Vai trò dự trữ của đồng USD sụt giảm đã là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong nhiều năm vừa qua, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 - 2008. Dù quan điểm nói rằng vị thế thống trị của đồng USD sắp sụp đổ được cho là bị “thổi phồng” thì dữ liệu mới do Hội đồng Đại Tây Dương (Atlantic Council - AC) cung cấp lại vẽ lên một bức tranh khác: Thế giới đang sử dụng đồng USD ít hơn so với thời điểm chuyển giao sang thế kỷ mới.
Theo công cụ giám sát của AC, tỷ trọng đồng USD trong dự trữ toàn cầu ở mức 58% vào năm 2024, giảm 14% so với năm 2002 khi đồng tiền này chiếm đến 72%. Báo cáo cho biết, đồng USD đã đóng vai trò là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới kể từ Thế chiến II và hiện tại tỷ trọng của USD là 58%, euro chỉ chiếm 20%.
Các nhà nghiên cứu của AC cho hay: “Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi mâu thuẫn Nga - Ukraine nổ ra và G7 áp dụng các biện pháp trừng phạt, một số quốc gia đã phát tín hiệu sẽ đa dạng hoá, giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.”
Tốc độ phi đô la hoá tăng lên trong những năm gần đây. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiềm lực ngày càng lớn của BRICS đã thúc đẩy nhanh xu hướng này.
Báo cáo viết: “Trong 24 tháng qua, các thành viên của BRICS đã tích cực thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ của họ trong thương mại và giao dịch. Trong cùng thời gian này, Trung Quốc đã mở rộng hệ thống thanh toán thay thế cho các đối tác thương mại và tìm cách tăng cường sử dụng đồng Nhân dân tệ trên phạm vi quốc tế.”
Nhóm cho biết thêm: “BRICS là một thách thức tiềm tàng với vị thế của đồng USD, do kế hoạch thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong giao thương và tỷ trọng ngày càng tăng của BRICS trong GDP toàn cầu. Trong số các đồng tiền tệ của các quốc gia BRICS, Nhân dân tệ có tiềm năng cạnh tranh cao nhất với đồng USD trong thương mại và dự trữ.”
2 chỉ báo chính được báo cáo này đưa ra nhằm minh chứng cho sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc là các hoạt động hoán đổi tiền tệ của Trung Quốc với các nước BRICS và nước này thành lập Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS). Các nhà nghiên cứu nhận thấy, từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024, CIPS đã có thêm 62 thành viên tham gia trực tiếp và hiện bao gồm 142 thành viên trực tiếp và 1.394 thành viên tham gia gián tiếp.
Dù Trung Quốc đang có những bước tiến đối với CIPS song các nhà nghiên cứu nhận định rằng vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu vẫn được đảm bảo trong ngắn và trung hạn. Hơn nữa, tất cả các đối thủ tiềm năng, kể cả đồng euro, cũng chưa “đủ khả năng” để thách thức đồng USD trong thời gian tới.
Về việc BRICS phát triển hệ thống thanh toán nội bộ, AC nhận định rằng các cuộc đàm phán về vấn đề này “vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng các thành viên đã đạt được các thoả thuận song phương và đa phương tập trung vào hoạt động giao dịch xuyên biên giới, sử dụng tiền số của NHTW (CBDC) và các thoả thuận hoán đổi tiền tệ.”
Nhóm nói thêm, các thoả thuận này có thể khó mở rộng về quy mô do các vấn đề về quy định và thanh khoản, nhưng có thể tạo nền móng cho một nền tảng trao đổi tiền tệ trong tương lai.
Dù Trung Quốc là rủi ro lớn nhất với vị thế của đồng USD, song những khó khăn gần đây của nước này đã khiến đồng Nhân dân tệ mất đi một số lợi thế. Báo cáo cho biết: “Trong quý IV/2023, tỷ trọng đồng Nhân dân tệ trong dự trữ ngoại tệ toàn cầu đã giảm xuống 2,3% từ mức đỉnh 2,8% trong năm 2023.”
AC xác định 6 “nhân tố thiết yếu tạo nên một đồng tiền dự trữ”, theo đó euro là đồng tiền phù hợp nhất để trở thành đồng tiền dự trữ sau USD, tiếp theo là đồng Nhân dân tệ. Nhìn chung, USD vẫn là đồng tiền tệ quan trọng nhất trong hệ thống ngân hàng quốc tế.
Trong khi các đồng tiền tệ khác đang cạnh tranh để giành vị thế đứng đầu của đồng USD thì AC lưu ý rằng có một loại tài sản được các thành viên BRICS ưa chuộng, đó là vàng. Báo cáo cho biết, kể từ năm 2018, toàn bộ thành viên BRICS đã tăng lượng nắm giữ vàng với tốc độ nhanh nhất thế giới, bất chấp giá kim loại quý cao kỷ lục.
Nhóm tác giả nêu chi tiết, tỷ trọng vàng trong dự trữ quốc tế “bắt đầu tăng vào năm 2019 và tăng tốc khi đại dịch bùng phát, từ khoảng 10% lên gần 16% hiện nay. Các NHTW hiện nắm giữ tổng cộng hơn 35.000 tấn vàng và gần 20% tổng số vàng từng được khai thác.” Ngoài ra, các thị trường mới nổi có xu hướng tích cực tăng tỷ trọng nắm giữ vàng hơn.
Báo cáo kết luận, gần 1/3 các NHTW có kế hoạch tăng dự trữ vàng vào năm 2024. Dù euro từng được coi là đối thủ cạnh tranh với USD, nhưng sức hấp dẫn của đồng tiền này vẫn suy yếu. Các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga cho thấy rằng dự trữ đồng euro vẫn gặp rủi ro như đồng USD.
Một báo cáo hồi tháng 6 của IMF chỉ ra rằng, tỷ trọng dự trữ ngoại hối được phân bổ theo đồng USD của các NHTW và chính phủ đang giảm dần. Đáng chú ý là, các đồng tiền dự trữ “phi truyền thống” lại đang được ưa chuộng hơn, bao gồm đồng AUD, Nhân dân tệ, đồng won, SGD và các đồng tiền tệ của Bắc Âu.
Các nhà nghiên cứu giải thích, những đồng tiền dự trữ “phi truyền thống” rất hấp dẫn vì mang lại sự đa dạng hoá và lợi suất tương đối hấp dẫn, đồng thời dễ mua, bán và nắm giữ trong bối cảnh các công nghệ tài chính kỹ thuật số mới phát triển.