Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay các sĩ quan thuộc nhóm Alpha trong chuyến thăm Gudermes, Chechnya năm 2011.
Nhóm Alpha – Họ là ai?
Phía trên là bức ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt tay các đặc nhiệm thuộc nhóm Alpha trong chuyến thăm Gudermes, Chechnya năm 2011. Không nhiều người biết rằng, Alpha là nhóm đặc nhiệm tinh nhuệ nhưng vô cùng kín tiếng của Nga.
Được thành lập từ năm 1974, trải qua hơn nửa thế kỷ, nhóm đã có những hoạt động gây ảnh hưởng lớn trong lịch sử, với nhiều thành tích đáng nể.
Sự ra đời của nhóm bắt nguồn từ vụ thảm sát các vận động viên Israel tại Thế vận hội Munich 1972, được coi là hồi chuông cảnh tỉnh về sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố.
Giống như nhiều quốc gia khác vào thời điểm những năm 1970, Liên Xô phải tìm ra cách ứng phó trước sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố trong nước và quốc tế.
Các nước phương Tây bao gồm liên minh NATO đã có các đơn vị đặc biệt, vì vậy Liên Xô cũng phải dựa vào lực lượng an ninh nhà nước để lập ra đội chuyên biệt tương tự.
Giám đốc KGB Yuri Andropov đã thành lập Alpha Group, một đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ được tuyển chọn trong tổ chức. Các thành viên của nhóm thành thạo các kỹ năng chống khủng bố, xử lý tình huống bắt con tin, phản gián, bảo vệ VIP, v.v.
Không giống như hầu hết các đơn vị chiến thuật đặc biệt của cơ quan cảnh sát liên bang, nhóm Alpha của KGB thường được triển khai ở nước ngoài. Các thành viên của lực lượng được mệnh danh là những người gieo rắc nỗi sợ hãi cho những kẻ khủng bố.
Các ứng cử viên được tuyển chọn vào Alpha có độ tuổi từ 22 đến 27, trong khi những thành viên lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn, từng trải qua nhiều hoạt động, sẽ giữ các vị trí quản lý, đào tạo.
Bất kể ứng viên từng là cảnh sát, thuộc các đơn vị đặc biệt của quân đội, hay những người đã trải qua các khóa đào tạo chuyên môn nhất định, tất cả đều bình đẳng và phải huấn luyện lại từ đầu.
Ứng viên cần có trình độ đại học, chuẩn bị tốt về thể chất, tinh thần, có phẩm chất đạo đức và ý chí cao. Để trở thành thành viên của đơn vị Alpha, ứng viên sẽ trải qua ba năm đào tạo.
Họ vượt qua giai đoạn huấn luyện rất vất vả với các khóa nhảy dù, lặn, bắn tỉa và bắn tập. Họ học ngoại ngữ và võ thuật, nghiên cứu hiện trạng khủng bố ở Nga và thế giới, học theo kinh nghiệm chống khủng bố của các nước khác.
Các đặc nhiệm được tổ chức thành các nhóm gồm 12 người, chia ra các đội gồm 4 thành viên.
Những thành tựu của Alpha
Trong khi KGB được triển khai đến Afghanistan cho các nhiệm vụ tối mật, các thành viên của nhóm Alpha cũng hoạt động tích cực suốt mười năm ở quốc gia này, chống lại các hoạt động khủng bố.
Chiến dịch tiếng vang nhất của KGB là chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế diễn ra ở Beirut, Lebanon vào đầu những năm 1980. Vào thời điểm đó, Lebanon đang trong giai đoạn đầu của một cuộc nội chiến kéo dài, và Beirut là một thành phố bị chia cắt.
Mặc dù đã gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Lebanon và đặc biệt là Beirut, nhiều nước phương Tây bắt đầu cảm nhận được ảnh hưởng của chủ nghĩa khủng bố đối với người dân của chính họ.
Người Mỹ không chỉ hứng chịu những trận đánh bom mà còn trải qua một số vụ bắt cóc táo tợn. Các thành viên của nhiều phe phái Lebanon thường bắt cóc những cá nhân nổi tiếng khắp thành phố.
Nhiều người trong số những nạn nhân này đã bị giam giữ trong nhiều năm. Người lâu nhất bị giam cầm gần 5 năm. Các nhà ngoại giao, nhân viên cứu trợ và nhà báo đều là nạn nhân của các vụ bắt cóc từ các nhóm bị cáo buộc là khủng bố như Hezbollah, Tổ chức Anh em Hồi giáo, Tổ chức Giải phóng Hồi giáo và những nhóm khác.
Pháp, Mỹ, Tây Đức, Ireland và Thụy Sĩ đều là nạn nhân.
Liên Xô từng mất một trong số bốn nhà ngoại giao bị bắt cóc. Vào tháng 10/1985, bốn quan chức của Liên Xô bị bắt cóc ở Beirut và nhóm Alpha của KGB được cử đi tìm kiếm và giải cứu.
Vào thời điểm KGB đến Lebanon, Arkady Katkov, một tùy viên lãnh sự, đã bị giết. Thi thể của nạn nhân được tìm thấy ở một con phố thuộc Beirut.
Chính sách truyền thống của KGB là không đàm phán với những kẻ khủng bố. Các đặc nhiệm đã tiến hành điều tra để xác định từng thành viên của Tổ chức Giải phóng Hồi giáo có liên quan đến các vụ bắt cóc.
Theo trang web Wearethemighty, một khi tìm thấy thành viên của tổ chức đã bắt cóc công dân Liên Xô, KGB sẽ bắt cóc một trong những thành viên gia đình của thủ phạm, sau đó gửi những đồ vật của thành viên đó cho những kẻ bắt giữ.
Thông điệp đe dọa rất rõ ràng: Ngươi bắt cóc công dân Liên Xô thì ta cũng có thể làm điều tương tự. Ngay sau đó, mọi thứ đã phát huy tác dụng.
Không chỉ ba nhà ngoại giao còn lại được thả gần đại sứ quán Liên Xô trong vòng 30 ngày sau đó, những kẻ khủng bố quốc tế còn không động đến người Nga trong 20 năm tiếp theo.
Nhóm Alpha tiếp tục có những vai trò quan trọng trong các hoạt động chống khủng bố sau này cho đến thời kỳ Liên Xô sụp đổ. Nhưng Alpha vẫn tiếp tục tồn tại cùng với cơ quan an ninh nhà nước mới của Nga: FSB.