Ngày 6/8, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã có một cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 50 tại Manila.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (trong đó Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên thường trực có quyền phủ quyết quan trọng), vừa đồng thuận thông qua Nghị quyết 2371, áp đặt các biện pháp trừng phạt nặng nề lên Triều Tiên.
Theo SCMP, sau khi cuộc họp kín giữa hai ngoại trưởng Trung Quốc - Triều Tiên kết thúc, ông Vương Nghị trả lời báo chí rằng họ đã có một "cuộc thảo luận sâu sắc".
"Trung Quốc kêu gọi Triều Tiên bình tĩnh đón nhận nghị quyết trừng phạt mới của LHQ, có các quyết định "thông minh, sáng suốt", không có hành động vi phạm nghị quyết này trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang phản đối mạnh mẽ việc Triều Tiên thử tên lửa hoặc [có thể trong giai đoạn] chuẩn bị thử hạt nhân", ông Vương Nghị cho biết.
"Tất nhiên, chúng tôi cũng kêu gọi các bên khác, đặc biệt là Mỹ và Hàn Quốc, không làm căng thẳng trong khu vực leo thang", Ngoại trưởng Trung Quốc nói, "Tình hình bán đảo Triều Tiên đã tiến đến thời điểm bước ngoặt để các bên liên quan tiến tới quyết định quay trở lại đàm phán [sáu bên]".
Ngoại trưởng Vương Nghị miêu tả đàm phán sáu bên là một cách để "nhấn mạnh việc sử dụng các phương tiện chính trị ngoại giao để giải quyết vấn đề hạt nhân của bán đảo Triều Tiên một cách hòa bình".
Theo Reuters, cả hai ngoại trưởng của Trung Quốc và Triều Tiên đều dường như đều có tâm trạng, tinh thần khá tốt khi bắt đầu cuộc gặp mặt nói trên.
Ngoại trưởng Ri Yong-ho liên tục mỉm cười khi bắt tay Ngoại trưởng Vương Nghị. Ông Vương Nghị còn thân mật đặt tay lên vai người đồng cấp Triều Tiên khi họ cùng nhau bước vào phòng họp.
Trước đó, ông Vương Nghị phát biểu rằng vấn đều Triều Tiên đã tiến tới một "điểm quan trọng" sau khi LHQ thông qua nghị quyết trừng phạt nước này.
Nghị quyết 2371, theo ông Vương Nghị, là cần thiết để kết thúc chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Ông Nghị phát biểu rằng Trung Quốc đã có vai trò mang tính "trách nhiệm và xây dựng" trong việc thông qua nghị quyết trừng phạt này, và đó là một "phản ứng cần thiết" trước việc Triều Tiên vi phạm các nghị quyết trước đó của LHQ và liên tiếp thử tên lửa.
Trong khi đó, theo Yonhap, Nghị quyết 2371 trừng phạt Triều Tiên của LHQ tuy đã ngăn chặn Triều Tiên xuất khẩu các khoáng sản chủ yếu, gây thiệt hại 1/3 doanh thu từ xuất khẩu hàng năm của nước này, nhưng lại không có điều khoản nào liên quan tới việc cấm các nước xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên – trong khi một lệnh cấm như vậy được cho là sẽ có hiệu quả cực kỳ lớn trong việc gây khó khăn cho Bình Nhưỡng.
Một số học giả Hàn Quốc còn đánh giá rằng Nghị quyết 2371 dường như đã được sắp xếp để "giữ thể diện" cho cả Mỹ và Trung Quốc, và việc thiếu vắng điều khoản trừng phạt về nguồn cung dầu thô cho Bình Nhưỡng là một điều đáng tiếc.
Theo các học giả phía Hàn Quốc, khi Triều Tiên không bị trừng phạt bằng cách đánh vào việc nhập khẩu dầu thô thì hệ quả sẽ là: Nghị quyết trừng phạt này cuối cùng có thành công hay không lại phụ thuộc chủ yếu vào việc thực thi của Trung Quốc và Nga.