Câu chuyện đổ rác theo 34 loại khác nhau ở một ngôi làng khiến bạn phải thốt lên 'đúng là người Nhật'

AB |

Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ tái chế rác thải của Nhật lên tới 77%, cao hơn nhiều so với mức 36% của Anh và gần 30% của Mỹ.

Ngôi làng kỳ dị ở Nhật Bản phân rác theo 34 loại khác nhau

Tại một trạm đổ rác của làng Kamikatsu, rất nhiều loại thùng rác khác nhau được sắp xếp và chúng có thể khiến người lạ bối rối vì chẳng biết đổ vào thùng nào.

Điều này cũng dễ hiểu khi riêng rác giấy, ngôi làng này cũng đã phân thành 4 loại là thùng đựng rác giấy báo, tạp chí, bìa carton và tờ rơi. Ngay cả rác lon đồ nước cũng bị chia thành lon nhôm, sắt hay dạng bình xịt.

Thậm chí, ngôi làng này còn phân loại thùng rác cho vỏ chai và nắp chai bởi chúng có thể tái chế thành những sản phẩm khác nhau. Đây mới chỉ là một vài phân loại trong số ít nhất 34 loại rác với thùng rác khác nhau của làng Kamikatsu.

Câu chuyện nghe có vẻ nực cười, nhưng với ngôi làng hơn 1.700 cư dân này thì đây lại là một nghĩa vụ thiêng liêng. Theo đó, Kamikatsu đang hướng đến trở thành ngôi làng tái chế rác 100% vào năm 2020, và điều thú vị là họ sắp gặt hái được thành công đó.

Tính đến năm 2015, Kamikatsu đã tái chế đến 80% lượng rác thải tiêu dùng và có 20% được tái phân bổi cho đất đai, trồng trọt. Để làm được điều này, người dân làng đã phải tốn 12 năm để có thể thiết lập được một hệ thống tái chế hoàn thiện.

Năm 2003, người dân ngôi làng này lo sợ việc đốt rác sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống và quyết định hướng đến tái chế toàn bộ rác thải của làng.

Bởi ngôi làng này không có hệ thống xử lý rác như những thành phố lớn nên họ phải tự thân vận động. Mỗi hộ gia đình phải tự phân loại, rửa sạch và đem rác thải đến trung tâm tái chế của làng.

Để làm được điều này, các hộ dân trong làng đã phải trải qua quá trình thích nghi, vận động cũng như giáo dục mọi người xung quanh bởi công việc này khá tốn thời gian.

Một người quản lý được thuê để kiểm tra xem rác có được phân loại đúng thùng tại trạm tái chế hay không. Trong một vài trường hợp, những vật phẩm vssxn còn hữu dụng sẽ được đem đi sửa chữa, tái sử dụng thành quần áo, đồ chơi hay những đồ gia dụng khác.

Tuy nhiên, câu chuyện ngôi làng Kamikatsu chỉ là một phần nhỏ trong văn hóa tái chế và bảo vệ môi trường tại Nhật Bản.

Vứt rác cũng thấy khó

Nếu bạn là khách du lịch đến Nhật Bản, có lẽ bạn sẽ cảm thấy quốc gia này quá thiếu thùng rác so với nhiều thành phố hiện đại khác trên thế giới. Rất nhiều du khách quốc tế đã đặt câu hỏi này trên các trang du lịch như Tripadvisor.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chính phủ hạn chế việc xả rác thải của người dân. Sau Thế chiến thứ II, nền công nghiệp bùng nổ khiến lượng rác thải tăng nhanh và những thành phố lớn như Tokyo bắt đầu hết quỹ đất để chôn rác.

Câu chuyện đổ rác theo 34 loại khác nhau ở một ngôi làng khiến bạn phải thốt lên đúng là người Nhật - Ảnh 2.

Kể từ đây, một đạo luật được ban hành vào thập niên 1990 nhằm quản lý tái chế rác thải cũng như hạn chế lượng rác thải ra môi trường của người dân.

Ngoài ra, việc giáo dục khiến người dân Nhật có thói quen hạn chế vứt rác ra đường mà đem về nhà vứt thùng rác. Điều này khiến số lượng thùng rác tại Nhật có phần ít hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác.

Tại các tuyến đường cao tốc, thỉnh thoảng có những biến khuyến khích người dân mang rác về nhà vứt thay vì xả bừa bãi ngoài đường. Tại quốc gia này không có bất kỳ tấm biển cảnh báo xử phạt nào về việc đổ rác bừa bãi, tất cả tùy thuộc vào ý thức của người dân.

Một yếu tố nữa khiến tỷ lệ vứt rác bừa bãi ở Nhật thuộc hàng thấp nhất thế giới là họ không có thói quen vừa đi vừa ăn. Mặc dù thức ăn đường phố Nhật khá nổi tiếng nhưng hầu hết người dân thưởng thức chúng ngay tại chỗ thay vì mang về hoặc ăn trên đường.

Bởi người dân Nhật khá quan tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình nên họ hạn chế vừa ăn vừa đi cũng như vứt rác bừa bãi, tạo nên hiện tượng đường phố sạch sẽ mà không cần các biển cấm.

Xây dựng một hệ thống hợp lý

Theo báo cáo mới nhất, tỷ lệ tái chế rác thải của Nhật lên tới 77%, cao hơn nhiều so với mức 36% của Anh và gần 30% của Mỹ.

Số liệu năm 2010 cho thấy Nhật Bản tái chế tới 72% số chai nhựa, cao hơn mức 48% của Châu Âu và 29% của Mỹ.

Những nguyên liệu tái chế này được dùng cho may mặc, gia dụng và thậm chí là sản xuất công nghiệp. Phần lớn chúng được xuất khẩu sang Trung Quốc và những nước Châu Á khác để làm đồ chơi.

Để đạt được những thành quả này, chính quyền Tokyo đã xây dựng một hệ thống xử lý rác thải hiệu quả.

Điều đầu tiên chính quyền nước này quan tâm là tính thân thiện của hệ thống, khiến người dân có thể đổ rác, phân loại rác, tái chế cũng như kinh doanh nguyên liệu rác dễ dàng nhất.

Ngoài ra, những loại phụ phí cho tái chế rác thải thường được áp dụng trong quá trình mua bán sản phẩm, qua đó tạo lợi nhuận cho ngành kinh doanh này. Ví dụ các tài xế ở Nhật sẽ phải thanh toán phí tái chế xe cũ vào khoảng 65-166 USD khi họ muốn đào thải phương tiện cũ của mình.

Đồng thời, chính phủ cũng yêu cầu các nhà máy sản xuất tham gia ngành tái chế, qua đó thu lưu lại nguyên liệu phục vụ cho chính hoạt động của doanh nghiệp. Bởi vậy, các công ty sẽ có lợi ích và tích cực tham gia tái chế rác thải hơn.

Năm 2007, ngành tái chế Nhật Bản chiếm 7,6% GDP, tương đương gần 229 tỷ USD và thuê tới 650.000 lao động.

Ngày nay, rất nhiều tập đoàn lớn của Nhật Bản tham gia ngành tái chế. Đi đầu phải kể đến hãng Mitsubishi đầu tư 12 tỷ Yên (107,6 triệu USD) để xây dựng các nhà máy tái chế mới trong và ngoài nước, nâng công suất lên 200.000 tấn.

Hãng Dowa Holding cũng đang có kế hoạch xây dựng lò nung điện với kỳ vọng tăng sản lượng tái chế rác thải lên 40% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Nippon hay Sumitomo cũng tích cực tham gia ngành rác thải và tái chế này, qua đó không chỉ giúp Nhật Bản bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguyên liệu mà còn phát triển công ăn việc làm, kinh tế cho đất nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại