Nhóm G-7 cam kết 'thương mại công bằng': Thông điệp gửi cho Trung Quốc?

Hoàng Vũ |

Các lãnh đạo Nhóm G-7 đã ra tuyên bố chung cam kết thương mại công bằng, vốn là một thuật ngữ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên sử dụng trong chiến dịch tái cân bằng các mối quan hệ thương mại toàn cầu của Mỹ.

Các lãnh đạo Nhóm G-7 đã ra tuyên bố chung cam kết thương mại công bằng, vốn là một thuật ngữ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên sử dụng trong chiến dịch tái cân bằng các mối quan hệ thương mại toàn cầu của Mỹ.

Hội nghị Thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G-7) đã khép lại tại Biarritz, (Pháp) hôm 26.8 bằng tuyên bố chung. Theo đó, nhấn mạnh “sự đoàn kết tuyệt vời” giữa các nhà lãnh đạo G-7 và thể hiện cam kết của họ đối với “thương mại cởi mở công bằng và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu”.

Tuyên bố nói rằng G-7 muốn thay đổi đáng kể Tổ chức Thương mại Thế giới để tổ chức này hiệu quả hơn trong hoạt động bảo vệ sở hữu trí tuệ, giải quyết tranh chấp nhanh hơn và xóa bỏ các hoạt động thương mại không công bằng.

Đại diện cho G-7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công bố tuyên bố chung vài giờ sau khi Tổng thống Trump tiết lộ Trung Quốc rất mong muốn đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thông điệp từ Bắc Kinh được đưa ra chỉ một ngày sau khi Nhà Trắng nói rằng ông Trump lấy làm tiếc đã không tăng thuế cao hơn lên hàng hóa Trung Quốc. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc thi hành các hành vi thương mại bất công và đã áp đặt thuế quan để ép Trung Quốc đồng ý một thỏa thuận công bằng.

Nhà nghiên cứu tại Viện Davis về An ninh Quốc gia và Chính sách Đối Ngoại thuộc Quỹ Di sản (có trụ sở tại Mỹ), ông James Roberts cho hay: “Về mặt cá nhân, tôi thực sự tin rằng các lãnh đạo khác trong nhóm G7 rất biết ơn khi Mỹ một lần nữa đảm nhiệm vai trò dẫn đầu. Tuyên bố chung này đã thừa nhận một số tính hợp pháp quan điểm của ông Donald Trump trong thương mại là tốt”.

Hiện hai nên kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang bị khóa chặt trong một cuộc thương chiến kéo dài kể từ tháng 6 năm 2018 sau khi Tổng thống Trump tuyên bố đánh thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Kể từ đó, hai nước đã đưa ra nhiều đợt áp trả thuế "ăn miếng trả miếng".

Viết trên mạng xã hội Twitter ngày 23.8, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay: “Đáng buồn thay, các chính quyền Mỹ trước đó đã cho phép Trung Quốc vượt xa thương mại công bằng và cân bằng đến nỗi nó đã trở thành gánh nặng lớn cho người nộp thuế Mỹ. Với cương vị là tổng thống, tôi không thể cho phép điều này xảy ra thêm nữa. Với tinh thần đạt được thương mại công bằng, chúng ta phải cân bằng mối quan hệ thương mại rất không công bằng này”.

Ông Trump hôm 26.8, cũng lưu ý rằng Mỹ hoặc là đang thảo luận, đàm phán hoặc là đang hoàn tất được các thỏa thuận thương mại với nhiều đồng minh quan trọng, bao gồm Canada, Mexico, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU).

Trước đó một ngày, theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một thỏa thuận về mặt nguyên tắc của hiệp định thương mại Mỹ – Nhật. Thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ có ảnh hưởng tích cực tới khoảng một nửa số hàng nông sản Mỹ xuất khẩu sang Nhật Bản. Thỏa thuận này cũng sẽ tác động tới thuế quan công nghiệp và thương mại kỹ thuật số.

Tổng thống Trump cũng thông báo Mỹ đang đàm phán hiệp định thương mại với EU và đang gần phê chuẩn Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA), một thỏa thuận thương mại thay thế cho Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nhờ Hội nghị thượng đỉnh G-7 lần này để thảo luận với tân Thủ tướng Anh Boris Johnson về một thỏa thuận thương mại song phương Mỹ - Anh thời hậu Brexit.

“Khi chúng ta hoàn thành các thỏa thuận này, đất nước của chúng ta sẽ chuyển đổi. Ý tôi là, nó sẽ được chuyển đổi thành tiền. Nó sẽ là sự khác biệt đối với các thỏa thuận một chiều tồi tệ, khủng khiếp mà chúng ta từng ký kết trong quá khứ. Và, thành thật mà nói, các chính quyền trước đây nên tự xấu hổ vì cho phép điều đó xảy ra”, ông Trump nói.

Ngoài ra ông Trump cũng nói ông là “người được chọn” để đối đầu với Trung Quốc trong cuộc thương chiến đang diễn ra sau khi các người tiền nhiệm của ông đã không chịu đảm nhận nhiệm vụ này, và ngụ ý rằng vận mệnh của ông là phải chiến đấu với Bắc Kinh.

Ông Trump tiếp tục chỉ trích các tổng thống Mỹ trước đó đã thất bại trong việc đối đầu với Trung Quốc về thương mại và cho rằng điều này đã vô tình tạo ra sự lớn mạnh của Trung Quốc, khiến Mỹ chịu thiệt hại hàng trăm tỉ USD mỗi năm.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng nói rằng ông phải đối đầu với Trung Quốc trong thương mại ngay cả khi điều này gây tác hại ngắn hạn cho nền kinh tế Mỹ vì Bắc Kinh đã lừa dối Washington trong nhiều thập kỷ.

Theo ông James Roberts, việc ông Trump làm sáng tỏ được các vấn đề thương mại với các đồng minh có thể giúp truyền đi thông điệp cứng rắn tới Trung Quốc rằng Mỹ có một mặt trận thống nhất với các lãnh đạo G-7.

Được biết, nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới được thành lập vào những năm 1970 một phần là để chống đỡ mối đe dọa từ Liên Xô, đồng thời đảm bảo rằng các nước dân chủ có thể giao thương công bằng và thịnh vượng.

“Ngay bây giờ, tất cả chúng ta đang đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc, vì vậy G-7 đã chứng minh rằng nhóm này vẫn có liên quan”, ông Roberts nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại