Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được

Minh Nhật |

Thổi lửa là một trong những màn biểu diễn điều khiển lửa cực kỳ nguy hiểm.

Mưa rơi lất phất bên ngoài Green Elephant, một quán bar bình dân nhỏ gần Đại học Southern Methodist, thành phố Dallas, bang Texas (Mỹ), khi Draco Pendragon bước lên sân khấu. Ông vận bộ trang phục như người chỉ đạo biểu diễn xiếc, quần da màu đen, đội mũ lưỡi trai, đồng thời cầm một chiếc roi có thể tóe ra lửa khi quất vào không khí.

Ông mở miệng thổi và một đám lửa phun ra. Pendragon sử dụng miệng của mình để điều chỉnh dòng chất lỏng dễ cháy, tạo ra màn thổi lửa đầy vẻ kỳ diệu.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 1.

Patrick Thomas và Jo England thực hiện màn trình diễn thổi lửa.

Tên thật của Pendragon là Patrick Thomas, nhưng những người bạn biểu diễn gọi ông là Papa Dragon.

Pendragon là nghệ sĩ thổi lửa từ những năm 1980. Ông đã từ giã sân khấu được một thời gian, đến năm 2013 thì nhận được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vòm họng giai đoạn 4. Cân nặng của ông giảm mạnh và răng bị rụng. Pendragon nói rằng cổ họng của ông không còn như người bình thường nữa. Các bác sĩ thẳng thắn nói với Pendragon rằng ông sẽ không bao giờ được thổi lửa nữa.

Câu chuyện của Pendragon chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp chịu tổn thương to lớn vì thứ nghề mua vui cho thiên hạ này.

Người ta có câu: "Đừng đùa với lửa!". Đó hẳn là một câu răn dạy có cơ sở. Bởi chơi đùa với lửa không phải lúc nào cũng có kết quả tốt đẹp. Bất chấp những mối nguy hiểm kèm theo, nhiều người vẫn say mê những trò ảo thuật liên quan đến lửa để mua vui cho người khác. Một trong số đó là trò thổi lửa.

Ngồi trên con phố tấp nập, nhấm nháp ly cà phê hay cốc bia hơi mát rượi, người ta sẽ thêm phần khoan khoái, phấn khích nếu được đã mắt với màn trình diễn uống xăng phun lửa đầy ngoạn mục và có vẻ kỳ diệu. Để rồi sẵn sàng rút ví ra ủng hộ cho người biểu diễn vài đồng khích lệ.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 2.

Nữ nghệ sĩ biểu diễn xiếc đường phố khẳng định: “Chỉ cần bạn làm sai một thao tác, màn trình diễn sẽ thất bại và không chỉ làm tổn thương chính bạn mà cả khán giả".

Nhưng cái chính là vài đồng bạc khích lệ ấy sẽ khó có thể cứu vãn được tổn thương về sức khỏe cho người biểu diễn hoặc thậm chí cả người xem nếu chẳng may có tình huống xấu xảy ra.

Có thể bạn đã từng được tận mắt chứng kiến những người sử dụng kỹ năng của mình để "xử lý lửa" mua vui cho người xem bởi nó là loại hình xiếc giải trí đã có mặt ở nhiều quốc gia. Nhưng ít ai biết đến nguồn gốc và lịch sử của nó, cũng như những mối nguy hiểm tiềm ẩn mà có lẽ chỉ những người hành nghề mới thấu được.

Nghệ thuật trình diễn thổi lửa

Thổi lửa có nghĩa là người biểu diễn phun một lượng nhiên liệu vào nguồn lửa (thường là ngọn đuốc) và để nhiên liệu bốc cháy khi phun vào không khí, tạo ảo giác về một luồng lửa bay ra từ miệng, tái hiện cảnh tượng rồng phun lửa.

Lịch sử của môn nghệ thuật biểu diễn này được cho là bắt nguồn từ việc thổi lửa để sản xuất rượu ở Ba Tư cổ đại, thậm chí có từ trước cả Ai Cập cổ đại.

