Ngưng làm "người tốt": Đồng nghiệp nhờ, sếp giao việc, làm được hãy nhận, không làm được hãy nghĩ đến hai từ "trách nhiệm"!

Quý Văn |

Ngưng làm "người tốt": Đồng nghiệp nhờ, sếp giao việc, làm được hãy nhận, không làm được hãy nghĩ đến hai từ "trách nhiệm"!

"Em được đánh giá là người rất trách nhiệm trong công việc.

Em luôn cố gắng hoàn thành công việc một cách tốt nhất." – Câu PR bản thân phổ biến của rất nhiều ứng viên khi đi phỏng vấn này có vẻ hiệu quả trong công cuộc chinh phục nhà tuyển dụng.

Trên thực tế, hầu hết các công việc đều yêu cầu bạn có một thái độ tích cực và mức độ trách nhiệm vừa phải để đảm bảo tính suôn sẻ của nó.

Là một cử nhân trẻ nhiệt huyết, bạn luôn luôn nhìn nhận được tầm quan trọng của hai từ "trách nhiệm" ấy.

Tuy nhiên, nếu một lúc nào đó, vô tình hai từ kia trở nên quá nặng nề trên đôi vai bạn, lúc đó bạn có còn đủ nhiệt huyết để gánh vác?

Trách nhiệm tăng dần theo công việc

Khi mới đi làm, bạn nhìn công việc qua lăng kính màu hồng. Bạn luôn muốn học hỏi và trở nên giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực mình theo đuổi. Bạn cảm thấy khả năng của mình chưa được đánh giá đúng khi chỉ toàn được giao những việc lặt vặt.

Ngưng làm người tốt: Đồng nghiệp nhờ, sếp giao việc, làm được hãy nhận, không làm được hãy nghĩ đến hai từ trách nhiệm! - Ảnh 1.

Và rồi cơ hội đến. Bạn được làm quen dần với những vấn đề chính yếu trong công việc của mình. Bạn hào hứng, phấn khởi. Bạn tự thưởng cho mình những gì mình yêu thích. Và rồi công việc cuốn bạn đi…

Giờ đây vào mỗi cuối tuần, cuối tháng hay cuối năm, bạn tự hỏi: "Việc ở đâu mà nhiều thế?". Ngày qua ngày, bạn nhận được những "rắc rối Thạch Sanh" giải quyết mãi vẫn chẳng xong. Công việc cứ ồ ạt kéo đến.

Và bạn – một người vốn yêu thích nó chợt thấy nó trở nên đáng ghét tệ – vì sao nên nỗi?

Bạn nghe những gì tôi nói "có vẻ quen quen" chứ? Bạn đang nghe một câu chuyện tưởng chừng là của bạn đúng không? Thế thì vấn đề chính là ở đây: bạn đang là một con rối cho trách nhiệm công việc giật dây đấy!

Chiếc áo trách nhiệm có vẻ đã quá chật với bạn rồi. Bạn nên thay một chiếc áo khác – một phương thức làm việc và quản lý thời gian cùng những suy nghĩ hiệu quả hơn.

Trách nhiệm ở đây chính là sự đảm bảo hoàn thành tốt công việc, với những công việc ngày càng đòi hỏi sự sáng tạo và đổi mới.

Trách nhiệm tăng, vai trò tăng và vị trí của bạn cũng ngày càng cao, cho nên đánh đổi thời gian, công sức và sự thay đổi hợp lý để nâng cao hiệu quả công việc là điều cần thiết.

Đừng sợ thay đổi! Khi tất cả sự vật đều thay đổi từng ngày từng giờ, nếu bạn đứng im một chỗ, bạn sẽ không còn phù hợp với nó nữa.

Ngưng làm người tốt: Đồng nghiệp nhờ, sếp giao việc, làm được hãy nhận, không làm được hãy nghĩ đến hai từ trách nhiệm! - Ảnh 3.

Trách nhiệm vô hình từ người khác

Một số người mắc bệnh "người tốt". Bệnh "người tốt" ở đây muốn đề cập đến 2 tuýp người. Một là quá cầu toàn, không yên tâm để người khác làm những việc có-ảnh-hưởng đến việc của mình, thế là họ làm luôn phần của người khác.

Hai là những người được nhờ vả phần việc không-phải-của-mình nhưng ngại phải nói ra, và "ôm show" trọn gói việc mà lẽ ra người khác phải làm.

Nếu bạn mắc bệnh này, hãy chữa đi! Nó hoàn toàn không xấu. Nhưng nếu bạn mặc một lúc nhiều chiếc áo trách nhiệm như thế, bạn sẽ là người mệt mỏi.

Đừng quá cầu toàn, cũng đừng quá nhu nhược chịu đựng. Đừng giữ luôn phần trách nhiệm của người khác mà hãy là người nhắc nhở họ trong những vấn đề liên quan. Hãy giữ tự do cho mình!

Tâm lý người mới vừa đi làm cũng giống như những đứa trẻ và những món đồ chơi mới. Nếu những đứa trẻ ấy không biết học cách chơi, chúng sẽ chỉ biết thèm thuồng nhìn bạn bè chơi mà thôi.

Sự thay đổi, suy cho cùng là một sự sáng tạo của bản thân để thích nghi với cuộc sống thiên biến vạn hóa. Công việc cũng vậy.

Mỗi một vấn đề, mỗi một đối tượng đều có những đặc điểm riêng biệt cần đáp ứng. Bạn không thể mãi duy trì một cách thức làm việc được. Hãy đọc kĩ và ngẫm, bạn nhé!

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại