Theo thông tin từ nhân viên Trạm phát sóng Phia Oắc trao đổi với VOV, ở độ cao 1.931m so với mực nước biển, kể từ trưa ngày hôm nay (22/1), nhiệt độ tại đỉnh Phia Oắc đã liên tục giảm và hiện tượng băng giá đã bắt đầu xuất hiện.
Ông Bế Quốc Vinh, Giám đốc Vườn quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình, cho VnExpress hay băng hình thành lúc 14h, từ độ cao khoảng 1.600 m trở lên đỉnh núi. Nhiệt độ ngoài trời xuống âm 5 độ C.
Băng giá trên đỉnh Phia Oắc. Ảnh: Truyền hình an ninh Cao Bằng
Thông tin tới PV Báo Lao Động, đại diện UBND xã Thành Công, huyện Nguyên Bình cũng xác nhận thông tin trên và cho biết: "Hiện tượng đóng băng trên đỉnh Phia Oắc vừa xuất hiện, tuy nhiên băng xuất hiện chưa nhiều".
Điều này không phải là hiện tượng lạ đối với đỉnh Phia Oắc (cách Hà Nội 240km) bởi nơi này từng thường xuyên có hiện tượng băng giá vào các mùa đông trước đây, nền nhiệt giảm xuống khoảng -2 đến -5 độ C.
Vào chiều hôm nay, băng giá cũng đã bắt đầu xuất hiện trên đỉnh Mẫu Sơn ở Lạng Sơn, với độ cao khoảng 1.000 m so với mực nước biển, làm phủ trắng cành lá và hàng rào bởi những lớp băng mỏng.
Không chỉ có Phia Oắc và Mẫu Sơn, có khả năng trong đêm nay, các đỉnh núi khác có độ cao trên 1.500 m so với mực nước biển cũng sẽ chứng kiến băng giá do không khí lạnh đang được tăng cường và nhiệt độ ở miền Bắc tiếp tục giảm sâu.
Dự báo ngày 23/1, Mẫu Sơn, Đồng Văn, Sa Pa, Mù Cang Chải... có xác suất cao xảy ra băng giá, mưa tuyết..
Trước diễn biến của thời tiết, chính quyền các tỉnh miền núi đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương thực hiện các biện pháp che chắn, vệ sinh chuồng trại, có các biện pháp sưởi ấm và bổ sung thức ăn cho đàn vật nuôi.
Đại diện cơ quan khí tượng nhận định, giai đoạn rét nhất trong đợt không khí lạnh rơi vào khoảng từ 22-25/1. Ngoài ra, so với đợt rét từ 16/12/2023, đợt rét lần này sẽ khiến người dân cảm thấy rét hơn vì không hoặc rất ít khả năng có nắng. Biên độ nhiệt độ ngày đêm thấp.
Tổng hợp