Nó gồm 2 phần, nhiên liệu và nguồn lửa. Thổi lửa nghe có vẻ đơn giản nhưng đó thực sự là một động tác rất phức tạp mà những người chưa được đào tạo tuyệt đối KHÔNG NÊN THỬ.

Nếu hỏi bất kỳ nghệ sĩ biểu diễn với lửa nào, họ sẽ nói với bạn rằng đó là môn nghệ thuật nguy hiểm NHẤT cho người biểu diễn và gây ra vô số vết thương do bỏng, thậm chí tử vong.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 3.

Điều đầu tiên mà một người thổi lửa phải làm là chọn nhiên liệu và nguồn lửa. Điều rất quan trọng là chọn đúng loại vì một số nhiên liệu có thể độc hại và gây ung thư.

Ngoài ra, mỗi loại nhiên liệu có một điểm chớp cháy khác nhau, nghĩa là nhiệt độ thấp nhất mà nhiên liệu bắt cháy. Đối với mục đích thổi lửa, nhiên liệu có điểm chớp cháy cao hơn sẽ an toàn hơn nhiên liệu có điểm chớp cháy thấp hơn, có thể bắt lửa nhanh hơn, có khả năng cho phép ngọn lửa lan vào miệng.

Ngoài ra còn một số yếu tố khác khi chọn nhiên liệu bao gồm hương vị, mùi, màu sắc của ngọn lửa, tầm nhìn của ngọn lửa, độ dày của khói và lượng khói.

Một loại nhiên liệu rất phổ biến được sử dụng là dầu hỏa, chủ yếu là do điểm chớp cháy cao khiến nó trở thành một trong những loại nhiên liệu an toàn nhất.

- Paraffin, còn được gọi là dầu đèn, cũng là nguồn nhiên liệu thường được ưa chuộng do có điểm chớp cháy cao.

- Các nhiên liệu như naphtha, butan và propan (tất cả các chất lỏng nhẹ hơn rất phổ biến) nguy hiểm hơn vì điểm chớp cháy thấp, cũng như tác động gây ung thư của chúng.

- Rượu cũng nên tránh vì độc tính, điểm chớp cháy thấp và khả năng gây say có thể ức chế sự tập trung trong khi biểu diễn.

- Ethanol có thể gây say chỉ bằng cách hấp thụ, nghĩa là không cần qua đường uống.

- Methanol là một "lựa chọn tồi" vì độc tính cao, có thể gây mù lòa và rối loạn thần kinh.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 4.

Đối với nguồn lửa, hầu hết những người biểu diễn đều tránh xa bật lửa và diêm vì chúng quá nhỏ và quá gần cơ thể. Nguồn lửa được sử dụng phổ biến nhất là đèn khò, với đèn khò kim loại là an toàn nhất.

Nếu sử dụng đuốc thì việc buộc các ngọn đuốc là rất quan trọng, đặc biệt là bấc. Không nên làm bấc bằng bông, vải hoặc vải vụn vì chúng sẽ cháy khá nhanh.

Phần khó nhất của việc phun lửa là làm chủ được tính nhất quán của cách phun cũng như hướng. Nhiên liệu phải được phun ra dưới dạng phun sương để đốt cháy đúng cách. Nếu phun quá nhiều ồ ạt cùng lúc, nhiên liệu sẽ bốc cháy và rơi xuống đất. Nếu quá nhẹ, có thể khó đốt cháy nhiên liệu. Người phun phải đảm bảo rằng nhiên liệu được phun vừa phải để tăng diện tích bề mặt nhiên liệu và tạo ra tỷ lệ hoàn hảo giữa nhiên liệu, oxy và nhiệt gây cháy.

Hướng lý tưởng của nhiên liệu phun ra phải ở một góc từ 60 đến 80 độ. Quá thấp thì ngọn lửa có thể chạm vào các bộ phận cơ thể. Quá cao thì nó có thể rơi trở lại vào mặt.

Một số kỷ lục thổi lửa đáng chú ý nhất:

Ngọn lửa cao nhất từng được ghi nhận thuộc về Antonio Restive, một người Mỹ đã thổi cột lửa cao 8m tại một nhà kho ở Las Vegas vào ngày 11 tháng 1 năm 2011.

Giải thưởng cho nhiều ngọn lửa nhất được thổi trong 1 phút thuộc về Muad'dib, người thổi 85 ngọn lửa trong một chương trình truyền hình của Ý vào ngày 27 tháng 4 năm 2011.

Một trong những kỷ lục thổi lửa kỳ lạ nhất được thiết lập: Nhiều ngọn lửa nhất cùng được thổi tại Burning Man vào tháng 8 năm 2007, trong đó một lần thổi lửa được truyền liên tục đến 21 người khác.

Những bí mật nguy hiểm không phải ai cũng biết

Không ai muốn chơi đùa với lửa chỉ để vui cả và đối với Tan Yang Wei, 28 tuổi, người Malaysia, cũng vậy. Thực tế, thổi lửa là nguồn thu nhập của anh. Tan là một người thổi lửa và ăn lửa chuyên nghiệp. Anh giải thích rằng thổi lửa là hành động tạo ra một luồng lửa bằng cách phun ra một "làn sương" nhiên liệu chính xác từ miệng; còn ăn lửa là hành động đưa vật cháy vào miệng và dập tắt.

Để trở thành một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp, Tan cũng từng trải qua rất nhiều khổ luyện. Ban đầu, môi anh luôn bị phỏng. Nhưng theo thời gian, anh đã thành thạo các thao tác và giờ anh không còn bị phỏng môi nữa.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 5.

Tan là một người "thích chơi với lửa".

Tan thừa nhận rằng nghề của anh có yếu tố nguy hiểm, có thể dễ dàng bị thương và phải nhập viện cấp cứu. “Tôi đặt sự an toàn lên hàng đầu”, anh nói.

Mỗi lần Tan biểu diễn, trợ lý của anh phải túc trực bên cạnh bình cứu hỏa. "Cho đến nay tôi đã không phải sử dụng nó nữa rồi".

Tan luôn kiểm tra địa điểm nơi mình sẽ biểu diễn, vài giờ trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, để lên kế hoạch về kích thước của ngọn lửa tạo ra.

Anh nhớ lại một lần thổi lửa đã vô tình làm kích hoạt chuông báo cháy, và sở cứu hỏa phải cử người đến tắt nó đi.

Tan cũng nhớ một tai nạn nhỏ xảy ra khi mới vào nghề. “Sau khi màn trình diễn kết thúc, tôi ngửi thấy mùi gì đó khét”, anh nói. “Rồi tôi nhận ra mình đã bị cháy một phần tóc. Nhưng may mà không quá nghiêm trọng". Kể từ đó, anh đã cực kỳ cẩn thận để không lặp lại sai lầm.

Vì thổi lửa là một trong những môn nghệ thuật nguy hiểm nhất của rạp xiếc nên an toàn là điều quan trọng nhất.

Người thổi phải luôn có những người huấn luyện ở gần đó, để sẵn bình chữa cháy, khăn ẩm và chăn để dập lửa nếu có tình huống phát sinh. Những người thổi lửa cũng cần phải rất cẩn thận với môi trường xung quanh, đặc biệt nếu họ biểu diễn ngoài trời, vì sự thay đổi hướng gió có thể khiến ngọn lửa quay ngược vào mặt. Hiện tượng này được gọi là thổi ngược.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 6.

Họ cũng cần lưu ý về bất cứ thứ gì dễ cháy xung quanh bao gồm vật liệu, vải, cây cối, thực vật và tất nhiên là con người. Hơn nữa, người biểu diễn phải luôn buộc gọn tóc về phía sau và không được xức nước hoa, keo xịt tóc.

Đối với quần áo, tất cả đều phải là các loại vải thoáng khí, polyester và các chất tổng hợp khác cần tránh vì chúng có thể dễ dàng bị nóng chảy.

Nói chung, mặc càng ít quần áo càng tốt. Đó là lý do tại sao nhiều người biểu diễn để ngực trần hoặc trong trang phục ôm sát cơ thể.

Thổi lửa đi kèm với những rủi ro, nguy hiểm và ảnh hưởng.

Một số ảnh hưởng nhỏ bao gồm khô miệng hoặc bỏng rát miệng, nguyên nhân là do nhiên liệu bị giữ trong miệng trong thời gian dài. Điều này có thể tránh được bằng cách uống nhiều nước trước đó.

Da bị khô hoặc đỏ ửng cũng rất phổ biến, do dị ứng kích ứng với nhiên liệu, hoặc da tiếp xúc gần với lửa, gây phỏng nhẹ.

Một số tác động nghiêm trọng hơn bao gồm đau dạ dày hoặc buồn nôn do vô tình nuốt phải nhiên liệu, hoặc một lượng nhỏ nhiên liệu tràn xuống thực quản cùng nước bọt. Điều này có thể tránh được bằng cách uống các chất bổ sung trước đó bao gồm: thuốc kháng axit, viên nén than, sữa hoặc kem, hoặc tinh bột như bánh mì hoặc khoai tây (giúp hấp thụ nhiên liệu và thải ra khỏi cơ thể).

Nhức đầu, chóng mặt và các hiệu ứng say rượu khác cũng phổ biến do nuốt phải nhiên liệu. Trường hợp này nên được điều trị bằng các phương pháp điều trị mất nước tương tự: uống nhiều nước và chất điện giải. Cuối cùng, ho khan do hít phải khói hoặc sương nhiên liệu cũng thường xuyên xảy ra, nhưng sẽ giảm bớt bằng cách nghỉ biểu diễn kéo dài.

Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc thở ra lửa là ung thư miệng, phổi, cổ họng, thận hoặc thậm chí là gan. Việc ngậm một số loại nhiên liệu trong miệng kéo dài cũng có thể gây ra bệnh nướu răng hoặc men răng yếu đi. Ngộ độc nhiên liệu cũng có thể xảy ra. Nó dẫn đến tiêu chảy, nôn mửa, buồn nôn, run rẩy, đổ mồ hôi và mờ mắt.

Nghề thổi lửa mua vui cho thiên hạ: Khổ luyện vẫn khó tránh khỏi tai nạn, tổn thương lâu dài không ai có thể lường trước được - Ảnh 7.

Cuối cùng, mối nguy hiểm lớn nhất và rõ ràng nhất là bỏng, với những vết bỏng do lửa dội ngược vào mặt và các bộ phận cơ thể khác là chuyện rất thường xảy ra, và mức độ nghiêm trọng của vết bỏng từ nhẹ cấp độ 1 đến cấp độ 2 và 3 nghiêm trọng hơn, hoặc thậm chí tử vong.

Ngay cả khi bạn có thể tránh được tất cả những điều trên, thì vẫn có một mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn khi thổi lửa: hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS).

ARDS là tình trạng viêm mãn tính của nhu mô phổi, làm suy giảm khả năng trao đổi khí thích hợp. Khi nhiên liệu được hít vào, nó có thể bị mắc kẹt trong phế nang của phổi, đó là những túi khí nhỏ nơi diễn ra quá trình trao đổi oxy. Nếu điều đó xảy ra, cơ thể tin rằng nhiên liệu là một kẻ xâm lược giống như bất kỳ loại virus nào và các phản ứng miễn dịch sẽ bắt đầu. Huyết tương chứa đầy tế bào bạch cầu lấp đầy phế nang để tấn công nhiên liệu, khiến phế nang chứa đầy chất lỏng, ức chế oxy hóa máu.

Ngay cả một lượng rất nhỏ nhiên liệu hít vào cũng có thể gây ra ARDS, đặc biệt là với nhiên liệu hydrocacbon như xăng và dầu hỏa.

Bài tham khảo các nguồn: Fire Storm Talent, Zenartsla, Dallas Observer...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại