Báo đài Trung Quốc từng đưa tin về một người đàn ông vô gia cư nổi tiếng. Ông kiếm sống bằng cách lục lọi thùng rác vào ban ngày và ngủ trên ghế đá công viên vào ban đêm. Ông đã sống như vậy suốt 14 năm.
Người đàn ông ăn xin này có lai lịch gây bất ngờ
Tương lai rực rỡ được định sẵn từ nhỏ
Người đàn ông này tên Tào Dương, sinh ra ở Hàm Dương, Thiểm Tây. Ngay từ khi sinh ra, ông đã được định sẵn là có tương lai xán lạn: gia đình có điều kiện, được bố mẹ rất yêu thương và lên kế hoạch cuộc đời từ khi còn nhỏ.
Vào những năm 1980, việc bố mẹ coi trọng và có định hướng giáo dục đúng đắn cho con như gia đình Tào Dương là chuyện khá hiếm. Được tạo điều kiện tốt như vậy, Tào Dương không phụ lòng bố mẹ khi tỏ ra là một đứa trẻ thông minh. Từ tiểu học đến cấp 3, ông đều có thành tích xuất sắc, học hành chăm chỉ.
Năm 18 tuổi, ông đỗ đại học với điểm rất cao, thành công nhập học Đại học Trùng Khánh - một ngôi trường danh tiếng, thuộc dự án trọng điểm giáo dục của Trung Quốc. Tào Dương trở thành tấm gương sáng, được cả làng đốt pháo ăn mừng.
Ông đã chọn chuyên ngành kinh tế với mục tiêu sau này ra trường có thể làm kinh doanh, kiếm tiền báo hiếu cha mẹ. Những sinh viên có thể được vào ngôi trường danh tiếng như thế này về cơ bản là những người cực kỳ có năng lực học tập và rất chăm chỉ. Đương nhiên, Tào Dương cũng vậy. Tuy nhiên, nếu trước đây ông luôn là người đứng đầu lớp, thậm chí đầu trường thì ở môi trường mới với những người thậm chí còn ưu tú hơn, Tào Dương bắt đầu không thích ứng được. Trước cách giáo dục, giảng dạy mới mẻ ở trường đại học, Tào Dương gặp nhiều khó khăn. Lúc nào ông cũng lo lắng về điểm số và cảm thấy áp lực, đến mức thi trượt môn cuối kỳ.
Tình cảnh của Tào Dương khi được phát hiện
Những biến cố nhỏ cũng có thể hủy hoại một con người
Vốn là một người cả đời luôn suôn sẻ thuận lợi, trước những thử thách ở trường đại học, ông không có đủ sức mạnh tinh thần vững vàng để đối mặt. Thêm vào đó, ông còn gặp nhiều vấn đề tâm lý khác như chia tay bạn gái đầu tiên, bị áp lực đồng trang lứa. Thực chất, ở độ tuổi thanh niên, hầu hết mọi người đều gặp những vấn đề như vậy. Tuy nhiên, Tào Dương lại quá yếu đuối về mặt cảm xúc, dẫn đến kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần.
Chỉ mới năm thứ 2, Tào Dương đã bị trầm cảm, sức khỏe tâm lý ngày càng xấu đi. Sau khi bố mẹ biết chuyện, họ đưa ra quyết định cho con bỏ học, sang Đức du học dù tốn rất nhiều tiền.
Sau khi sang Đức, Tào Dương cũng hy vọng mình cũng có thể bắt đầu lại. Cuộc sống đại học ban đầu ở xứ người rất tốt khi ông liên tục đạt điểm cao. Ông còn hòa nhập tốt với môi trường mới và có bạn gái người Đức.
Năm thứ hai đi học, Tào Dương bắt đầu làm việc bán thời gian, vừa kiếm được tiền lại có được kinh nghiệm. Ông không chỉ tự nuôi sống bản thân được mà còn gửi tiền về cho bố mẹ. Sau khi làm việc chăm chỉ trong một năm, ông mua được một chiếc ô tô cho riêng mình, mối quan hệ giữa ông và bạn gái cũng rất tốt, mọi thứ đều phát triển theo hướng hạnh phúc.
Tuy nhiên, chẳng chốc một biến cố lớn xảy ra. Theo quy định của Đức, sinh viên không thể làm việc quá 180 ngày một năm và Tào Dương đã phạm luật. Sau đó, ông nhận thông báo visa du học sắp hết hạn. Tào Dương không muốn rời nước Đức nên vội vàng về Trung Quốc lo việc xin tiếp thị thực. Thế nhưng toàn bộ hồ sơ và giấy tờ của ông đặt trong túi xách đã bị kẻ xấu ăn cắp ở sân bay.
Đối mặt với sự việc này, Tào Dương gần như suy sụp, chỉ có thể về nhà ở Trung Quốc và đợi chờ cơ quan chức năng làm lại giấy tờ cho mình. Quá trình này rất lâu nên ông phải đi làm kiếm sống trong lúc chờ đợi. Ông lên thành phố tìm việc nhưng phát hiện ra vì mình chưa có bằng đại học nên không thể xin việc làm. Ông cũng từ chối việc làm lao động chân tay.
Chẳng bao lâu sau, Tào Dương đã mệt mỏi, tâm lý phòng ngự lại sụp đổ, tiêu hết tiền tiết kiệm, cứ lang thang trong thành phố. Sự cố ban đầu vốn không quá nghiêm trọng, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi là có thể giải quyết, thế nhưng vốn mang tâm hồn quá yếu đuối, không đối mặt được với nghịch cảnh, ông rơi vào hố sâu một cách dễ dàng.
Kết quả, cuộc lang thang này của Tào Dương kéo dài tới 14 năm. Trong suốt thời gian này, Tào Dương không liên lạc với ai, sống vô gia cư, ngủ dưới gầm cầu và lục thùng rác kiếm đồ ăn thừa hoặc bán đồng nát.
Cuối cùng, vào năm 2018, Tào Dương được một đội cứu hộ vô gia cư phát hiện. Sau khi thẩm vấn, họ phát hiện ra Tào Dương ăn nói rất chỉn chu, không hề giống một người vô gia cư mất trí. Ông kể lại câu chuyện của mình và bày tỏ nguyện vọng được giúp đỡ đưa về nhà gặp cha mẹ.
Cha Tào Dương khóc nấc khi gặp lại con trai sau 14 năm
Câu chuyện của Tào Dương đã chứng minh rằng việc có trí thông minh và đỗ vào trường tốt chưa chắc đã là yếu tố then chốt để có cuộc sống thành công. Người đàn ông này thiếu một phẩm chất vô cùng thiết yếu là khả năng chịu áp lực, khả năng thích ứng với môi trường và đối mặt với nỗi buồn. Vì tâm lý quá mỏng manh yếu đuối, từ một người có thể có tương lai rực rỡ, Tào Dương đã tự mình hủy hoại mình.
Nguồn: Sohu