Sự kiện khá kỳ quặc này được tổ chức tại một quán rượu ở địa phương và đòi hỏi các thí sinh thể hiện được rõ nét con chim hải âu bên trong mình, cả về tiếng kêu lẫn hình thể.
Mặc dù trọng tâm của cuộc thi là cách tái tạo lại âm thanh của chim hải âu, với điểm số tối đa 15 dành cho màn giả tiếng kêu giống nhất, các thí sinh cũng có thể nhận được tối đa 5 điểm nữa nếu có màn trình diễn phù hợp.
Một số người chỉ vẫy vẫy hai cánh tay để bắt chước một con hải âu đang đập cánh, số khác thì đeo đạo cụ hình mỏ hải âu lên đầu, và một số ít thì mặc hẳn một bộ đồ hóa trang hải âu để gây ấn tượng với ban giám khảo.
Nghe có vẻ ngớ ngẩn, nhưng thực ra giải vô địch giả tiếng hải âu lại có một mục tiêu hết sức nghiêm túc.
Ý tưởng mở một cuộc thi giả tiếng hải âu đã được đưa ra cách đây vài năm. Nhiều người ở tỉnh duyên hải West Flanders đã phàn nàn về sự phiền toái do những con hải âu gây ra.
Từ ăn cướp bánh sandwich hay kem từ tay người dân đang đi dạo trên bờ đê, dùng mỏ lục lọi các túi rác, tới "thả bom" làm bẩn đường phố, chim hải âu đã tạo ấn tượng xấu về chúng.
Vì thế, những người yêu mến loài chim này đã quyết định tìm ra một cách để khắc họa hình ảnh tích cực và vui vẻ hơn về chúng. Đó là lý do mà giải vô địch này ra đời.
"Mọi người cùng hợp sức để tạo ra màn giả tiếng chim hải âu giống nhất - nghe có vẻ khá ngớ ngẩn, nhưng đó là khoa học đích thực," Jan Seys, một nhà khoa học thuộc Viện Hải dương Flanders kiêm một thành viên ban giám khảo cho biết.
"Trước khi có thể thực sự bắt chước một con hải âu, bạn phải quan sát loài chim này thật kỹ. Nếu không, bạn sẽ chẳng bao giờ lột tả được hình ảnh của chúng.”
Sự cạnh tranh trong giải vô địch đầu tiên này là hết sức gay cấn. Các thí sinh đều hết mình cho màn trình diễn của họ, mô phỏng những phong cách rú rít khác nhau của chim hải âu, và làm khán giả bật cười với những điệu bộ bắt chước của mình.
Chung cuộc, Reggy Laatsch, 31 tuổi, tới từ Amsterdam và Bregje Iding, 21 tuổi, tới từ Hasselt, Bỉ là những người chiến thắng cuộc thi này.