Nghi vấn loài khủng long vẫn chưa tuyệt chủng? - Kỳ 2: Những vụ chứng kiến sự xuất hiện của khủng long

Minh Châu - Tuệ Anh |

Ngày nay liệu khủng long còn tồn tại không? Vấn đề này liệu có quá hoang đường?

Thực ra, hầu hết các nhà khoa học và cả những kiến thức chúng ta tiếp cận đều tin rằng loài động vật bò sát to lớn này đã bị diệt chủng từ 65 triệu năm trước đây. Nhưng liệu có phải như vậy?

Nghi vấn loài khủng long vẫn chưa tuyệt chủng? - Kỳ 2: Những vụ chứng kiến sự xuất hiện của khủng long - Ảnh 1.

Một số vết chân loài động vật lạ được tìm thấy tại châu Phi.

Những sự chứng kiến

Nếu như nói rằng khủng long có thể đang tồn tại trên lục địa châu Phi và Nam Mỹ thì còn có thể có chút đáng tin, còn nói chúng đang tồn tại ở nước Mỹ và châu Âu thì chắc chẳng ai tin là có thể như vậy được. Ấy vậy mà vẫn có không ít các báo cáo về chuyện này lại từ chính hai nơi đó chuyển đến.

Trên tạp chí xuất bản ngày 22/8/1982 có đăng một bức thư của Snow, người bang Colorado. Bức thư viết rằng, năm 1935, khi 3 tuổi, bà ta đã nhìn thấy “5 con khủng long bé” ở gần vùng quê của bà. Vài tháng sau, do một con trong số đó cắn chết cừu của một người nông dân, nên ông này đã bắn chết nó.

“Sáng sớm hôm sau, ông nội dẫn chúng tôi đi xem con khủng long đó. Nó cao khoảng 2m, màu xám, đầu như đầu rắn, chi trước ngắn có móng vuốt sắc, chi sau to, đuôi dài”.

Nghi vấn loài khủng long vẫn chưa tuyệt chủng? - Kỳ 2: Những vụ chứng kiến sự xuất hiện của khủng long - Ảnh 2.

Liệu có hay không khủng long ở châu Phi hay là loài cá sấu khổng lồ?

Bà Snow đã hai lần nhìn thấy con vật đó. Năm 1937, bà ta phát hiện ra khủng long trong một hang đá, nhưng lần này con vật có màu xanh đậm. Tối 23/10/1978, trời mưa rất to, bà lại nhìn thấy con khủng long đang đi trong vùng đất hoang ở ngay gần chỗ mà bà đã thấy khủng long vào năm 1937.

Một vụ khác xảy ra năm 1934, một người nông dân bang Nam Dakota nói rằng, một con vật thuộc loài bò sát rất to lớn có 4 chân đã buộc ông ta phải rời chiếc máy kéo của mình khỏi mặt đường. Rồi nó biến mất trong hồ nước cạnh đó. Các nhà điều tra đã nhìn thấy những vết chân khổng lồ để lại và trước khi xảy ra vụ việc, nhiều loài gia súc như cừu, dê đã bị mất tích.

Một người Tây Ba Nha báo cáo, vào tháng 12/1970, ông ta đã bị “một loài động vật bò sát” dài 8m tấn công tại Frolis, trông nó như loài khủng long.

Loài động vật Mokeli Mobi Mobi

Cụm từ “Mokeli Mobi Mobi “ là ngôn ngữ của một vùng ở Zaire có nghĩa là “vật chặn cắt ngang dòng sông”. Những câu chuyện thần kỳ về nó đã được lưu truyền từ rất sớm (ngay từ năm 1776).

Trong những cuốn sách viết về chủ đề người châu Âu đã cố gắng như thế nào để truyền giáo vào châu Phi cũng có cả những ghi chép về loài động vật này. Các nhà truyền giáo đã phát hiện nhiều vết chần trong rừng “tuy không rõ ràng nhưng nhất định là của một con vật rất to lớn”. Đường kính vết chân đo được tới 1m!

Bước vào thế kỷ XX, Hugh Wimaski, người sáng lập ra Hội động vật học bí ẩn đã chỉ ra rằng, con vật để lại dấu chân lớn như vậy ít nhất phải to như con hà mã hoặc con voi lớn.

Hagien Bolt, nhà thu thập tiêu bản động vật nổi tiếng thế giới là người đầu tiên làm cho công chúng chú ý tới loài vật này.

Trong cuốn sách “Thú và người” xuất bản năm 1909 của mình, ông đã ghi lại việc tìm hiểu loài vật này như thế nào. Trong một lần thám hiểm, một thành viên người Anh đã kể cho ông nghe chuyện có một loài vật “nửa voi nửa khủng long” đang sống ở Trung Phi.

Trước đó, ông đã được một nhà tự nhiên học nói về loài vật này theo lời kể của một thổ dân địa phương. Ông cho rằng, con vật này nghe ra có thể “là một loài khủng long, một họ hàng của loài thằn lằn sấm”.

Ông rất hứng thú với những thông tin này nên đã cử một tổ thám hiểm đến những nơi mà các báo cáo nói có loài vật kia xuất hiện. Nhưng do bệnh tật và lòng thù hận của thổ dân địa phương, nên họ không thể đến nơi đã định được, cuộc thám hiểm phải hủy bỏ.

Một thành viên trong đoàn nói với ông rằng, ông ta cảm thấy rất lạ là tại sao ở vùng này (nay là Dambia) lại không hề phát hiện ra một con hà mã nào cả. Người dẫn đường cho họ giải thích rằng trong hồ đầm ở đây có một loài quái vật sinh sống, chính loài này đã giết chết hết hà mã.

Những sự kiện này đã gây ra những ảnh hưởng trái ngược rất lớn ở châu Phi, châu Âu và Mỹ. Báo chí liên tục đưa tin về nhũng chuyện như vậy, mọi người có đủ các thái độ từ nghi ngờ đến hứng thú với chuyện này.

Năm 1911, một quan chức thực dân của Bắc Rhodesia tên là Melande đã phát biểu trên một tạp chí địa lý rằng: “Những động vật được người ta coi là thằn lằn sấm hay một loài khủng long nào đó nghe nói sống trong các hồ nước, nhưng bản thân tôi lại chưa nghe được tin gì về chúng cả”.

Năm 1913, chính phủ Đức cử viên Thượng úy Juylinis dẫn quân tới vùng gần biên giới của Congo để tiến hành công tác đo đạc. Trong báo cáo chính thức phải mấy năm sau mới được công bố, ông có nhắc tới một vùng hạ lưu của ba con sông thuộc Congo mà rất nhiều người nói ở đó có loài vật Mokeli Mobi Mobi.

Viên thượng úy này viết: “Nghe nói con vật này cơ thể màu nâu nhạt da bóng loáng, đầu như đầu hà mã hoặc con voi to. Nó có một chiếc cổ dài rất linh hoạt. Một số người khác nói chúng có một cái đuôi rất khỏe và dài giống như đuôi cá sấu.

Đã có vài chiếc thuyền độc mộc nhỏ định đến gần nó nhưng đều bị nó tiêu diệt. Con quái vật tấn công con thuyền ngay, giết chết hết mọi người nhưng không ăn thịt ai cả”.

Một thành viên bổ sung: “Nghe nói con quái vật sống ở chỗ nước chảy xiết và ban ngày chúng bò lên bờ tìm thức ăn, chúng chỉ ăn thực vật. Dân địa phương cho biết, loài cây mà chúng thưởng ăn là một loài dây leo, hoa to màu trắng, có nhiều nhựa trắng như sữa, khi thành quả giống như quả táo vậy”.

Ở cạnh dòng sông Somme, dân địa phương chỉ vào một con đường nhỏ và nói rằng “đó là do con vật đi kiếm ăn tạo ra”. Con đường này hoàn toàn mới, bên cạnh quả thực mọc rất nhiều loài cây kể trên. Do có quá nhiều vết chân để lại trên đường nên họ không thể nhận ra đâu là dấu chân của con vật.

Trong vòng 20 năm sau, người ta đã từng cử vài đội đi định tiêu diệt loài thằn lằn sấm, nhưng chẳng có kết quả gì. Trong một lần thám hiểm vào năm 1938, một nhà thám hiểm người Đức đã thu thập được rất nhiều báo cáo về loài vật nói trên nhưng trong một lần bị tấn công, toàn bộ tài liệu này đã bị mất sạch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại