Ngoại giao không “mặc cả”: Cách tiếp cận mới của Mỹ với Triều Tiên có gì khác?

Phạm Hà |

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden khẳng định cách tiếp cận thực tế, có sự điều chỉnh, nhằm gây áp lực  buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua con đường ngoại giao, nhưng không tìm kiếm một cuộc “mặc cả” lớn với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: DW

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: DW

Trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình ABC News, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan ngày 2/5 khẳng định, mục tiêu cuối cùng trong chính sách của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên và Mỹ sẵn sàng hợp tác với Triều Tiên để thảo luận về các bước "thực tế" hướng tới phi hạt nhân hóa.

“Mỹ sẵn sàng tham gia vào các hoạt động ngoại giao để hướng tới mục tiêu cuối cùng là phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên điều này phải dựa trên các biện pháp thực tế giúp đạt được mục tiêu đó. Mỹ tin rằng một cách tiếp cận thực tế, có sự điều chỉnh là cơ hội tốt nhất để giảm thách thức trong chương trình hạt nhân Triều Tiên”, ông Sullivan nói.

Cùng chung mục tiêu với các Tổng thống tiền nhiệm của Mỹ là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, nhưng cách tiếp cận chính sách mới của Tổng thống Joe Biden không đi theo công thức "kiên nhẫn chiến lược" như thời Tổng thống Barak Obama, hay tìm cách thỏa hiệp, “mặc cả có lợi” như thời chính quyền Donlad Trump. Cách tiếp cận mới được đánh giá là “sự kế thừa” và có điều chỉnh dựa trên thực tế.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ tìm cách từ từ phi hạt nhân hóa dựa trên nỗ lực và thiện chí của Triều Tiên, ví dụ mỗi sự nhượng bộ của Triều Tiên có thể đổi lại lệnh giảm nhẹ trừng phạt tương ứng.

Đánh giá về chính sách mới của Mỹ, Chuyên gia phân tích Park Won-gon của Trường đại học Ehwa, Hàn Quốc nhận định: “Phản ứng của Triều Tiên sau khi Mỹ công bố chính sách mới là yêu cầu Mỹ rút lại chính sách thù địch này trước, nhằm đạt được lợi thế. Nhưng theo quan điểm của tôi, dường như không có dấu hiệu cho thấy chính quyền Joe Biden sẽ rút lại bất kỳ chính sách thù địch nào”.

Một sự điều chỉnh khác được hiểu là Tổng thống Joe Biden sẽ ít tập trung vào việc phát triển mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Thay vào đó, Tổng thống Mỹ sẽ dành thời gian và nguồn lực nhiều hơn vào việc tham vấn với các đồng minh bao gồm Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây cũng lập trường được Tổng thống Joe Biden nhiều lần khẳng định.

“Đối với Iran và Triều Tiên, các chương trình hạt nhân đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Mỹ và thế giới. Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ với các đồng minh của mình để giải quyết các mối đe dọa do cả hai quốc gia này gây ra, thông qua ngoại giao cũng như sự răn đe nghiêm khắc”, Tổng thống Biden nhấn mạnh.

Hiện chưa rõ cách tiếp cận này của chính quyền Tổng thống Biden có giúp thực hiện hóa thành công mục tiêu phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên mà các Tổng thống Mỹ đặt ra lâu nay hay không. Tuy nhiên Triều Tiên đã ngay lập tức có những cảnh báo cứng rắn, với khẳng định Mỹ sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoài tầm kiểm soát trong tương lai gần, nếu tiếp cận với Triều Tiên theo quan điểm và lối suy nghĩ của Chiến tranh Lạnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại