Ngừng mua S-400 vì áp lực Mỹ sẽ là sai lầm "khủng khiếp" của Thổ Nhĩ Kỳ?

Quốc Vinh |

Thổ Nhĩ Kỳ không thể mua S-400 từ Nga vì Mỹ cho rằng đó là yếu tố đe dọa đến lợi ích của nước này ở Biển Đen, vùng Balkan, Trung Á và Trung Đông.

Lý do không chính đáng

Đại sứ Mỹ tại NATO, Kay Bailey Hutchison vừa qua đã cáo buộc Moscow lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ nhằm gây "bất ổn" liên minh bằng kế hoạch bán hệ thống phòng không S-400 cho Ankara.

Bình luận về tuyên bố này, các nhà phân tích chính trị và quân sự Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng logic của đại sứ Mỹ có thể không hoàn toàn sai, nhưng không phù hợp trong trường hợp hiện tại của Ankara.

Trong cuộc phỏng vấn với Fox News vào cuối tuần trước - tại thời điểm trước khi hội nghị thượng đỉnh NATO chuẩn bị diễn ra tại Brussels - bà Hutchison thể hiện sự hoài nghi đối với động thái của Nga trong việc cố gắng lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ để làm suy yếu các cam kết của nước này đối với liên minh quân sự phương Tây.

Bình luận về nhận xét của nhà ngoại giao Mỹ, Trung tướng về hưu của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Karakus, cho rằng tuyên bố của bà Hutchison là "hoàn toàn vô nghĩa", đồng thời cho rằng S-400 là một hệ thống phòng thủ hoàn toàn sử dụng cho mục đích bảo vệ không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lập luận của mình, tướng Karakus cho rằng Hy Lạp - một thành viên khác của NATO - cũng sử dụng hệ thống S-300 được mua từ Nga vào cuối những năm 1990 mà không hề phải chịu bất kỳ phản ứng tiêu cực nào từ liên minh.

"Tôi không hiểu tại sao NATO vẫn hài lòng với việc Athens sử dụng hệ thống phòng không của Nga nhưng lại phản đối mạnh mẽ việc Ankara mua S-400", cựu quan chức cấp cao của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh.

Ông cũng không đồng tình với quan điểm hệ thống Nga không tương thích với hạ tầng vũ khí chung của NATO bằng việc chỉ ra rằng chính vũ khí của Pháp mới thường không tương thích với các tiêu chuẩn của liên minh quân sự.

"Hệ thống tên lửa, tàu, pháo binh, hệ thống radar và vũ khí khác do Pháp sản xuất không được tích hợp với hệ thống phòng thủ của NATO hoặc Mỹ. Chúng tôi đang mua S-400 để sử dụng trong nước. Tại sao NATO lại cảm thấy cần phải đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ như thế?", Karakus đặt câu hỏi.

"Đại sứ NATO của Mỹ đã nói rằng Nga đang cố gắng lôi kéo Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi NATO. Làm thế nào Nga có thể làm được điều này? Sau cùng, mối quan hệ tốt đẹp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga có thể giúp NATO và Nga gần gũi hơn với nhau. Tôi không đồng ý với những tuyên bố đó, và cho rằng quan điểm như vậy hoàn toàn vô nghĩa", ông nhấn mạnh.

Thổ Nhĩ Kỳ không nên bỏ lỡ S-400

Ngừng mua S-400 vì áp lực Mỹ sẽ là sai lầm khủng khiếp của Thổ Nhĩ Kỳ? - Ảnh 1.

Mỹ đang lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ "đóng cửa" đối với tàu chiến nước này ở Biển Đen.

Về phần mình, nhà phân tích chính trị và chuyên gia về Trung Đông Mehmet Ali Guller đánh giá sự cải thiện quan hệ giữa Ankara và Moscow thời gian qua luôn khiến Washington coi là một mối đe dọa. Theo đó, Mỹ đang cố gắng tìm một lý do để đảo ngược lại sự nồng ấm đang gia tăng giữa Ankara và Moscow.

"Tuyên bố của Mỹ về sự không tương thích với hệ thống phòng không của Nga với NATO chỉ là cái cớ che đậy cho lý do khác. Vì thực tế là đã có ít nhất một thành viên NATO mua hệ thống của Nga và sử dụng cho mục đích an ninh", Guller giải thích.

Mối lo ngại chính mà Washington thấy từ việc tái lập quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là vì điều này đe doạ đến lợi ích của nước này ở Biển Đen, vùng Balkan, vùng Caucasus, Trung Á và Trung Đông.

Theo nhà phân tích, mối quan hệ tốt hơn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn tới quyết định áp đặt các hạn chế đối với việc nhập cảnh tàu chiến Mỹ vào Biển Đen của Ankara.

Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngừng lại vai trò là cánh cửa mở ra khu vực Trung Á của Mỹ, ngừng tham gia vào các sáng kiến ​​của Mỹ ở Caspian, và ngừng đóng vai trò chủ lực trong kế hoạch chống Iran của Mỹ ở Trung Đông.

Nhà phân tích Guller nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là một đối tác quan trọng của Washington trong chiến lược Iran, giữa bối cảnh trục Israel-Saudi-Ai Cập suy yếu.

Ngoài ra, Mỹ còn rất quan tâm đến tổ hợp căn cứ quân sự ở Kurecik, miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các căn cứ NATO rải khắp cả nước.

Cuối cùng, chuyên gia Guller tin rằng chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng biến đổi "các liên kết chính trị mới" đối với các nước chống Mỹ thành những lợi ích thực tế, bao gồm cả kinh tế.

"Trong trường hợp này, sẽ là một sai lầm chiến lược lớn nếu Ankara loại bỏ hợp đồng S-400 để đổi lấy F-35", nhà phân tích kết luận.

"Thổ Nhĩ Kỳ cần mua hệ thống S-400 bằng mọi giá, qua đó làm đa dạng thêm kho vũ khí của mình và trở nên độc lập hơn, tránh phụ thuộc vào một khối quân sự duy nhất".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại