Hoàng cung vốn là nơi ở của Hoàng đế cùng các thành viên hoàng thất, trong đó có không ít các phi tần, mỹ nữ. Để tránh việc nhà vua bị "cắm sừng", nam giới làm nô tài trong cung đều phải trải qua công đoạn thiến và trở thành thái giám, hoạn quan.
Luật lệ này khiến nhiều người lầm tưởng rằng, Hoàng đế là người đàn ông chân chính duy nhất trong hoàng cung của mình. Nhưng trên thực tế, bên trong cấm cung vẫn có những người đàn ông khác được phép ra vào. Đó chính là đội ngũ thị vệ.
Vậy vì sao thái giám, hoạn quan phải trải qua quá trình tịnh thân mới có thể vào cung, mà tầng lớp thị vệ lại là ngoại lệ?
Sự khác biệt giữa thái giám và thị vệ
Dù có không ít hoạn quan từng làm khuynh đảo triều chính, nhưng để có thể bước chân vào hoàng cung, tầng lớp này đã phải đánh đổi rất nhiều thứ. (Ảnh minh họa).
Vào thời xa xưa, người hầu hạ trong hậu cung của nhà vua chủ yếu là cung nữ. Khi phi tần, mỹ nữ ngày một nhiều, công việc trong cung càng không đếm xuể, buộc phải tiến cử một số ít nam giới vào hầu hạ.
Nhưng để có thể bước chân vào cánh cửa hoàng cung để làm nô tài, những người đàn ông này đều phải trải qua quá trình "tịnh thân", có nghĩa là bị thiến để mất đi khả năng sinh dục. Tầng lớp này được biết tới với các cách gọi phổ biến là thái giám, hoạn quan.
Mặc dù cũng là "người làm thuê" cho Hoàng đế, nhưng thị vệ trong cung lại không có thân phận giống với tầng lớp quan hoạn này.
Mặc dù cũng là nam giới và đều làm việc trong hoàng cung, nhưng thị vệ lại không phải trải qua quá trình "tịnh thân" như thái giám. (Ảnh minh họa).
Thị vệ là võ quan bảo vệ nhà vua, luôn hiện diện bên cạnh Hoàng đế. Họ được đào tạo để trở thành một đội quân danh dự làm tăng thêm uy nghi cho hoàng thất.
Đến thời nhà Minh, đội ngũ "Cẩm y vệ" được thành lập. Sự kiện này đánh dấu việc thị vệ trở thành tổ chức đặc vụ quân sự, thay Hoàng đế diệt trừ những kẻ gây bất lợi cho nội bộ đất nước.
Có thể thấy, thị vệ trong hoàng cung xưa không phải là tầng lớp thấp kém như người hầu, kẻ hạ mà là những chức quan đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Đâu là lý do giúp thị vệ thoát kiếp "tịnh thân"?
Xuất phát điểm của thị vệ cao hơn nhiều so với hoạn quan, thái giám. (Ảnh minh họa).
Lý giải vì sao thị vệ cũng làm việc trong cung nhưng lại không bị thiến như thái giám, các nhà sử học Trung Quốc hiện đại đã đưa ra một số ý kiến sau:
Thứ nhất, thị vệ là tầng lớp có địa vị không hề thấp. Phạm vi hoạt động của họ không chỉ nằm trong hậu cung mà còn ở khắp nơi trong hoàng cung, nên không thể so sánh với thái giám, hoạn quan.
Thứ hai, thị vệ đóng vai trò quan trọng trong hoàng cung hơn thái giám.
Bởi thái giám là người trực tiếp hầu hạ các phi tần, cũng là đối tượng có nhiều thời gian gần gũi với các nàng nên buộc phải thiến để đảm bảo sự thanh bạch trong hoàng cung. Hơn nữa, nhóm người này cũng chẳng mấy ai biết võ công, không mấy hữu dụng.
Nhưng thị vệ lại chịu trách nhiệm cho sự an toàn của Hoàng đế. Họ đều là những binh lính tinh nhuệ, vai trò quan trọng hơn hoạn quan rất nhiều.
Thứ ba, thị vệ nếu bị thiến sẽ mất đi sức mạnh. Chúng ta đều biết, đàn ông khi trải qua quá trình tịnh thân sẽ có nhiều biến hóa, thể trạng giảm sút so với trước. Mà thị vệ là người bảo vệ bên cạnh Hoàng đế, không thể không cường trạng, mạnh khỏe.
Thứ tư, xuất thân của thị vệ trong sạch và cao quý. Vào thời Tần – Hán, tầng lớp này đều được triều đình đặc biệt tuyển chọn những người tinh thông võ nghệ để đưa vào cung. Tới đời nhà Thanh, thị vệ hầu hết đều là các công tử có xuất thân danh giá.
Trong khi đó, thái giám phần lớn đều là những đứa trẻ nghèo khổ, sinh ra đã bị xếp vào đáy xã hội. Những người này buộc phải vào cung để làm người hầu kẻ hạ, kiếm miếng cơm sống qua ngày.
Cuộc chiến giữa hai phe Cẩm Y Vệ (thị vệ) và Đông Xưởng (thái giám) đã từng tạo nên những cơn sóng ngầm kéo dài gần 2 thế kỷ thời nhà Minh. (Ảnh minh họa).
Không khó để nhận ra rằng, thị vệ là chức quan vô cùng béo bở. Việc được ngày ngày kề cận bên Hoàng đế mang đến cho họ nhiều bổng lộc và cơ hội thăng tiến.
Thời xưa, gia đình nào có con trai được làm thị vệ đều cho đó là sự may mắn. Thậm chí, nếu hậu duệ của họ được thăng chức Ngự tiền thị vệ, tại phủ đệ sẽ treo bảng bố cáo thiên hạ, lấy đó là vinh dự.
Vì vậy, tầng lớp thị vệ không chỉ là một chức quan thông thường làm nhiệm vụ canh gác, bảo vệ như chúng ta thường nghĩ, mà địa vị của họ trong xã hội thời xưa tương đối cao.
Mặc dù đều xuất thân là đàn ông, đều làm việc trong cung cấm, nhưng số phận và cuộc đời của những con người ấy vốn dĩ đã khác xa so với tầng lớp thái giám, hoạn quan.