Mỹ-EU tung đòn hiểm, tàu Trung Quốc tới Nga phải quay đầu: Ông Putin ra lệnh giáng "vũ khí chưa từng thấy"

Minh Minh |

Đòn giáng mới nhất từ Mỹ và EU đã buộc tàu Trung Quốc tới Nga phải vội quay đầu về nước, đánh dấu bước leo thang căng thẳng mới nhất trong quan hệ Nga - phương Tây.

Tàu Trung Quốc tới Nga phải quay đầu

Theo chuyên trang tin tức hàng hải gCaptain ngày 8/7, tàu nâng đa dụng hạng nặng Xiao Tian Shi của Trung Quốc, chở theo 2 module nặng 14.000 tấn cho dự án khí đốt tự nhiên hóa lỏng LNG-2 Bắc Cực của Nga – đã phải quay chở lại Trung Quốc khi chỉ còn vài ngày nữa là cập cảng Nga.

Một nguồn tin tại xưởng Chu Sơn của công ty Wison New Energies (Trung Quốc) đã xác nhận với gCaptain về thông tin này.

Theo gCaptain, mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ đang tác động đến các quyết định kinh doanh của Trung Quốc đối với các dự án năng lượng của Nga.

Việc tàu Xiao Tian Shi quay đầu về nước diễn ra chỉ 2 tuần sau khi Wison New Energies tuyên bố ngừng hợp tác với Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ quyết định thu hồi các module về Trung Quốc là do Wison New Energies hay công ty vận tải Hainan Smiling Angel Shipping - chủ quản của tàu Xiao Tian Shi đưa ra.

Mỹ-EU tung đòn hiểm, tàu Trung Quốc tới Nga phải quay đầu: Ông Putin ra lệnh giáng "vũ khí chưa từng thấy"- Ảnh 1.

Tàu Xiao Tian Shi chở 2 module 14.000 tấn do Wison New Energies chế tạo tới Nga đã phải quay đầu về nước do lo sợ các lệnh trừng phạt của phương Tây. Ảnh: gCaptain

Trước đó, xưởng Chu Sơn của Wison New Energies đã lắp ráp hàng chục module quan trọng cho dự án LNG2 do tập đoàn Novatek của Nga đảm nhiệm.

Đáng lưu ý, quyết định "ngừng hợp tác với Nga" của Wison New Energies được đưa ra chỉ vài ngày sau khi PengLai Jutal Offshore Engineering Heavy Industries (PJOE) – một nhà máy khác sản xuất module cho Novatek – bị Mỹ trừng phạt. Điều này đã làm nổi cộm những rủi ro tiềm tàng mà Wison New Energies sẽ gặp phải nếu tiếp tục chuyển giao module cho Nga.

Hainan Smiling Angel Shipping cũng có thể không muốn tiếp tục giao module cho Nga vì lo sợ bị xử phạt.

Chỉ vài tuần sau khi các module cho LNG2 được đưa lên tàu Wei Xiao Tian Shi, Văn phòng Kiểm toán tài sản nước ngoài của Mỹ đã áp đặt biện pháp trừng phạt đối với 2 công ty vận tải khác, đó là Công ty Vận tải Nan Feng Quảng Đông (Trung Quốc) và Công ty Red Box (trụ sở tại Singapore) cùng 3 con tàu của họ.

Cả 3 con tàu này đều chở các module tới xưởng xây dựng Belokamenka của Novatek gần thành phố Murmansk (Nga) sau khi Mỹ đưa dự án LNG 2 Bắc Cực của Nga và các đơn vị liên quan vào diện bị trừng phạt.

Mỹ - EU liên tiếp tung đòn vào Nga

Theo tờ Komsomolskaya Pravda (Nga), dự án LNG 2 Bắc Cực chỉ là một trong số các mục tiêu mà Mỹ và phương Tây đang nhắm tới để gây áp lực lên Nga. Giữa tháng 6 vừa qua, Washington đã áp lệnh trừng phạt thêm 300 cá nhân và tổ chức ở Nga, cũng như các nơi khác với cáo buộc có liên quan tới "nền kinh tế chiến tranh" của Moscow.

Bộ Tài chính Mỹ cho biết, các biện pháp mới nhất của họ nhắm vào các cá nhân và công ty bị nghi ngờ tạo điều kiện cho Moscow trốn tránh lệnh cấm vận của phương Tây, đồng thời nhắm vào hơn 100 triệu USD thương mại giữa Nga và các đối tác nước ngoài.

Cơ quan này tuyên bố Mỹ nhắm tới các mục tiêu ở Đông và Trung Á, châu Phi, Trung Đông và Caribe. Trong đó, nhiều công ty và cá nhân ở Trung Quốc, Kyrgyzstan và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong danh sách trừng phạt.

Mỹ-EU tung đòn hiểm, tàu Trung Quốc tới Nga phải quay đầu: Ông Putin ra lệnh giáng "vũ khí chưa từng thấy"- Ảnh 3.

Mỹ và EU đang gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: CEPS

Chỉ vài ngày sau, Liên minh châu Âu (EU) đã tung gói trừng phạt thứ 14 nhằm vào Nga vì mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, mục tiêu chính là đội tàu của Moscow vận chuyển LNG qua châu Âu, cũng như một số công ty liên quan tới Nga. Bên cạnh đó, EU đưa thêm đưa thêm 69 cá nhân và 47 tổ chức vào "danh sách đen"

Theo Reuters, đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, EU tung đòn trừng phạt vào hoạt động xuất khẩu LNG của Nga.

Động thái của EU cũng diễn ra không bao lâu sau khi liên minh này nhất trí giao cho Ukraine 1,6 tỷ USD lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga. Số tiền dự kiến sẽ được phân bổ vào cuối tháng 7, tại Hội nghị tái thiết Ukraine ở Berlin (Đức).

Ông Putin ký sắc lệnh giáng "vũ khí chưa từng thấy"

Theo Komsomolskaya Pravda, trước các động thái của Mỹ và EU, Nga đã tiến hành một loạt biện pháp đáp trả. Sở giao dịch chứng khoán Moscow từ ngày 13/6 thông báo sẽ không tiến hành giao dịch bằng USD và Euro do các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Bên cạnh đó, theo Đài RT ngày 25/6, Moscow dã mở rộng danh sách mở rộng danh sách cấm nhập cảnh và tuyên bố sẽ có "phản ứng thích hợp" đối với bất kỳ hành động không thân thiện mới nào từ EU.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, lệnh cấm còn được mở rộng tới các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân chịu trách nhiệm cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine; những người liên quan đến việc truy tố các quan chức Nga; những người ủng hộ việc tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga và giao chúng cho Ukraine; cũng như nhà hoạt động phi chính phủ tham gia vào chiến dịch tuyên truyền chống Nga.

Mỹ-EU tung đòn hiểm, tàu Trung Quốc tới Nga phải quay đầu: Ông Putin ra lệnh giáng "vũ khí chưa từng thấy"- Ảnh 4.

Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh đáp trả phương Tây bằng vũ khí "chưa từng thấy". Ảnh: TASS

Mới đây nhất, trong ngày 8/7, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cho phép: "Khi chế tạo vũ khí, các tổng công trình sư có thể đề xuất sử dụng tài sản trí tuệ không thuộc về Liên bang Nga".

Nói cách khác, các tổng công trình sư có thể đề xuất sử dụng tài sản trí tuệ nước ngoài khi chế tạo vũ khí.

Theo các nhà phân tích, sắc lệnh này là một phần chiến thuật hiếm thấy của Nga, trong đó họ sử dụng quyền sở hữu trí tuệ như một vũ khí.

Trước đó, đầu tháng 3 năm nay, chính phủ Nga đã ban hành nghị định đề cập rằng, các công ty Nga "không có nghĩa vụ phải bồi thường cho chủ sở hữu bằng sáng chế đến từ các quốc gia không thân thiện".

Tờ The Conversation cho biết, Moscow đang đề cập tới các quốc gia phương Tây ban hành lệnh trừng phạt chống lại Nga, trong đó có Anh và Mỹ.

Theo nghị định, các doanh nghiệp Nga có thể sử dụng tài sản trí tuệ, như các phát minh hoặc thiết kế đã được cấp bằng sáng chế, mà không phải trả tiền hoặc xin phép chủ sở hữu. Các công ty bị ảnh hưởng sẽ không thể áp dụng quyền sở hữu sáng chế đối với các bản sao từ Nga.

The Conversation nhận định, việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ để đáp trả Mỹ-EU trong bối cảnh xung đột là "vũ khí chưa từng thấy" của Nga và là phản ứng rõ ràng, cũng như cứng rắn của ông Putin đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại