Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Xử lý thế nào?

HOÀNG VÂN |

Theo các chuyên gia, cần thiết phải bổ sung thêm các quy định, chế tài đủ sức răn đe với hành vi nghệ sĩ, người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Nhan nhản vi phạm

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

TS. Cao Ngọc, người nhiều năm giảng dạy về sân khấu ở ĐH Sân khấu Điện ảnh cho rằng, nhiều người hâm mộ có tâm lý tin tưởng và lựa chọn mua, sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà nghệ sĩ họ yêu thích quảng cáo. Đôi khi, đó là sự tự hào, là thước đo cho sự nổi tiếng, vị trí của nghệ sĩ với người cùng giới hoạt động. Chính vì vậy việc các nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật gây ảnh hưởng trực tiếp đến chính họ và cả người tiêu dùng.

"Việc quảng cáo sai sự thật là hành vi vi phạm trách nhiệm của người nghệ sĩ với cộng đồng, là hành vi lợi dụng sự tin tưởng, tình cảm của công chúng dành cho họ. Những nghệ sĩ này vi phạm nghiêm trọng đạo đức công dân, đạo đức nghề nghiệp, gây ra những lỗi lớn trong ứng xử văn hóa với số đông", TS. Cao Ngọc chia sẻ.

Hiện trong làng giải trí, có nhan nhản trường hợp nghệ sĩ "thổi phồng" công năng của các sản phẩm từ quảng cáo sữa, thuốc chữa bệnh xương khớp và cả quảng cáo trá hình hoạt động "bói toán tử vi".

Gần đây nhất, hàng loạt nghệ sĩ tên tuổi như: Đức Thịnh, Ưng Hoàng Phúc, Ngân Quỳnh, Mỹ Uyên, Hoàng Sơn, Hoàng Mập... khiến dư luận xôn xao khi xuất hiện trong clip quảng cáo liệu trình "siêu giảm béo" sai sự thật của một phòng khám tại TP Hồ Chí Minh. Cơ sở này sau đó đã bị xử phạt và tước giấy phép hoạt động, tuy nhiên các nghệ sĩ tham gia tiếp tay vẫn không hề có phản hồi trước công chúng.

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Xử lý thế nào? - Ảnh 2.

NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo không đúng công năng của sản phẩm.

Trước đó, NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo về một viên sủi thảo dược. Cô giới thiệu thực phẩm chức năng này có tác dụng phòng các loại bệnh u xơ, cân bằng nội tiết tố. Tuy nhiên, sản phẩm này đã bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo không đúng công dụng như quảng cáo.

Sau khi bị báo chí lên án, nhiều người nổi tiếng đã âm thầm xóa bài viết, xem như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Điều này cho thấy sự thiếu trách nhiệm, lợi dụng niềm tin của công chúng để trục lợi từ vi phạm pháp luật.

Cách nào ngăn chặn?

Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật: Xử lý thế nào? - Ảnh 3.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay, không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới những ngôi sao bóng đá như Ronaldo, Messi hay nhiều ngôi sao điện ảnh là gương mặt đại sứ cho các nhãn hàng khác nhau. Tuy nhiên, giờ đây, với sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới, nhất là mạng xã hội, việc quảng cáo trở nên hỗn loạn hơn. Việc các nghệ sĩ tham gia vào sự hỗn loạn của quảng cáo này khiến cho dư luận xã hội chỉ trích nhiều hơn.

Đưa ra biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng trên, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất việc xây dựng và áp dụng các quy định pháp luật rõ ràng và nghiêm ngặt về quảng cáo và thông tin sai lệch.

"Công chúng luôn dành tình cảm yêu mến, sự quan tâm theo dõi đặc biệt đối với nghệ sĩ, người nổi tiếng nên những hình ảnh sản phẩm mà họ quảng cáo sẽ dễ nhận được sự hưởng ứng của rất đông công chúng", PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

"Để ngăn chặn tình trạng này, theo tôi, chúng ta cần thiết lập các quy tắc rõ ràng về sự chính xác và độ tin cậy của quảng cáo, cũng như áp dụng các biện pháp trừng phạt thích đáng cho những người vi phạm. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho một đầu mối quản lý và kiểm tra để giám sát và đánh giá các quảng cáo từ các nghệ sĩ hoặc người nổi tiếng. Nhà nước cũng cần có các hình phạt nghiêm khắc và khoản bồi thường phù hợp cho những người vi phạm quy định về quảng cáo.

Các hình phạt này có thể bao gồm mức phạt tiền cao, cấm hoạt động quảng cáo trong một khoảng thời gian nhất định, thu hồi các lợi ích kinh tế đã thu được từ việc quảng cáo sai sự thật, hoặc thậm chí là đình chỉ hoạt động nghệ thuật hoặc quảng cáo của nghệ sĩ. Đồng thời với các biện pháp trên, cần tăng cường tư vấn và giáo dục cho nghệ sĩ và người nổi tiếng về đạo đức quảng cáo, trách nhiệm của họ đối với người tiêu dùng", ông Sơn nêu.

Quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo cho biết: Các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ… sẽ bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng.

Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo và buộc cải chính thông tin. Mặt khác, tùy vào tính đặc thù của sản phẩm được quảng cáo mà sẽ áp dụng các điều khoản xử phạt khác nhau.

Tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi quảng cáo sai sự thật còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội quảng cáo gian dối, với mức phạt tiền lên đến 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Luật Quảng cáo cần phải nghiên cứu bổ sung thêm các mức chế tài xử phạt cụ thể, đưa ra hướng dẫn dưới luật cụ thể hơn ở dạng diễn giải hoặc liệt kê. Đặc biệt, cần làm rõ hành vi thế nào là giới thiệu, nội dung thế nào sẽ cho thấy mục đích sinh lợi hoặc không sinh lợi theo quy định của Luật Quảng cáo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại