áng, trông nom trang trại.
Cô hầu gái Elizabeth Paton có thể được coi là mối tình đầu của đại thi hào.
Christopher Waddell - quản lý học tập tại Bảo tàng lưu giữ những tư liệu về nhà thơ Robert Burns kể lại: "Cô ấy được mô tả là người khá giản dị, nhan sắc bình thường nhưng hiền lành, nết na, đúng mẫu người Burns thích".
Chính vì điều đó mà cặp đôi nhanh chóng đắm chìm trong tình yêu cuồng nhiệt của tuổi mới lớn.
Chân dung nhà thơ lắm vợ nhiều con.
Đến khi Paton có thai, mẹ Burns đã nhanh chóng bắt con trai mình phải hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của một người cha.
Tuy nhiên, anh chị em của ông đã ngăn cản điều này. Lúc bấy giờ, Burns cũng được ăn học đàng hoàng và sớm thể hiện khả năng văn thơ của mình từ lúc 15 tuổi.
Khi sự nghiệp mới ở ngưỡng khởi đầu, Burns là niềm hi vọng của cả gia đình. Vì thế việc lấy vợ lúc này là không thích hợp.
Vậy là Burns đã chọn không kết hôn với Elizabeth Paton, con gái bà sinh ra sẽ do mẹ ông chăm sóc.
Mối tình đầu của Burns đã kết thúc khi đôi lứa mỗi người mỗi ngả. Sau này, Elizabeth cũng kết hôn với một nông dân cùng vùng nhưng cảm xúc mà bà nhận được từ người chồng hợp pháp lại không bằng chàng nhà thơ năm xưa.
Tình yêu bất chấp rào cản gia đình và thành quả hôn nhân "đáng nể"
Ngỡ tưởng sẽ đau khổ với mối tình đầu đứt gánh nhưng ngờ đâu, chàng thi sĩ trẻ đào hoa đã sớm có tư tình với một cô gái tên Jean Armor ngay ở thời điểm đứa con ngoài giá thú với Elizabeth ra đời vào tháng 5 năm 1785.
Có vẻ, Jean Armor đã đến đúng khoảng thời gian mà Burns đã trưởng thành hơn. Họ quấn quýt bên nhau tận hưởng những cảm giác tình yêu ngọt ngào.
Thậm chí, Burns còn táo bạo thể hiện chuyện ân ái của mình trong những bài thơ tình cảm mang đúng hơi hướng bản năng vốn có của con người.
Tranh minh họa.
Rồi Armor cũng sinh đứa con đầu tiên cho người yêu.
Ở tuổi 26, Burns lúc này đã thật sự có ý định nghiêm túc với cô nàng là con gái của một kiến trúc sư giàu có trong vùng. Burns chứng minh tình yêu bằng cách viết tờ cam kết sẽ cưới Jean làm vợ.
Nhưng thật không may, chính cha đẻ của bà đã xé tờ cam kết và tuyên bố rằng không bao giờ gả con gái dù có mang tiếng là hư hỏng cho kẻ tay trắng như Burns.
Bất lực trước hoàn cảnh, Burns đành dứt áo ra đi, lên đường sang Jamaica.
Nhưng điều kiện kinh tế quá khó khăn, Burns đã nghĩ ra một cách, bán những tập thơ của mình. Không ngờ, thơ của Burns rất được ưa chuộng, trước khi sang châu Mỹ, ông còn được mời lên thủ đô để tái bản sách và làm việc.
Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười, Burns không cần phải tha hương, ông lại có thêm cơ hội bên người mình yêu. Sau những lần lén lút qua lại vì sợ cha của Jean, họ lại có với nhau đứa con thứ 2.
Lần này, cha bà không do dự đuổi thẳng con gái khỏi nhà. Tình yêu mãnh liệt đã chiến thắng tất cả bằng một đám cưới bất chấp giữa Jean Armor và Robert Burns vào năm 1788.
Armor sinh liền cho ông 9 người con nhưng không rõ vì lý do gì mà chỉ có 3 người còn sống, còn lại đa số là chết yểu.
Người con cuối cùng được sinh ra vào đúng ngày tang lễ của nhà thơ Burns vào tháng 7 năm 1796.
Tranh minh họa.
Sở thích chinh phục của người đàn ông lần yêu nào cũng là lần yêu đầu
Bên nhau từ những lúc khó khăn, bất chấp mọi phản đối, rào cản để chứng minh tình yêu với thành quả là cả đàn con nhưng Burns vẫn không bỏ được sở thích "hám của lạ".
Ông tiếp tục léng phéng với một cô hầu gái của một quý bà giới thượng lưu.
Một lần nữa, Burns lại cuồng nhiệt đắm chìm trong những khoái cảm tình dục mới lạ. Jenny Clow đã mang thai với chàng nhà thơ đào hoa. Nhưng số phận lại không mỉm cười với cô gái trót trao thân cho người đàn ông đã có vợ.
Thương cho hoàn cảnh của cô hầu gái, bà chủ Jenny đã mượn danh cô để viết một bức thư gửi Burns.
Nội dung nói lên sự khổ sở của Jenny khi phải sinh con 1 mình, nói cô bị bệnh, bị đuổi khỏi nhà chủ, rằng cô đang rất cần sự che chở của Burns.
Quả thật, đọc xong bức thư, Burns đã thương người tình đến mức phát khóc. Ông nhanh chóng gửi cho Jenny một khoản tiền.
Nhà sử học Louise Yeoman cũng nói Burns muốn giữ đứa con nhưng Jenny không chấp nhận. Có tin đồn, sau khi mẹ con Jenny rời đi, cậu bé khôn lớn và sau này trở thành một thương gia sống tại Luân Đôn.
Sau này, Burns còn quan hệ với một người phụ nữ khác tên Ann Park và cũng có với nhau một cô con gái. Có thể nói, mỗi bước tiến trong sự nghiệp của nhà thơ này đều có bóng dáng của đàn bà.
Không phải là người phụ nữ làm nên thành công của chồng mà người ta thường ca ngợi, đó là những cô "vợ hờ" được yêu 1 lần mà phải ôm hận đến mãi mãi.
Câu chuyện Burns từng "hãm hiếp" vợ mình là Jean Armor trong lúc bà có bầu ở tháng cuối thai kì và việc người đàn ông này coi tình dục là nguồn cảm hứng sáng tác thơ văn đã được rất nhiều người kể lại.
Dù chưa có cơ sở khẳng định nhưng với danh sách tình trường kia cũng đủ biết Burns trăng hoa đến mức nào.
Điều khiến người ta chua chát với vị thi hào này là ông có tình yêu bao la, lúc nào cũng sẵn sàng ban phát, yêu ai cũng nồng nhiệt như lần yêu đầu.
Lúc mới chớm thì đắm đuối, có thể vì người ta mà bỏ cả "thế giới" nhưng thứ tình càng cuồng dại, vụng trộm, sai trái thì lại càng chóng tàn.
Chỉ tiếc cho những cô gái vì mê đắm tài văn chương của người đàn ông ấy mà yêu quên cả lý trí, cuối cùng tự chuốc đau khổ.
Đàn ông như Burns ở thời nào cũng chẳng phải "hàng hiếm". Họ tài hoa, lời họ nói như rót mật vào tai, ngấm đến tận trong lòng, họ yêu cũng chân thành đấy, chiều chuộng đấy nhưng khổ nỗi với ai họ cũng hết mình như vậy.
Thế nên, con gái đừng mang những rung động nhất thời hay thứ tình cảm cứ ngỡ xuất phát từ trái tim mà mù mờ vơ nhầm 1 chàng họ Sở.
Người đàn ông yêu mình thật sự sẽ cho mình cả đời bình yên chứ không bao giờ mang những bình yên lẽ ra mình được nhận để đánh đổi với những phiêu lưu phù phiếm.
Nguồn: BBC, Mirror