Việt Nam sắp có khu công nghiệp thu hút 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 100.000 người

Minh Hằng |

Khu công nghiệp (KCN) này được kỳ vọng trở thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm lớn tại khu vực phía Nam của Việt Nam, thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Đây là KCN VSIP Cần Thơ.

KCN VSIP Cần Thơ được UBND TP Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án ngày 25/10/2022. Dự án này được 3 nhà đầu tư thực hiện, bao gồm: Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Công ty cổ phần, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty Cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Địa điểm thực hiện dự án KCN VSIP Cần Thơ là tại xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh. 

Dự án khởi công vào tháng 9/2023. Đây là dự án KCN Việt Nam - Singapore thứ 13 trên cả nước và cũng là đầu tiên tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Diện tích giai đoạn 1 của dự án là 293,7 ha, với tổng vốn đầu tư là 3.717 tỷ đồng.

Kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư, thời gian hoạt động của dự án KCN VSIP Cần Thơ là 50 năm. Tiến độ thực hiện của dự án là không quá 36 tháng, kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Theo đó, KCN VSIP Cần Thơ được quy hoạch với tổng diện tích là 900 ha. Dự kiến sau khi hoàn chỉnh, KCN này sẽ tạo việc làm cho 100.000 lao động và thu hút 3,5 tỷ USD. Trước mắt, giai đoạn 1 của dự án có diện tích là 293,7 ha và sẽ tạo việc làm cho 20.000 – 30.000 lao động.

Việt Nam sắp có khu công nghiệp thu hút 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 100.000 người - Ảnh 1.

Mô hình KCN VSIP Cần Thơ với diện tích hơn 293 ha ở huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: Cổng TTĐT Đảng bộ TP Cần Thơ

Dự án KCN KCN VSIP Cần Thơ tọa lạc ở giao điểm chiến lược giữa những tuyến cao tốc trục dọc và trục ngang của Đồng bằng sông Cửu Long và giáo ranh 3 tỉnh là Đồng Tháp, An Giang và Hậu Giang. Vị trí này của dự án giúp dễ dàng kết nối với hệ thống cảng, sân bay và những dịch vụ tiện ích của trung tâm thành phố.

Theo kế hoạch, KCN VSIP Cần Thơ được định hướng xây dựng theo mô hình KCN thông minh, bền vững và đặt mục tiêu trở thành một trung tâm chế biến, phân phối thực phẩm lớn tại khu vực phía nam; đồng thời thiết lập mạng lưới logistics từ trung tâm đến cảng và hạ tầng cơ sở vật chất phụ trợ để hỗ trợ tốt nhất cho những nhu cầu về chuỗi cung ứng của nhà đầu tư.

Hàng trăm triệu USD sắp đổ về KCN lớn nhất Cần Thơ

Việt Nam sắp có khu công nghiệp thu hút 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 100.000 người - Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tại buổi làm việc trao đổi về tiến độ triển khai Dự án KCN VSIP Cần Thơ, chiều 13/8. Ảnh: TP

TP Cần Thơ hiện có 7 KCN hiện hữu, bao gồm: KCN Trà Nóc 1 (135 ha), KCN Trà Nóc 2 (155 ha), KCN Hưng Phú 1 (262 ha), KCN Hưng Phú 2 (67 ha), KCN Thốt Nốt (74,87 ha) và KCN Vĩnh Thạnh - giai đoạn 1 (293,7 ha).

Chiều 13/8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hiếu, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện Vĩnh Thạnh, CTCP VSIP Cần Thơ và những đơn vị liên quan về tiến độ triển khai Dự án KCN VSIP Cần Thơ.

Tại buổi làm việc, ông Đoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, KCN VSIP Cần Thơ có 2 tuyến đường kết nối. Trong đó, tuyến đường nối từ quốc lộ 80 vào KCN hiện có tiến độ đạt 57% và đường nối từ cầu Vàm Cống vào KCN mới đạt 6%, vì vướng mặt hàng. Hiện nay, địa phương đang tiến hành vận động người dân cũng như hoàn thiện về mặt hồ sơ pháp lý nhằm thực hiện mục tiêu cưỡng chế thu hồi đất trong tháng 8.

Về phía VSIP Cần thơ, đại diện công ty này cho biết, tính đến nay, đã có 19 doanh nghiệp từ các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… ký bản ghi nhớ đầu tư vào KCN, với diện tích thuê đất khoảng 100 ha và tổng vốn đầu tư là khoảng 200 triệu USD.

Theo dự kiến, vào quý I/2025, VSIP sẽ tiến hành ký hợp đồng thuê mặt bằng với các khách hàng và thực hiện thủ tục đầu tư cũng như bàn giao đất để xây dựng nhà máy trong quý III/2025. Vì vậy, CTCP VSIP Cần Thơ mong muốn thành phố và các sở, ngành, chính quyền địa phương tiến hành hỗ trợ doanh nghiệp tron việc tháo gỡ những khó khăn để nhanh chóng triển khai xây dựng hoàn thành hạ tầng của dự án. 

Trong đó, CTCP VSIP Cần Thơ đề nghị thành phố hỗ trợ và hướng dẫn nhà đầu tư tham gia đấu thấu về khai thác mỏ cát nhằm giảm bớt áp lực về nguồn vật liệu san lấp cũng như vốn đang gặp khó về nguồn cung, giá cả.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bí thư Thành ủy Cần Thơ yêu cầu Sở Xây dựng và Sở Giao thông vận tải cử lãnh đạo và cán bộ trực tiếp phối hợp với huyện Vĩnh Thạnh để điều chỉnh dự án và thiết kế những tuyến đường kết nối KCN VSIP với cầu Vàm Cống; đồng thời phối hợp để giải phóng mặt bằng tuyến kết nối xong trong tháng 8, cũng như quyết tâm phải xong tuyến đường nối từ cầu Vàm Cống vào KCN trước Tết Nguyên đán 2025.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy Cần Thơ đề nghị các sở ngành, địa phương đảm bảo tiến độ các khu tái định cư phục vụ dự án, cố gắng cuối năm 2024 có 300 nền để bàn giao cho những hộ dân nhường đất cho KCN đã được duyệt tái định cư; tuyệt đối không để việc tái định cư ảnh hưởng đến dự án và người dân.

Việt Nam sắp có khu công nghiệp thu hút 3,5 tỷ USD, tạo việc làm cho 100.000 người - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Tổng Giám đốc CTCP VSIP Cần Thơ thông tin về tiến độ dự án KCN VSIP Cần Thơ tại buổi làm việc vào chiều 23/7. Ảnh: Cổng TTĐT Đảng bộ TP Cần Thơ

Trước đó, theo Cổng TTĐT Đảng bộ TP Cần Thơ, chiều 23/7, tại buổi làm việc liên quan về tiến độ triển khai dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ, ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Tổng Giám đốc CTCP VSIP Cần Thơ cho biết, bên cạnh vấn đề mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp hạ tầng của KCN cũng đang gặp khó. Cụ thể, trong hơn một năm nay, nguồn cát san lấp ở ĐBSCL biến động rất nhiều về nguồn cung và giá cả. Kể từ khi dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư thì giá cát san lấp đã tăng gấp đôi.

Theo tính toán của CTCP VSIP Cần Thơ, với giá cát hiện nay, để san lấp hoàn thành toàn bộ diện tích hơn 293 ha của dự án KCN thì nhà đầu tư phải bỏ ra thêm khoảng 800 tỷ đồng. Nếu như vậy, VSIP phải tăng giá cho thuê đất lên 40 USD/m2 thì mới đủ bù chi phí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại