Ngày mai là thu phân trong 24 tiết khí. Sự xuất hiện của thu phân có nghĩa là một nửa mùa thu đã trôi qua. Khí hậu cũng bắt đầu thay đổi, khô xen kẽ với mưa... Lúc này, cơ thể cần huy động nhiều thể chất và năng lượng hơn để thích ứng với những thay đổi của môi trường. Cộng với khí hậu không ổn định, sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm, rất dễ bị xáo trộn. Đây là thời điểm lý tưởng để thưởng thức các món canh ngon bổ dưỡng giúp cơ thể thích ứng với khí hậu thay đổi.
Để tránh các vấn đề về thể chất, mọi người phải chú ý hơn đến chế độ ăn uống hàng ngày. Dân gian thường có câu: "Trời lạnh có sẵn một bát canh thì không cần kê thuốc". Ăn nhiều các món canh trước và sau thu phân không chỉ giàu chất dinh dưỡng mà còn rất thích hợp. Bên cạnh đó các món canh còn có tác dụng dưỡng ẩm và cấp nước. Từ đó giúp cơ thể điều hòa cân bằng nội môi và nâng cao sức đề kháng.
1. Món canh ngon và bổ dưỡng: Canh sườn heo nấm đông trùng hạ thảo
Để bồi bổ cho sức khỏe vào mùa thu, sườn heo là một trong những nguyên liệu rất thích hợp. Sườn heo thường vừa mềm, có xen chút xíu mỡ không đáng kể. Khi nấu canh bạn thêm nấm đông trùng hạ thảo, kỷ tử, nhãn và các nguyên liệu khác để nấu thành món ăn bổ dưỡng. Món canh này không chỉ bồi bổ cơ thể mà còn làm thỏa mãn vị giác.
Nguyên liệu để nấu món canh sườn nấm đông trùng hạ thảo
350g sườn non, một nắm nhỏ nấm đông trùng hạ thảo, 2 thìa canh rượu nấu ăn, 5g kỷ tử, vài lát bạch chỉ, 5 quả nhãn khô, xương cựa, 5g đẳng sâm, gừng, vài cây hành lá, lượng muối thích hợp, 1 thìa canh tinh chất cốt gà.
Cách làm món canh sườn nấm đông trùng hạ thảo
Bước 1: Chặt sườn thành từng miếng, cho nước, rượu nấu ăn và muối vừa phải vào chậu, ngâm sườn trong 10 phút rồi chà xát cho sạch máu thừa. Rửa sạch nấm đông trùng hạ thảo, bạch chỉ, kỷ tử, nhãn khô và xương cựa rồi ngâm trong nước.
Bước 2: Cho sườn vào nồi nấu, thêm một lượng nước thích hợp vào. Tiếp theo bạn cho các lát gừng, hành lá, và rượu nấu ăn vào đun sôi trên lửa lớn. Sau đó giảm lửa nhỏ và chần sườn trong 2 phút. Vớt ra rửa sạch lại với nước ấm.
Bước 3: Cho sườn vào nồi hầm, sau đó thêm nấm đông trùng hạ thảo, bạch chỉ, xương cựa, đẳng sâm, gừng thái lát, nhãn. Tiếp đó bạn cho lượng nước thích hợp vừa đủ ngập các nguyên liệu.
Bước 4: Bật bếp và đun sôi sau đó điều chỉnh lửa nhỏ lại. Bạn hầm canh trong khoảng 1 giờ. Sau đó nêm lượng muối hợp khẩu vị và tinh chất cốt gà vào. Tiếp tục nấu trong khoảng 5 phút rồi tắt bếp. Lấy canh ra tô, rắc kỷ tử lên là có thể thưởng thức.
2. Canh vịt: Món canh ngon, giảm nóng trong
Thịt vịt thơm ngon, có giá trị dinh dưỡng cao, vừa bổ sung chất dinh dưỡng lại còn có tác dụng khử khô, giảm nóng trong. Hơn nữa, thịt vịt hầm với các loại nấm rất ngon, hợp với tiết trời mùa thu. Món ăn này giống như một loại thuốc bổ tuyệt vời cho cơ thể.
Nguyên liệu làm món canh vịt
Nửa con vịt, 5 cây nấm hương tươi (hoặc nấm bụng dê), một ít nấm tuyết, 5 quả táo đỏ, vài quả nhãn khô, vài lát gừng, 5g đẳng sâm, vài lát bạch chỉ, 5g kỷ tử, lượng muối thích hợp, vài cây hành lá.
Cách làm món canh vịt
Bước 1: Thịt vịt chặt thành từng miếng, rửa sạch rồi ngâm trong nước 10 phút. Nấm tuyết ngâm nở, rửa sạch; nấm hương cắt bỏ chân rồi rửa sạch và để riêng. Bạn có thể lựa chọn bất cứ loại nấm nào mình thích thay cho nấm hương.
Bước 2: Cho thịt vịt vào nồi nước, thêm 1 thìa canh rượu gạo, hành lá và gừng thái lát vừa đủ vào đun sôi trên lửa lớn. Bạn chần thịt vịt trong 2 phút rồi vớt ra rửa sạch lại với nước ấm.
Bước 3: Đun nóng dầu trong chảo, cho thịt vịt vào xào đến khi da có màu vàng nâu thì đổ nửa thìa rượu trắng vào xào. Tiếp theo cho lượng nước thích hợp vào. Đun thịt vịt trên lửa lớn trong 3 phút cho đến khi nước canh chuyển sang màu trắng đục.
Bước 4: Cho nấm tuyết, nấm hương đã cắt miếng vừa ăn, táo đỏ, nhãn khô, đẳng sâm, bạch chỉ vào. Đậy nắp nồi và đun sôi ở lửa lớn, sau đó chuyển sang nồi hầm từ từ trong khoảng 1 giờ.
Bước 5: Cuối cùng bạn nêm lượng muối vừa ăn, chút tinh chất cốt gà, khuấy đều và nấu tiếp trong khoảng 5 phút. Sau đó lấy canh ra là có thể thưởng thức.
3. Súp củ mài và lê
Người xưa có câu: "Khi thu phân đến, hãy ăn củ mài". Củ mài vừa là thực phẩm đồng thời cũng là dược liệu có nhiều vào mùa thu. Chúng mềm và bổ dưỡng. Nấu súp củ mài với lê sẽ có vị ngọt và ngon. Món canh này có thể dưỡng âm và dưỡng ẩm cho làn da khô. Món súp này cũng dễ tiêu nên rất thích hợp cho người trung niên và người già.
Nguyên liệu làm món súp củ mài và lê
1 củ mài, 1 quả lê, lượng đường phèn thích hợp.
Cách làm món súp củ mài và lê
Bước 1: Củ mài gọt bỏ vỏ, rửa sạch rồi cắt thành miếng nhỏ. Sau đó bạn có thể cho củ mài vào máy xay nhỏ hoặc băm nhuyễn. Lê rửa sạch, cắt làm đôi, bỏ lõi và xắt thành lát để sử dụng sau.
Bước 2: Cho một lượng nước thích hợp vào nồi, đun sôi trên lửa lớn. Sau đó đổ củ mài xay nhuyễn vào, khuấy đều và đun nhỏ lửa trong khoảng 3 phút.
Bước 3: Thêm các lát lê vào, khuấy đều và tiếp tục đun khoảng 3 phút thì cho một lượng đường phèn thích hợp vào. Tiếp tục khuấy đều cho đường tan rồi tắt bếp, lấy súp ra tô.
4. Canh tôm bí đao
Do yếu tố khí hậu trong ngày thu phân, chúng ta nên chú ý đến những thực phẩm bổ dưỡng khi bồi bổ. Khi hầm canh để duy trì sức khỏe, chúng ta nên tránh những nguyên liệu béo ngậy, nhiều mỡ và chọn những thực phẩm vừa bổ dưỡng, vừa giữ ẩm, vị thanh ngọt ngon. Nấu món canh tôm và bí đao với nhau, sau đó thêm một lượng nấm cua vừa phải để tăng hương vị. Món ăn có vị thanh nhẹ, thơm ngon, bổ dưỡng.
Nguyên liệu làm món canh tôm bí đao
300g tôm, một khúc bí đao, một ít nấm hải sản, hành lá xắt nhỏ, gừng thái lát, 1 thìa canh rượu nấu ăn, lượng muối thích hợp, một chút bột tiêu.
Cách làm món canh tôm bí đao
Bước 1: Bí đao gọt vỏ, bỏ ruột sau đó cắt thành từng lát dày, để riêng. Tôm rửa sạch, bóc vỏ, bỏ đầu và đuôi, rút chỉ tôm. Sau đó cho tôm vào tô, thêm gừng thái lát, rượu nấu ăn và chút xíu muối và ướp trong 10 phút.
Bước 2: Đun nóng dầu trong nồi. Khi dầu nóng, cho tôm vào xào cho đến khi đổi màu thì lấy ra, để riêng.
Bước 3: Cho thêm chút dầu vào nồi, đun nóng thì thêm các lát bí đao vào xào một lúc. Tiếp đó cho nấm hải sản đã rửa sạch vào xào chín. Tiếp đó thêm lượng nước sôi thích hợp vào đun nhỏ lửa trong 2 phút.
Bước 4: Đổ tôm vào, thêm một lượng muối và một ít bột tiêu vừa khẩu vị, khuấy đều rồi tắt bếp rắc hành lá cắt nhỏ khi ăn.
5. Canh cơm rượu nếp nấm tuyết
Nấm tuyết (nấm trắng) được mệnh danh là "tổ yến của người dân bình dân", giàu chất dinh dưỡng, giá thành rẻ. Nó là một sản phẩm bổ dưỡng trong mùa thu vì vừa tốt lại rẻ tiền. Dùng nấm tuyết nấu với cơm rượu nếp lên men, táo đỏ và vài nguyên liệu khác thành món canh rất thơm ngon, lạ miệng. Canh cơm rượu nếp nấm tuyết có vị ngọt, ngon, bổ âm, dưỡng phổi.
Nguyên liệu làm món canh cơm rượu nếp nấm tuyết
1 cây nấm tuyết, 1 bát nhỏ cơm rượu nếp, 10g kỷ tử, 5 quả táo đỏ, lượng đường phèn thích hợp.
Cách làm món canh cơm rượu nếp nấm tuyết
Bước 1: Nấm tuyết rửa sạch, ngâm nước khoảng 2 tiếng cho nở. Sau đó rửa sạch lại lần nữa rồi xé thành từng miếng nhỏ. Cho nấm tuyết vào nồi nước đun khoảng 25 phút.
Bước 2: Táo đỏ rửa sạch, sau đó cho vào nồi nấm cùng kỷ tử, đun nhỏ lửa trong 10 phút.
Bước 3: Sau đó cho cơm rượu nếp và một lượng đường phèn thích hợp vào. Khuấy đều và tiếp tục nấu trong 5 phút.