F-16 đang trên đường tới Ukraine
Reuters tối 10/7 đưa tin, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa thông báo, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đang trên đường tới Ukraine từ Đan Mạch và Hà Lan. Chúng sẽ có mặt trên bầu trời Ukraine ngay trong mùa hè này.
"Tôi vui mừng thông báo rằng, ngay tại thời điểm chúng ta đang trò chuyện, quá trình chuyển giao F-16 (cho Ukraine) đang được tiến hành từ Đan Mạch và Hà Lan" - ông Blinken phát biểu tại sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Washington.
"Những chiếc tiêm kích đó sẽ bay trên bầu trời Ukraine ngay mùa hè này để đảm bảo rằng Kiev có thể tiếp tục phòng vệ một cách hiệu quả trước các đợt tấn công của Nga" - Ngoại trưởng Mỹ cho hay.
Theo tờ Wall Street Journal (WSJ), chính phủ Hà Lan và Đan Mạch sau đó xác nhận rằng, những chiếc đầu tiên trong tổng số hơn 60 tiêm kích F-16 đang trên đường tới Ukraine. Trước đó, Hà Lan hứa cung cấp lô đầu tiên gồm 24 chiếc F-16 cho Kiev, trong khi Đan Mạch tuyên bố gửi tới 19 máy bay.
Bỉ và Na Uy cũng đã cam kết cung cấp F-16 cho Ukraine nhưng số chiến đấu cơ này sẽ đến sau.
WSJ cho hay, thông tin về đợt giao F-16 đầu tiên được tiết lộ chỉ 2 ngày sau khi Nga phát động đợt tấn công tên lửa lớn nhất vào Ukraine trong nhiều tháng qua, khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hơn 100 người bị thương. Các quan chức Ukraine cho rằng đây là tín hiệu từ Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi tới Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Vào tháng 3/2023, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ sẽ hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine lái các loại chiến đấu cơ phương Tây, trong đó có F-16. Washington đồng thời lưu ý rằng, việc cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ rất tốn kém và đòi hỏi quá trình đào tạo chuyên sâu.
Kiev cần ít nhất 128 chiếc F-16 để đối phó Nga
Cũng trong ngày 10/7, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ hy vọng rằng, các nước đồng minh phương Tây sẽ cam kết cung cấp thêm F-16 để hỗ trợ nỗ lực chiến đấu của Kiev.
"Sẽ sớm có quyết định về F-16. Chúng tôi đang đẩy tăng số lượng F-16 có thể cung cấp cho Ukraine" - Tờ Strait Times dẫn lời ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cho rằng số lượng F-16 mà các đồng minh phương Tây cam kết cung cấp cho Kiev "hiện không đủ". Ukraine cần ít nhất 128 máy bay loại này để đối đầu Nga.
Kiev tin F-16 sẽ giúp đánh chặn tên lửa Nga bắn vào các thành phố của Ukraine, đồng thời giúp nước này đẩy lùi lực lượng Nga trên tiền tuyến. Đặc biệt, chúng có thể triển khai tên lửa không-đối-không với khả năng tấn công mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Nga nếu qua mặt được các hệ thống phòng không Nga gần biên giới 2 nước.
Tuy nhiên, theo WSJ, có khả năng các quốc gia tài trợ tên lửa và máy bay sẽ hạn chế để Ukraine sử dụng vũ khí do họ cung cấp tấn công vào lãnh thổ Nga để tránh leo thang thêm tình hình.
Bên cạnh đó, nhiều nước NATO tỏ ra ngần ngại chia sẻ tên lửa không-đối-không tầm trung AIM-120 và các loại vũ khí tiên tiến khác đi kèm với F-16. Họ lo ngại rằng nhu cầu lớn từ Ukraine có thể làm cạn kiệt dần kho vũ khí của mình.
Cuối cùng, số lượng ít ỏi phi công lành nghề và nhân viên bảo trì được đào tạo cũng có thể hạn chế khả năng của Ukraine trong việc vận hành các chiến đấu cơ tiên tiến.
Tuần trước, Thiếu tướng Pat Ryder - người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết, có khoảng 12 phi công Ukraine đang được đào tạo ở cả Đan Mạch và Mỹ, nhưng từ chối cung cấp thông tin có bao nhiêu phi công và nhân viên bảo trì đã hoàn thành khóa đào tạo.
Nga đã chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu cơ và tên lửa bắn hạ F-16
Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), Nga đã chuẩn bị sẵn sàng để bắn hạ F-16. Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Zvezda News, một phi công Nga cho biết, Không quân Nga "đang chờ F-16 xuất hiện".
Các phi công khác trong cuộc phỏng vấn nói rằng, họ đã phát triển được các chiến thuật chiến đấu chống F-16, và nắm được tất cả điểm mạnh-yếu của chúng. Mọi thứ đã sẵn sàng.
"Khi chúng tôi đối đầu trong không chiến tầm gần, chúng tôi biết mình sẽ phải làm gì. F-16 'không là gì' đối với chúng tôi" - Một phi công lái tiêm kích Sukhoi nói.
Theo tổ chức tư vấn RAND (Mỹ), với radar tiên tiến và tên lửa tầm xa, các tiêm kích Nga có khả năng phát hiện ra F-16 Ukraine từ sớm rồi bắn hạ trước khi các phi công Ukraine kịp nhìn thấy chúng lao tới.
Ngoài các tiêm kích tiên tiến với khả năng vượt trội đối đầu F-16, lực lượng Nga đã triển khai sẵn sàng các tổ hợp tên lửa phòng không để ngăn chặn chiến đấu cơ này.
Trước đó, theo tờ Kiev Independent, Moscow đã tiến hành ít nhất 3 cuộc tấn công tên lửa nhằm vào các sân bay của Ukraine ở Myrhorod, Poltava và Kryvyi Rih trong tuần qua. Một số nhà quan sát quân sự cho rằng, đây là chiến lược của Nga nhằm phá hủy các sân bay và căn cứ tiềm năng đặt tiêm kích F-16, từ đó làm giảm khả năng chiến đấu của Ukraine.
Trả lời trang tin News.ru (Nga) ngày 10/7, chuyên gia quân sự Anatoly Matviychuk khẳng định, tiêm kích Mỹ hoàn toàn có thể bị các hệ thống phòng không S-300, S-400, Tor và Buk của Nga bắn hạ.
"F-16 đã lỗi thời, chúng có từ những năm 1970 nên không thể chiến đấu ngang sức trên bầu trời với Su-30, Su-34, Su-35, MiG-29, Su-27, MiG-31 và đặc biệt là Su-57.
Trang bị của chúng ta vượt trội hơn hẳn về tầm bắn và phạm vị trinh sát. Bên cạnh đó, S-300/400 sẽ bắn hạ F-16 trong tích tắc, và rất có thể chúng ta sẽ dùng tới cả Tor, Buk" - Ông Matviychuk nói.
Tháng 11/2023, theo RIA Novosti, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, một trong những hệ thống phòng không chủ lực sẽ được Nga sử dụng để bắn hạ F-16 là S-400 trang bị tên lửa tầm siêu xa 40N6.
Ông Shoigu đồng thời tuyên bố, phòng không Nga "chỉ mất khoảng 20 ngày để bắn hạ toàn bộ các tiêm kích F-16 mà Ukraine tiếp nhận".