Một ngày năm 1987, ông Diệp Hoà Thành ở thị trấn Cảng Đầu, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, bất ngờ nhận được tin dữ. Theo đó, người chú của ông là ông Diệp Mộc Liên đã qua đời vì bệnh hiểm nghèo.
Chú của ông Diệp vốn theo gia đình đến Indonesia sinh sống từ khi còn rất nhỏ. Tại đây, người đàn ông này đổi tên thành Vương Hiền Năng. Sau nhiều thập kỷ phát triển, ông Vương đã trở thành một doanh nhân nổi tiếng ở Timor, Indonesia. Đến năm 1983, khi Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách và mở cửa, ông mới trở về quê nhà để tìm cơ hội phát triển.
Trong thời gian này, ông Vương quyết định chuyển tài sản của mình về Trung Quốc để thuận tiện cho việc kinh doanh. Hơn 30 triệu USD tương đương 200 triệu NDT (hơn 698 tỷ đồng) lúc bấy giờ đã được ông cụ này gửi vào một ngân hàng ở Phúc Châu. Thật không may, trong một lần rời đại lục và quay trở lại Indonesia, ông Vương được phát hiện mắc bệnh hiểm nghèo và qua đời.
Theo Luật pháp Trung Quốc, vì ông Vương không lập gia đình nên sau khi qua đời, cháu của ông Vương là ông Diệp cùng em trai của mình sẽ được hưởng khối tài sản nói trên. Để chắc chắn, ông Diệp sau đó đã đến ngân hàng nơi chú mình gửi tiền để kiểm tra tài sản. Nhân viên cho biết số tiền gửi của ông Vương vẫn chưa được chuyển đi. Tuy nhiên, để biết có bao nhiêu tiền trong đó, ông Diệp phải chứng minh được mình là người thừa kế hợp pháp.
Nghe vậy, ông Diệp quay trở về nhà và cùng em trai của mình chuẩn bị các giấy tờ cần thiết cho việc thừa kế. Tuy nhiên trong quá trình này, họ gặp phải một vấn đề lớn khi ông Vương đã nhập quốc tịch Indonesia. Nếu muốn công chứng giấy tờ, anh em ông Diệp không chỉ phải chứng minh rằng họ là cháu của ông Vương mà còn phải có giấy chứng tử của chú mình, đồng thời phải chứng minh được rằng chú mình chưa kết hôn và có con ở Indonesia.
Vấn đề ở đây là những giấy tờ này phải do chính phủ Indonesia cấp. Tuy nhiên vì một số lý do, vào thời điểm đó, anh em ông Diệp không thể đến Indonesia để xin giấy tờ nên việc thừa kế bị hoãn lại. Mãi đến năm 2002, họ mới đến Indonesia và xin được những giấy tờ nói trên. Chuyến đi này tiêu tốn của họ 180.000 NDT. Tuy nhiên, số tiền này chẳng đáng là bao so với số tài sản kếch xù mà họ sắp nhận được.
Đến năm 2003, thành phố Phúc Châu chính thức cấp giấy chứng nhận thừa kế tài sản của ông Vương cho anh em ông Diêp. Có được giấy tờ quan trọng này trong tay, họ lập tức đến ngân hàng liên quan để rút tiền. Tuy nhiên lúc này, cả hai lại được ngân hàng thông báo rằng tài sản mà ông Vương để lại không phải là 30 triệu USD mà là 3.000 USD, tương đương 20.000 NTD (hơn 69 triệu đồng) lúc bấy giờ.
Nghe nhân viên ngân hàng thông báo, anh em ông Diệp bàng hoàng nhìn nhau và nói: "Điều này là không thể!"
Theo ký ức của ông Diệp, chú của ông từng 2 lần gửi tiền vào ngân hàng này. Tổng số tiền gửi lên đến 30 triệu USD. Ông Diệp biết rõ điều này vì ông được chú của mình dẫn đi cùng. Tuy nhiên lúc gửi tiền, ông Vương được mời vào phòng VIP để thực hiện giao dịch trong khi ông Diệp ở ngoài. Do đó, ông Diệp khẳng định số tiền 3.000 USD trong tài khoản của chú mình là rất vô lý.
Để làm rõ vấn đề, ông Diệp yêu cầu ngân hàng xuất trình chứng chỉ tiền gửi gốc nhưng đối phương kiên quyết từ chối. Theo 163, do ông Vương không phải là người Trung Quốc nên theo quy định vào thời điểm đó, bản gốc biên lai gửi tiền sẽ do ngân hàng lưu giữ. Hành động của ngân hàng càng khiến anh em ông Diệp nghi ngờ. Sau nhiều lần yêu cầu cấp chứng chỉ tiền gửi gốc không thành công,năm 2010, anh em ông Diệp đã kiện ngân hàng ra tòa án địa phương.
Trong phiên sơ thẩm, ngân hàng đã cung cấp bản sao biên lai gửi tiền gốc. Dựa vào bản sao này, Tòa án quận Càng Đầu tuyên bố số tiền gửi của ông Vương thực chất chỉ là 3.000 USD và yêu cầu ngân hàng phải trả trước 500 USD cho ông Diệp. Tuy nhiên, người đàn ông này không đồng ý với phán quyết của toà nên chọn cách kháng cáo lên tòa án cấp trên.
Sau khi xem xét vụ việc, Tòa án Nhân dân thành phố Phúc Châu đã ra phán quyết rằng Tòa án quận Cảng Đầu nên xét xử lại vụ án. Năm 2012, Tòa án quận Cảng Đầu đã thay đổi phán quyết sơ thẩm nhưng kết quả cũng không phải là điều ông Diệp mong muốn.
Theo đó, tòa án chỉ ra rằng ông Vương là người Indonesia và việc thừa kế của ông chỉ có thể được thực hiện bởi luật pháp Indonesia. Do đó, họ cho rằng anh em ông Diệp không có quyền thừa kế và khởi kiện hợp pháp. Sau khi xem xét toàn diện vụ việc, Toà án Nhân dân thành phố Phúc Châu đã bác bỏ đơn kháng cáo của họ và giữ nguyên phán quyết ban đầu. Cho đến nay, anh em họ Diệp vẫn chưa được thừa kế số tài sản của chú mình và sự thật về số tiền 30 triệu USD vẫn là một ẩn số.
(Theo 163)