Ngược dòng thế giới thả nổi virus, Thụy Điển phải trả cái giá quá đắt và trở thành lời cảnh báo đáng sợ dành cho toàn nhân loại

J.D |

Chính sách đánh đổi đã không mang lại hiệu quả cho nền kinh tế của Thụy Điển. Nhưng lý do tại sao?

Khi Covid-19 xuất hiện tại châu Âu và gây ra nhiều thảm họa, Thụy Điển lại thu hút được sự chú ý của quốc tế. Không phải vì họ rơi vào tình cảnh quá nghiêm trọng, mà vì cách chống dịch "ngược đời" của họ: thả nổi, không phong tỏa, tin tưởng vào miễn dịch cộng đồng và ý thức của người dân.

Một cách vô tình, Thụy Điển trở thành một minh chứng rõ ràng nhất cho thấy đại dịch sẽ diễn ra như thế nào nếu chính phủ để mặc, để cuộc sống diễn ra bình thường.

Và đây là kết cục: Thụy Điển không chỉ có thêm hàng ngàn người thiệt mạng so với các quốc gia láng giềng có áp dụng phong tỏa, mà nền kinh tế của họ cũng chẳng thể khá hơn được.

"Nói thẳng thừng, họ chẳng thu được gì cả (từ chính sách này)," - trích lời Jacob F. Kirkegaard, chuyên gia Viện kinh tế quốc tế ở Washington (Hoa Kỳ). "Họ đã tự bắn vào chân, mà chẳng thu được bất kỳ lợi ích kinh tế nào."

Kết quả từ pha "thí nghiệm" của Thụy Điển cũng đang xuất hiện ở một số quốc gia khác ngoài khu vực Bắc Âu. Như Mỹ - nơi virus đang lây lan với tốc độ chóng mặt, nhiều tiểu bang từ chối tái phong tỏa hoặc ngại ngần việc trì hoãn tái mở cửa, nhằm tạo ra một cú hích về kinh tế. Tại Anh, thủ tướng Boris Johnson cũng ra quyết định tái mở cửa quán bar, nhà hàng vào cuối tuần qua, nhằm khôi phục lại cuộc sống bình thường sau khi Covid-19 phần nào được kiểm soát.

Nguồn cơn của cách tiếp cận này xuất phát từ việc chính phủ buộc phải cân bằng tính mệnh của người dân và khối việc làm mất đi, phải đánh đổi giữa y tế và thu hồi giãn cách xã hội nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Nhưng cái kết của Thụy Điển thì quá u tối: họ mất đi nhiều người hơn, trong khi tổn hại về kinh tế thì tương đương, cho thấy lựa chọn của họ đã sai lầm quá nhiều.

Mất cả chì lẫn chài

Thụy Điển đã lựa chọn né đi những lệnh cấm diện rộng của chính phủ. Họ cho phép nhà hàng, phòng tập, trường học, sân chơi... tự do mở cửa. Đan Mạch va Na-Uy - hai quốc gia láng giềng thì ngược lại: theo đuổi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, cấm tuyệt đối việc tụ tập, và đóng cửa mọi nhà hàng, quán bar cùng các phương tiện giải trí.

Ngược dòng thế giới thả nổi virus, Thụy Điển phải trả cái giá quá đắt và trở thành lời cảnh báo đáng sợ dành cho toàn nhân loại - Ảnh 2.

Sau 3 tháng, 5420 người đã chết tại Thụy Điển, theo số liệu của WHO. Con số này tưởng như chẳng đáng kể nếu so với hơn 130.000 người đã nằm xuống tại Mỹ. Tuy nhiên, cần biết rằng dân số của Thụy Điển chỉ có 10 triệu. Nghĩa là xét về tỉ lệ, số người thiệt mạng tại Thụy Điển cao hơn Mỹ tới 40%, nhiều hơn Na-Uy 12 lần, hơn Phần Lan 7 lần, và Đan Mạch là 6 lần.

Việc số ca tử vong tại Thụy Điển sẽ tăng thực chất đã được dự đoán từ nhiều tuần trước đó. Điều đáng nói lúc này là dẫu cho thả nổi dịch bệnh, nền kinh tế của họ vẫn bị hủy hoại. Khả năng kinh doanh bị đình trệ, ở mức độ tương đương với các "hàng xóm".

Ngân hàng trung ương Thụy Điển dự tính nền kinh tế của họ sẽ giảm khoảng 4,5% trong năm nay, dù thời điểm đầu năm chỉ là 1,3%. Riêng trong tháng 5, tỉ lệ thất nghiệp đã lên tới 9%, tăng mạnh so với mức 7,1% của tháng 3. "Tổn hại kinh tế lớn cho thấy khả năng phục hồi bị trì trệ, trong khi tỉ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng," - trang Oxford Economics kết luận.

Ngược dòng thế giới thả nổi virus, Thụy Điển phải trả cái giá quá đắt và trở thành lời cảnh báo đáng sợ dành cho toàn nhân loại - Ảnh 3.

Sự đánh đổi thất bại của Thụy Điển

Đây là mức tổn hại gần như tương đương, thậm chí là hơn so với những gì xảy ra tại Đan Mạch, nơi mức sụt giảm kinh tế khoảng 4,1%, và tỉ lệ thất nghiệp tăng nhẹ lên 5,6%. Nói cách khác, Thụy Điển phải đối mặt với nhiều ca thiệt mạng hơn, trong khi thất bại trong việc duy trì nền kinh tế.

Thực tế là Thụy Điển đã quên mất rằng Covid-19 không chỉ dừng lại ở quốc gia họ. Dù cho phép kinh tế trong nước tiếp tục hoạt động, khủng hoảng vẫn xảy ra ở những nơi khác trên thế giới, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng kinh doanh của họ. Hơn nữa, người Thụy Điển cũng biết sợ! Họ cũng hạn chế ra ngoài, hạn chế mua sắm. Điều này không đủ để giúp kiểm soát số người thiệt mạng, nhưng quá thừa để khiến các doanh nghiệp khốn đốn.

Nhầm tưởng chết người

Có một lầm tưởng nhiều người mắc phải khi cho rằng hành động phong tỏa của chính phủ gây tổn hại cho nền kinh tế. Thủ phạm thực chất phải là virus. Từ châu Á, châu Âu rồi châu Mỹ, rủi ro đại dịch đã khiến các doanh nghiệp bị đóng băng, người dân ngần ngại mua sắm, bất chấp chính sách là như thế nào.

Bản thân Thụy Điển là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế. Theo nhà kinh tế học Kirkegaard thì khi đại dịch xảy ra với thế giới, gần như chắc chắn nó sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của họ.

"Mảng sản xuất của Thụy Điển phải ngừng hoạt động vì ở đâu cũng vậy, do ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng. Đây là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước," - ông cho biết.

Ngược dòng thế giới thả nổi virus, Thụy Điển phải trả cái giá quá đắt và trở thành lời cảnh báo đáng sợ dành cho toàn nhân loại - Ảnh 4.

Dù mở cửa, các ngành nghề của Thụy Điển vẫn phải ngưng hoạt động vì chuỗi cung ứng thế giới mất đi

Rốt cục thì có bao nhiêu người sẽ chết? Đây là câu hỏi còn lại dành cho chính phủ Thụy Điển, sau một chuỗi những sai lầm.

"Đã không có hoài nghi nào, cũng không có động lực cho chính phủ Thụy Điển thay đổi, cho đến khi mọi chuyện quá muộn," - Kirkegaard chia sẻ. "Đây là điều kinh dị, bởi rõ ràng mục tiêu kinh tế mà họ đặt ra từ chính sách này là không tồn tại."

Trong một diễn biến khác, Na-Uy không chỉ phong tỏa nhanh chóng và quyết liệt, mà họ cũng sớm tái mở cửa sau khi kìm hãm được virus nhờ xét nghiệm diện rộng. Hiện tại, họ đang đón chờ một cú hích kinh tế lớn, với dự tính khả năng kìm hãm kinh tế từ ngân hàng trung ương là 3,9% - giảm so với mức 5,5% vào giữa thời điểm phong tỏa.

Theo một đánh giá từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), quyết định của Thụy Điển ban đầu quả là có thể giảm thiểu được tổn hại kinh tế, nhưng chỉ được trong 3 tháng đầu tiên. Hiệu ứng này nhanh chóng bị gỡ bỏ sau khi đại dịch gây ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu, và bản thân công chúng trong nước ngại ngần mua sắm.

Ví dụ, các chuyên gia từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch) đã tiếp cận được số liệu tín dụng từ ngân hàng Danske - một trong những ngân hàng lớn nhất vùng Bắc Âu. Theo đó, đại dịch đã làm giảm chi tiêu của người dân tới 29%. Cùng thời điểm đó, chi tiêu của người Thụy Điển giảm 25%. Đáng chú ý, nhóm người già trên 70 tuổi giảm chi tiêu tại Thụy Điển còn lớn hơn so với Đan Mạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại