*Bài viết là quan điểm của Nouriel Roubini - giáo sư tại trường Đại học NYU Stern. Ông là CEO của Roubini Macro Associates, chuyên gia kinh tế cấp cao về các vấn đề quốc tế trong Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng trong chính quyền của Tổng thống Clinton. Ông làm việc cho IMF, Fed và WB.
Theo Roubini, có 3 "cơn sốc" cung có thể thổi bùng "ngọn lửa" suy thoái toàn cầu xảy ra vào năm 2020. Tất cả đều phản ánh những yếu tố chính trị ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế, 2 yếu tố liên quan đến Trung Quốc và Mỹ là trung tâm của 2 yếu tố ấy. Hơn nữa, không yếu tố nào trong đó lại tuân theo các công cụ truyền thống của chính sách kinh tế vĩ mô ngược chu kỳ.
"Cú sốc" đầu tiên có thể xảy ra bắt nguồn từ mâu thuẫn tương mại và cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang khi 2 nước liên tiếp tuyên bố thuế quan bổ sung đáp trả nhau và Mỹ gán mác thao túng tiền tệ cho Trung Quốc hồi đầu tháng này.
Yếu tố thứ hai liên quan đến cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong một cuộc cạnh tranh có đầy đủ đặc điểm của "Bẫy Thucydides", Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh từng bước nhằm vươn lên vị trí dẫn đầu trong các ngành công nghiệp của tương lai như AI, robot hay công nghệ 5G...
Cuối cùng, đó là rủi ro liên quan đến nguồn cung dầu. Dù nhìn chung giá dầu đã giảm trong những tuần gần đây và mầm mống của sự suy thoái đến từ chiến tranh thương mại, tiền tệ và công nghệ đã khiến nhu cầu năng lượng sụt giảm và đẩy mức giá xuống thấp hơn, thì cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể gây tác động ngược lại. Nếu cuộc xung đột đó leo thang thành mâu thuẫn về quân sự, giá dầu hoàn toàn có thể tăng một cách đột biến và cuộc suy thoái sẽ diễn ra như các cuộc xung đột ở Trung Đông trước đây vào năm 1973, 1979 và 1990.
Tất cả 3 yếu tố này sẽ gây ra tác động trầm trọng, làm tăng mức giá của hàng tiêu dùng nhập khẩu, đầu vào trung gian, linh kiện công nghệ và năng lượng, đồng thời sản lượng cũng sụt giảm bởi chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ. Tồi tệ hơn, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc hiện tại đã châm ngòi cho tình trạng phản toàn cầu hóa ngày càng lan rộng hơn, bởi các quốc gia và các công ty không còn tin tưởng vào sự ổn định lâu dài của những chuỗi giá trị tích hợp này. Khi thương mại hàng hoá, dịch vụ, nguồn vốn, lao động, thông tin, dữ liệu và công nghệ ngày càng bị phân tách, thì chi phí sản xuất toàn cầu trong tất cả các ngành công nghiệp sẽ tăng lên.
Ngoài ra, cuộc chiến thương mại và tiền tệ, cùng sự cạnh tranh về công nghệ sẽ gây ảnh hưởng khuếch đại lẫn nhau. Có thể nhìn vào trường hợp của Huawei, hiện đang là công ty hàng đầu thế giới về thiết bị 5G. Công nghệ này sẽ sớm trở thành hình thức kết nối tiêu chuẩn cho hầu hết cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự quan trọng, chưa kể đến hàng hóa tiêu dùng cơ bản được kết nối thông qua IoT. Sự xuất hiện của chip 5G mang ý nghĩa rằng mọi thứ từ máy nướng bánh mì đến máy pha cafe có đều có thể trở thành một thiết bị nghe. Điều này có nghĩa là nếu Huawei bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia, thì hàng ngàn mặt hàng tiêu dùng xuất khẩu của Quốc cũng như vậy.
Thật dễ dàng để tưởng tượng cục diện của ngày hôm nay sẽ dẫn đến sự bùng nổ toàn diện của hệ thống thương mại toàn cầu mở cửa như thế nào. Bởi vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà hoạch định chính sách tài chính có chuẩn bị cho một cơn sốc cung bất lợi kéo dài, hoặc thậm chí là vĩnh viễn, hay không.
Sau những cú sốc lạm phát trong những năm 1970, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đã ứng phó bằng cách thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, ngày nay, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã theo đuổi việc nới lỏng chính sách tiền tệ, bởi lạm phát và dự đoán về lạm phát vẫn ở mức thấp. Bất kỳ áp lực lạm phát nào đến từ cú sốc" dầu mỏ sẽ được các NHTW nhìn nhận chỉ là một hiệu ứng của mức giá, chứ không phải lạm phát gia tăng liên tục.
Theo thời gian, những cơn sốc cung bất lợi cũng có xu hướng trở thành cơn sốc cầu - nguồn cơn khiến tăng trưởng và lạm phát giảm tốc, bởi tình trạng này sẽ khiến chi tiêu tiêu dùng và vốn sụt giảm. Thật vậy, ở điều kiện hiện tại, chi tiêu vốn của Mỹ và công ty toàn cầu đang sụt giảm nghiêm trọng, do sự không chắc chắn về khả năng, mức độ nghiêm trọng và sự tồn tại của 3 "cú shock" này.
Trên thực tế, các công ty ở Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và những khu vực khác ở châu Á "thống trị" mức độ chi tiêu vốn, ngành công nghệ, sản xuất và công nghiệp toàn cầu đã rơi vào tình trạng suy thoái. Lý do duy nhất tại sao điều đó chưa biến chuyển thành tình trạng suy thoái toàn cầu đó là tiêu dùng tư nhân vẫn mạnh. Nếu giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao hơn do bất kỳ cơn sốc cung bất lợi nào ở đây, thì tăng trưởng thu nhập hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng, cũng như niềm tin người tiêu dùng. Và từ đó nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái.
Khi cơn sốc cầu bất lợi ngắn hạn có thể xảy ra, thì các NHTW có quyền hạ lãi suất. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách tài khóa cũng nên chuẩn bị biện pháp ứng phó ngắn hạn tương tự. Tăng trưởng và tổng cầu sụt giảm mạnh sẽ đòi hỏi chính sách tài chính theo chu kỳ được nới lỏng, để ngăn chặn suy thoái kinh tế có khả năng biến chuyển quá nghiêm trọng.
Dẫu vậy, về trung hạn, phản ứng tối ưu sẽ không phù hợp với những cơn sốc cung bất lợi, tốt hơn là nên điều chỉnh chính sách mà không cần nới lỏng thêm. Cuối cùng, những cơn sốc cung bất lợi từ chiến tranh thương mại và công nghệ sẽ ít nhiều vẫn ẩn hiện ở đây, cũng như tình trạng tăng trưởng tiềm năng sụt giảm. Điều tương tự cũng sẽ thấy ở Brexit: rời EU sẽ khiến nước Anh đối mặt với cơn sốc cung bất lợi, và do đó tăng trưởng tiềm năng cũng suy giảm vĩnh viễn.
Những cú sốc này không thể được đảo ngược thông qua hoạch định chính sách tiền tệ hoặc tài chính. Dù chúng có thể được kiểm soát trong một thời gian ngắn, nhưng những nỗ lực để điều chỉnh vĩnh viễn cuối cùng sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát và dự báo về lạm phát tăng cao so với mục tiêu của các NHTW. Ở những năm 1970, các NHTW gặp phải 2 cú sốc lớn về dầu mỏ. Kết quả là lạm phát và dự báo lạm phát, thâm hụt tài khóa không bền vững và nợ công liên tiếp leo thang.
Cuối cùng là, giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và những cơn sốc cung bất lợi có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu ngày nay có một sự khác biệt quan trọng. Bởi cuộc khủng hoảng trước đây chủ yếu là một cơn sốc tổng cầu bất lợi lớn khiến tăng trưởng và lạm phát tụt dốc, nên các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ có hiệu quả. Nhưng ở lần này, thế giới sẽ phải đối mặt với cơn sốc cung bất lợi, đòi hỏi một loạt chính sách ứng phó rất khác trong thời gian trung hạn. Nỗ lực bù đắp thiệt hại thông qua kích thích tài khóa và tiền tệ không ngừng sẽ không phải là một lựa chọn hợp lý.