Ngôi làng này hiện tại vẫn chưa có tên chính thức. Nó nằm dưới chân ngọn núi Andes ở Colombia. Là một vùng xa xôi hẻo lánh, nơi đây vẫn chưa được tiếp xúc với điện và nước sạch.
Nguồn sống ở đây chủ yếu trông cậy vào trang trại chế biến cocaine trái phép, nơi có thể sản xuất hơn 100kg chất cấm mỗi tháng, mang về nguồn thu lên tới 3 triệu USD (gần 70 tỷ VND).
Ngôi làng cocaine nằm tại dưới chân núi Andes. Ảnh: Reuters
Một túi 2,27kg bột nhão coca có thể tinh chế thành 2kg cocaine và được bán với mức giá 60.000 USD ở New York. Ảnh: Reuters
Điều đáng ngạc nhiên hơn, tại ngôi làng này, cocaine không chỉ được sử dụng tại các sòng bạc hay phục cụ mục đích buôn bán trái phép, mà nó còn lưu hành như một hình thức tiền tệ.
Một nông dân chia sẻ: “Tháng trước, tôi có nợ người chủ cửa hàng tạp hóa tiền uống bia, nhưng tôi không trả bằng tiền mặt mà dùng 10,8 gram cocaine để đổi”. Ông cũng khẳng định, đây chính là cách định giá cocaine tại ngôi làng.
Những người chịu trách nhiệm sản xuất cocaine đều nhận thức được mức độ nghiêm trọng về việc mà họ đang làm.
“Tôi biết rằng lực lượng phòng chống ma túy hay các cơ quan chức năng khác có thể xuất hiện và phá hủy các cơ sở sản xuất cocaine, rồi đưa tôi vào trại giam bất cứ lúc nào.
Tôi cũng biết điều này là bất hợp pháp và nhiều người vì nó mà chết, nhưng đó là công việc của tôi”, một nhân viên sản xuất ma túy tại ngôi làng cho hay.
Người dân dùng cocaine để trao đổi hàng hóa. Ảnh: Reuters
Cocaine tồn tại như một phần trong cuộc sống của người dân nơi đây. Ảnh: Reuters
Trước tình trạng trên, chính phủ Colombia tích cực triển khai lực lượng quân đội diệt trừ loại cây trồng bất hợp pháp.
Tháng 10/2017, 7 người thiệt mạng và hơn 20 người bị thương trong cuộc nổi dậy của người dân vùng Narino khi tham gia tác chiến tiêu diệt tận gốc trang trại cocaine tại đây.
Ông Hernando Gonzalez, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ma túy và An toàn tại Đại học Los Andes, cho biết, việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực trồng cây coca là chìa khóa để giải quyết các vấn đề về ma túy tại nước này.
“Khu vực trồng coca thường không có điện và hệ thống đường cao tốc. Nói cách khác, người dân hoàn toàn không có khả năng vận chuyển sản phẩm ra thị trường. Cách duy nhất là các thương lái sẽ đến ngôi làng vào mỗi vụ thu hoạch để thu mua”, ông nhận định.
Là một phần của thỏa thuận hòa bình được ký kết giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), từ năm 2017, chính phủ nước này đã cho tiến hành chương trình thay thế cây coca trồng bất hợp pháp.
Tháng 7/2017, hơn 75.000 hộ gia đình tham gia vào chương trình để cứu đất nước thoát khỏi nạn cocaine.
Chính phủ Colombia tiến hành nhiều biện pháp để giải quyết triệt để các khu rừng trồng cây coca. Ảnh: Reuters
Marisol Palacio, Giám đốc chính sách về ma túy và các hoạt động liên quan của Bộ Tư pháp và Luật, nói: “Chính phủ Colombia tự tin làm được điều này vì họ được tiếp xúc trực tiếp với người nông dân. Chúng ta nên đặt niềm tin vào công cuộc loại từ cocaine.
Tuy vậy, để nó có thể diễn ra thuận lợi, chúng ta cũng nên góp sức tham gia vào việc phòng chống loại chất nguy hại này”.