Như PLO đã thông tin, trưa 31-5, nhiều người dân tại xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) giật nảy mình khi cầu Tân Nghĩa bắc qua kênh Nguyễn Văn Tiếp nối liền hai xã Phong Mỹ và Tân Nghĩa bất ngờ sập.
Chiếc ghe gặp nạn bởi sự cố sập cầu
Nhớ lại sự việc, một người dân cho hay: Lúc đó có xe tải chở 20 tấn bột mì và một xe ba gác chở lúa đang lưu thông qua cầu thì đoạn giữa của cầu bị sập, ô tô tải lẫn xe ba gác rơi xuống kênh.
“Phần giữa cầu bị sập còn đè trực tiếp lên một chiếc ghe làm phương tiện này hư hỏng nặng” – người dân kể.
Hiện trường cầu sập
Được biết, đây là cây cầu được xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Công ty TNHH BOT xây dựng Đồng Tháp làm chủ đầu tư với mức đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.
Công trình này được khởi công vào năm 2005 và đưa vào sử dụng từ năm 2007. Thời gian nhà đầu tư thu phí bắt đầu từ năm 2007, đến tháng 2-2019, địa phương đã thống nhất với nhà đầu tư mua lại trạm thu phí qua cầu này.
Như vậy, cầu đã ngưng thu phí sau hơn 10 năm khai thác, sau gần 4 tháng bàn giao cho địa phương thì bị sập…
Trao đổi qua điện thoại với PV PLO, ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) cho biết huyện và ngành chức năng đang xử lý sự cố sập cầu này. “Sự cố xảy ra khoảng 13 giờ 30 chiều cùng ngày và nhịp giữa của cầu Tân Nghĩa đã bị sập. Huyện và ngành chức năng đang phối hợp xử lý sự cố”.
Cũng theo ông Tuấn, trước mắt sẽ cho tiến hành xử lý, dọn dẹp các chướng ngại vật, trục vớt xe tải để giải tỏa cho lưu thông đường thủy qua đây, đồng thời xác minh làm rõ nguyên nhân.
Khi PV hỏi có thông tin cho rằng nguyên nhân do một xe tải chở hàng quá tải đi qua đã gây sập cầu?, ông Tuấn cho biết chưa thể khẳng định nguyên nhân mà cần cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
“Công việc trước mắt là giải tỏa các chướng ngại vật để thông thoáng lưu thông đường thủy, bố trí hướng dẫn giao thông đường bộ và cắm biển cảnh báo, còn xác định nguyên nhân cụ thể phải chờ".
Cũng theo ông Tuấn, vụ sập cầu không xảy ra thiệt hại về người.