Theo luật của Thái Lan, những người phụ nữ chuyển giới chỉ được miễn nghĩa vụ quân sự khi họ cung cấp được giấy tờ chứng minh họ là người chuyển giới hoặc mắc bệnh "rối loạn về giới tính".
Chính vì quy định này nên cứ đến mùa tuyển quân hàng năm ở Thái Lan, người ta lại nhìn thấy hình ảnh của những cô gái xinh đẹp đứng lẫn trong hàng ngũ của những người đàn ông tham gia khám nghĩa vụ quân sự.
Cơn ác mộng mang tên "khám nghĩa vụ quân sự" của phụ nữ chuyển giới tại Thái Lan.
Hầu hết những người phụ nữ chuyển giới đều cho biết họ cảm thấy vô cùng căng thẳng và áp lực trong suốt quá trình này. Đối với họ đó là một trải nghiệm vô cùng đáng sợ và nhục nhã.
Họ phải xếp hàng cùng rất nhiều người đàn ông khác, ngồi hàng giờ để chờ những sĩ quan trong quân đội đọc tên, sau đó tiến hành những cuộc kiểm tra như bao người đàn ông khác để được chứng minh bản thân là phụ nữ.
Cuối cùng, họ lại phải thấp thỏm lo âu chờ đợi kết quả không biết liệu bản thân có đủ tiêu chuẩn để được miễn trừ nghĩa vụ quân sự hay không.
Sự căng thẳng hiện rõ trên gương mặt của những người phụ nữ chuyển giới trong suốt quá trình khám nghĩa vụ quân sự.
Kanphitcha Sungsuk, 21 tuổi xuất hiện tại buổi tuyển quân với gương mặt được trang điểm cẩn thận, mái tóc đen dài buông xõa và một bộ váy màu kem nói với Reuter rằng: "Tôi sinh ra là một người đàn ông chính vì thế nên tôi phải ở đây để làm tròn nghĩa vụ của mình."
Jetsada Taesombat, giám đốc điều hành Liên minh đòi quyền lợi cho người chuyển giới tại Thái Lan cho biết: "Hầu hết phụ nữ chuyển giới đều cảm thấy rất căng thẳng và lo lắng khi tham gia khám nghĩa vụ quân sự.
Họ phải cởi bỏ quần áo, bị mọi người nhìn chằm chằm hoặc chịu đựng sự lăng nhục của đám đông. Một số người vì quá căng thẳng nên họ đã nghĩ đến việc tự sát để tránh phải đối mặt với tình trạng này."
Kanphitcha Sungsuk với bức ảnh khi vẫn còn là một cậu bé trai.
Được biết, cứ đến tháng 4 hàng năm, những người đàn ông đủ 21 tuổi ở Thái Lan đều phải tự nguyện tham gia phục vụ quân đội trong thời hạn 6 tháng hoặc đánh cược vận mệnh vào một trò may rủi.
Theo đó, họ sẽ tiến hành bốc thăm để quyết định việc đi hay ở. Nếu bốc được tấm vé màu đen, họ sẽ được về nhà nhưng bù lại, nếu rút được vé màu đỏ họ sẽ phải phục vụ trong quân đội trong 2 năm.
Việc miễn nghĩa vụ chỉ được áp dụng cho những người bị khiếm khuyết về mặt thể chất hoặc tinh thần.
Những người phụ nữ chuyển giới chỉ được miễn nghĩa vụ quân sự khi họ chứng minh được rằng họ có ngực hoặc đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính.
Quy định này cũng được áp dụng cho những người chuyển giới đã có giấy chứng nhận. Đây là giấy tờ bắt buộc vì theo luật định, giới tính trên giấy tờ tùy thân của người Thái là không thể thay đổi dù đó có là người chuyển giới.
Chính vì thế, dù không muốn nhưng phụ nữ chuyển giới ở Thái Lan vẫn phải tham gia khám nghĩa vụ quân sự để có được giấy chứng nhận.
Tại đó, các bác sĩ sẽ dẫn họ đến một phòng riêng hoặc ra phía sau một bức tường để kiểm tra xem họ có ngực hoặc đã trải qua phẫu thuật chuyển đổi giới tính hay chưa.
Nếu không đáp ứng yêu cầu, những người phụ nữ chuyển giới vẫn phải phục vụ 2 năm trong quân đội.
Nếu không đáp ứng đủ điều kiện những người này sẽ phải phục vụ trong quân đội 2 năm và chỉ được miễn trừ khi có giấy chứng nhận của bệnh viện quân đội chứng minh họ bị "rối loạn về nhận dạng giới tính".
Nhiều phụ nữ chuyển giới nói rằng việc dùng từ "rối loạn" là một sự lăng mạ nghiêm trọng đối với họ. Trước đó, quân đội Thái Lan thường sử dụng cụm từ "rối loạn tâm thần vĩnh viễn".
Kanphitcha Sungsuk và những người bạn sau buổi khám nghĩa vụ quân sự.
Trung tá Ongard Jamdee - người điều hành một trung tâm tuyển quân ở Bangkok cho biết việc đối xử với phụ nữ chuyển giới đã được cải thiện rất nhiều.
"Quân đội đã được ra lệnh phải đối xử và tôn trọng những người phụ nữ chuyển giới với tư cách như những người phụ nữ bình thường khác", ông nói.