Ngoài thủ đoạn, đây là điều đã giúp Lý Liên Anh phất lên như diều gặp gió khi hầu hạ Từ Hy

Trần Quỳnh |

Lý Liên Anh lại là người duy nhất được Từ Hy thái hậu sủng ái cả đời. Và điều đáng nói là, vị trí vững chắc của nhân vật này trong hoàng cung không chỉ có được nhờ thủ đoạn.

Đại văn hào Lỗ Tấn từng nhận định: Thái giám, nha phiến, vợ lẽ chính là "quốc túy" của Trung Hoa một thời.

Chế độ thái giám đã có tới hơn 2000 năm tồn tại trong lịch sử Trung Quốc. Một số nhân vật thuộc tầng lớp này thậm chí còn hết sức nổi danh, mà Lý Liên Anh chính là một trong số đó.

Lý Liên Anh sinh vào năm Đạo Quang thứ 28 (tức năm 1848), lên 8 tuổi đã tịnh thân (thiến), 9 tuổi thì nhập cung.

Thanh triều vốn có rất nhiều thái giám, số người tình nguyện nhập cung làm hoạn quan cũng không thiếu, nhưng Lý Liên Anh lại là nhân vật "số đỏ" bậc nhất trong nhóm người này.

Điều này không chỉ bắt nguồn từ những thủ đoạn, mánh khóe lão làng, mà phần nào còn liên quan tới cách đối nhân xử thế của thái giám họ Lý này.

Bậc thầy của nghệ thuật hài hước trong hoàng cung Thanh triều

Ngoài thủ đoạn, đây là điều đã giúp Lý Liên Anh phất lên như diều gặp gió khi hầu hạ Từ Hy - Ảnh 1.

Nhìn chân dung của thái giám Lý Liên Anh, khó ai có thể tin rằng ông lại là một người hài hước và khôn khéo nhất trong hoàng cung Thanh triều năm xưa. (Ảnh: Nguồn Baike).

Hậu thế đều biết, Lý Liên Anh phất lên nhờ vào tài chải đầu không đứt một sợi tóc khiến Từ Hy vừa ý. Nhưng ít ai biết rằng, hoạn quan họ Lý này còn có một năng khiếu thiên phú khác, đó chính là đoán biết được tâm ý của chủ nhân.

Hơn nữa, tính cách Lý Liên Anh vốn rất khôi hài, thích nói đùa. Mặc dù thuở nhỏ ít đọc sách, nhưng ông nói năng khéo léo, uyển chuyển, chọc cười mà không hề thô thiển, ngược lại còn được rất nhiều người yêu thích.

Mỗi khi rảnh rỗi, Từ Hy thường thích nghe Lý Liên Anh kể vài câu chuyện tiếu lâm để giải khuây. Những dịp này, thái giám họ Lý luôn đem hết bản lĩnh của mình để mang lại tiếng cười cho lão Phật gia.

Vị thái giám Tổng quản này ăn nói khéo léo tới nỗi dù có châm biếm nhiều câu chuyện quan trường, chính trị cũng chẳng ai nhận ra hàm ý châm chọc hay bị ông làm cho phật ý.

Vị Tổng quản phúc hậu hiếm có của hoàng cung

"Đức Tông di truyện" từng đề cập, năm xưa khi Bắc Kinh thất thủ, Từ Hy từng cùng Quang Tự chạy trốn, thẳng đến khi Hiệp ước Tân Sửu được ký mới trở lại kinh thành.

Có lần, đoàn người của Thái hậu và Hoàng đế dừng chân nghỉ ngơi giữa đường. Bấy giờ, phòng ngủ của Từ Hy được bố trí hết sức hoa mỹ, mọi thứ đều đủ cả.Sau khi Lão Phật gia an giấc, các thái giám và nô tỳ đều tản đi. 

Lý Liên Anh lúc đó có đến phòng Quang Tự, phát hiện chỗ nghỉ ngơi của nhà vua ngay đến một thái giám túc trực cũng không có.

Ngoài thủ đoạn, đây là điều đã giúp Lý Liên Anh phất lên như diều gặp gió khi hầu hạ Từ Hy - Ảnh 2.

Việc Lý Liên Anh từng nhiều lần giúp đỡ Hoàng đế Quang Tự đã từng được đưa vào các tác phẩm phim truyện. (Ảnh minh họa).

Trong căn phòng trống trải ấy, Quang Tự ngồi một mình trước ngọn đèn dầu heo hắt. Bấy giờ, Lý Liên Anh quỳ thỉnh an rồi hỏi:

"Vì sao chủ tử còn chưa ngủ?"

Quang Tự đáp:

"Ngươi nhìn qua căn phòng này một chút, sau đó dạy ta xem nên ngủ thế nào".

Lý Liên Anh nhìn qua một lượt, phát hiện ra rằng đang vào mùa đông giá lạnh, mà giường ngủ của Quang Tự ngoại trừ đặt một chiếc nệm và gối dựa, ngay đến chăn cũng chẳng có.

Khi đó, hoạn quan họ Lý lập tức quỳ xuống, ôm chân Quang Tự mà khóc rằng:

"Chúng nô tài quả thực đáng chết vạn lần!".

Ngay sau đó, ông vội vàng đem chăn nệm của mình ôm đến và nói:

"Đêm đã khuya, khó có thể chuẩn bị chu toàn. Đây là chăn nệm của nô tài, xin chủ tử dùng tạm. Tuy rằng nô tài tội càng thêm nặng, nhưng nô tài quả thực chẳng còn cách nào khác…"

Khi đã trở lại Bắc Kinh, Quang Tự vẫn thường nhắc tới chuyện này, còn cảm thán một câu:

"Nếu không có Lý yếm đáp (chỉ Lý Liên Anh), trẫm sợ rằng không sống nổi đến ngày hôm nay…"

Những năm cuối đời, Quang Tự thường bị Từ Hy nhiều lần làm khó. Nhưng Lý Liên Anh chưa bao giờ tìm cách "giậu đổ bìm leo", còn nhiều lần chiếu cố nhà vua trong phạm vi quyền hạn của mình.

So với bè lũ thái giám "gió chiều nào che chiều ấy" mà nói, Lý Đại Tổng quản cũng được coi là một người phúc hậu.

Sẵn sàng đem của cải để đổi lấy đường lui

Ngoài thủ đoạn, đây là điều đã giúp Lý Liên Anh phất lên như diều gặp gió khi hầu hạ Từ Hy - Ảnh 3.

Mặc dù thích hưởng vinh hoa phú quý, nhưng Lý Liên Anh vẫn là một người tỉnh táo, không vì ham của mà đánh cược tính mạng của mình. (Ảnh: Nguồn Baidu).

Năm 1908, Quang Tự và Từ Hy lần lượt qua đời. Sau khi lo lắng chu toàn việc tang lễ cho hai người, tháng giêng năm Tuyên Thống thứ nhất, Lý Liên Anh xin Long Dụ Thái hậu về quê dưỡng già.

Long Dụ thuận theo ý ông, còn ban cho bổng lộc "về hưu", mỗi tháng được hưởng đãi ngộ 60 lượng bạc.

Cứ như vậy, Lý Tổng quản lẫy lừng một thời đã quyết định rời xa hoàng cung – nơi gắn bó với ông trong suốt 52 năm (9 tuổi nhập cung, 61 tuổi rời cung).

Trung Hoa từ xưa tới nay vốn đã có luật "vua nào, triều thần ấy". Bản thân thái giám họ Lý hiểu rõ hơn ai hết một sự thật rằng, Từ Hy chết, ông cũng rớt đài, thay vì chờ đến lúc bị người ta hất cẳng, thà rằng thức thời một chút mà rời đi sớm, tránh đến lúc gặp phải họa bất trắc.

Tương truyền rằng, trước khi rời cung, Lý Liên Anh còn làm một việc vô cùng thức thời. Ông đã đem những trân bảo năm xưa Từ Hy ban thưởng cho mình để dâng tặng cho Long Dụ thái hậu.

Khi ấy, Lý Liên Anh thưa rằng:

"Đây vốn là đồ của hoàng gia, không nên truyền vào dân gian, nô tài thay hoàng thất cẩn thận giữ gìn mấy thập niên, giờ đây tuổi già sức yếu, cũng nên rời cung đình, nguyện đem tất cả những vật này gửi lại cho chủ tử".

Việc làm ấy khiến Long Dụ hết sức hài lòng. Cũng nhờ vậy mà sau khi Lý Liên Anh qua đời, vị Thái hậu này còn theo quy chế dành cho đại thần, phát cho nhà ông 2000 lượng bạc làm chi phí lo mai táng.

Chân lý rút ra sau một đời hưởng phú quý: Tiền tài nhiều thì họa cũng lớn

Trước khi qua đời, Lý Liên Anh đã để lại toàn bộ tài sản của mình cho người thân. Tất cả số ruộng đất ông từng sở hữu được chia làm 5 phần cho 5 huynh đệ, ước chừng khoảng 370 mảnh. 

Tiền bạc, ngân phiếu chia làm 7 phần, ngoài 5 người anh em trai còn có phần của 2 người em gái. Tương truyền rằng, hai em gái của Lý Liên Anh mỗi người được thừa hưởng 17 vạn lượng bạc, ngoài ra còn có 7 hộp trang sức đựng đầy châu báu.

Sau khi xuất cung, vị thái giám họ Lý này không mấy khi tùy tiện lộ mặt, cũng ít giao thiệp với mọi người xung quanh. 

Trong thời kỳ ẩn cư, Lý Liên Anh từng nhiều lần nhắc nhở cháu trai của mình rằng: "Tiền tài nhiều thì họa cũng lớn". Chỉ tiếc người cháu của ông chẳng để trong lòng, hoang phí bạt mạng.

Sống trong hoàng cung đã mấy chục năm, thái giám họ Lý khó tránh khỏi bị cuốn vào vòng xoáy quyền lực khốc liệt ở nơi này, tham quyền, nhận hối lộ cũng là điều khó tránh.

Dù vậy, vị Tổng quản này vẫn giữ những nguyên tắc làm người ít nhiều đáng khen ngợi. Điều này đủ để thấy ông vốn không phải là người bị tiền tài và quyền lực làm cho mờ mắt.

Lý Liên Anh cả đời cúc cung tận tụy cho hoàng cung Thanh triều. Năm 1911, ông qua đời ở tuổi 63. Trùng hợp thay, năm ấy cũng chính là cột mốc đánh dấu sự tuyệt diệt của Đại Thanh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại