Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả

An Yên |

"Khi tác phẩm còn chưa kết thúc, những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả đã vang lên khắp khán phòng, Thảo thấy mình hạnh phúc", Diệu Thảo nói.

Chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 14 (ngày 3/9/2023), Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt Sóng nhạc Hồ Gươm xanh vào tối 25/8 tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội. Tham gia chương trình có nhiều nghệ sĩ tên tuổi như NSND Phạm Ngọc Khôi, NSND Tạ Minh Tâm, NSND Quốc Hưng, Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh… Trong đó, tiết mục "Suy tư" được nghệ sĩ Vũ Diệu Thảo độc tấu đàn Tỳ bà cùng dàn nhạc dân tộc do NSND Phạm Ngọc Khôi chỉ huy là một điểm nhấn thu hút khán giả.

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 1.

Diệu Thảo và NSND Phạm Ngọc Khôi

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 2.

Nữ nghệ sĩ đã có phần trình diễn cuốn hút.

"Suy tư" là sáng tác của NSND Vũ Mai Phương - cánh chim đầu đàn của đàn Tỳ bà Việt Nam. Tác phẩm có rất nhiều những cung bậc cảm xúc, tâm tư, tình cảm được thể hiện qua những kỹ thuật diễn tấu đặc trưng của cây đàn Tỳ bà. Dưới sự chỉ huy của NSND Phạm Ngọc Khôi và Dàn nhạc dân tộc Việt Nam gồm những nghệ sĩ và giảng viên tài năng, Diệu Thảo dường như được chắp cánh thêm để thăng hoa và bay bổng trong tiếng đàn Tỳ bà của mình.

"Khi tác phẩm còn chưa kết thúc mà những tràng pháo tay nồng nhiệt của khán giả đã vang lên khắp khán phòng Nhà hát Hồ Gươm, Thảo thấy mình hạnh phúc lắm vì tiếng đàn Tỳ bà đã lay động được khán giả. Và cho đến khi "Suy tư" kết thúc ở cao trào thì cảm xúc thực sự vỡ òa.

Thầy - trò nắm tay giơ cao vẫy chào khán giả mới thấy đôi bàn tay ướt đẫm mồ hôi của thầy, vầng trán ánh lên những giọt mồ hôi lấp lánh, nụ cười hiền từ và hạnh phúc của thầy cũng là hình ảnh thân thương nhất sau những phút giây lao động nghiêm túc, biểu diễn hăng say trước khán phòng chật kín khán giả. Niềm hạnh phúc giản đơn của người nghệ sĩ chính là những tràng pháo tay không ngớt khi âm nhạc lắng xuống", Diệu Thảo chia sẻ.

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 3.

Diệu Thảo xúc động khi phần trình diễn của cô nhận được nhiều sự cổ vũ từ khán giả.

Năm 2022, trong chương trình Hát lên Việt Nam chào đón Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 13, Vũ Diệu Thảo cũng từng biểu diễn "Suy tư". Chia sẻ về sự trở lại này, Diệu Thảo cho biết: "Thảo thấy đây là một niềm vinh hạnh lớn lao khi được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tín nhiệm và mời biểu diễn trong chương trình đặc biệt này, nhất là đúng vào dịp Nhà hát Hồ Gươm mở cửa đón khách trong một không gian hoàn toàn mới, rất đẹp với hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại, ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới.

Nhà hát nằm tại giao điểm 4 con phố lớn trung tâm Hà Nội, là một điểm văn hóa mới kết nối với các công trình văn hóa, di tích lịch sử, cảnh quan kiến trúc ngàn năm tuổi, tạo thành quần thể văn hóa nghệ thuật, giải trí quanh hồ Hoàn Kiếm. Sự mới mẻ này quả thật là chất xúc tác khiến cho Thảo thấy háo hức và tràn ngập niềm vui với lời mời biểu diễn tuyệt vời này".

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 4.

Chiếc áo dài do chính Diệu Thảo tự thiết kế.

Một điều thú vị, chiếc áo dài họa tiết hoa sen mà Diệu Thảo mặc khi biểu diễn trong chương trình Sóng nhạc Hồ Gươm xanh là do chính cô tự thiết kế, may và vẽ. Diệu Thảo cho biết, chiếc áo dài lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của hoa sen - quốc hoa Việt Nam mà cô rất yêu thích và dành tình cảm đặc biệt bởi sự thanh khiết, hương thơm dịu dàng.

Để chuẩn bị cho trang phục này, Diệu Thảo đã cùng mẹ đi mua mảnh vải trơn màu cam đỏ về cắt may, vẽ họa tiết. "Đây là chiếc áo dài để biểu diễn độc tấu, vậy nên Thảo thiết kế khá cầu kỳ về kiểu dáng, vừa mang nét truyền thống cổ điển, vừa khai thác hiệu quả tương phản của màu sắc để tạo sự nổi bật cho tà áo dài dưới ánh đèn sân khấu.

Họa tiết trên áo có thể in sẵn, có thể thêu tay, thêu máy hoặc có những mẫu sẵn, tuy nhiên Thảo thích tự sáng tạo những chiếc áo dài mang dấu ấn cá nhân, thể hiện rõ cá tính và hình ảnh của bản thân mà Thảo muốn hướng tới", nữ nghệ sĩ cho biết.

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 5.

Diệu Thảo in họa tiết hoa sen trên áo dài.

Có thể thấy, kiểu dáng của trang phục mà Diệu Thảo thiết kế tuy đơn giản nhưng vẫn giữ nguyên hình ảnh áo dài Việt Nam, chỉ cách điệu ở phần tay áo khiến tà áo mềm mại bay bổng chuyển động theo đôi tay người nghệ sĩ khi đánh đàn, tạo nên hiệu ứng thu hút được ánh nhìn của khán giả.

Họa tiết hoa sen trên chiếc áo dài khá to và rõ nét, chia đều ra hai tà áo thân trước và hai tà tay đều rộng, tỏa đều về bốn phía. Khi Diệu Thảo mặc chiếc áo, người xem dễ tưởng tượng cô vẽ một đầm sen thu nhỏ trên một sân khấu rộng lớn, đặc biệt là khi khán giả ngồi trên cao nhìn xuống.

Được biết, không chỉ chiếc áo dài mặc trong Ngày Âm nhạc 2023 mà Diệu Thảo còn tự thiết kế rất nhiều trang phục biểu diễn cũng như đời thường khác từ khoảng 10 năm nay.

Nghệ sĩ Diệu Thảo hạnh phúc khi tiếng đàn Tỳ bà lay động được khán giả - Ảnh 6.

Diệu Thảo bên các nghệ sĩ tiền bối mà cô luôn kính trọng.

Nghệ sĩ Diệu Thảo là một gương mặt nổi bật trong lĩnh vực biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam hiện nay. Cô là giảng viên môn Tỳ bà của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ngoài đàn Tỳ bà, cô có khả năng chơi nhiều loại nhạc cụ khác như Tam thập lục, đàn Tứ, Nhị, T'rưng, K'longput, đàn Đá…


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại