Ngáng chân Nga-Iran, Mỹ sẵn sàng “đốt” thùng thuốc súng Trung Đông

Tiệp Nguyễn |

25 năm Mỹ can thiệp sâu vào tình hình Trung Đông chỉ làm người Iran mạnh hơn. Hiện tại, Mỹ đang có kế hoạch sẽ triển khai các hoạt động quân sự để giảm thiểu ảnh hưởng của Iran trong khu vực.

Mỹ đang chuẩn bị giai đoạn tiếp theo của việc chiếm đóng và triển khai các chiến dịch quân sự dọc Trung Đông. Dựa vào những cái cớ như "xây dựng lại" Iraq và "chiến đấu chống khủng bố" tại Syria, Mỹ đang thực hiện những kế hoạch để kéo dài nhất có thể cuộc nổi dậy trong khu vực với hy vọng sẽ làm Iran và Nga mệt mỏi.

Chướng ngại Iran với bá quyền phương Tây

Mỹ với việc theo đuổi bá quyền thế giới đang đặc biệt chú tâm với việc bao vây, kiềm chế, phá hoại và nếu có thể thì lật đổ hoàn toàn nền kinh tế xã hội và trật tự chính trị của Iran để bảo đảm vị thế độc tôn tại khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA).

Kể từ khi đế chế Ottoman sụp đổ, người Anh theo sau là người Mỹ đang theo đuổi chính sách chia để trị tại vùng MENA trong nhiều thế hệ.

Những đất nước mà Anh-Mỹ không thể chinh phục và kết nạp như Hoàng gia Ả rập hay tạo mới như Israel thì bị chia nhỏ và phá hủy qua các cuộc can thiệp quân sự trực tiếp hay gián tiếp. Hoặc họ sẽ dùng hàng thập kỷ để nỗ lực ngăn chặn, chia rẽ và tiêu diệt. Những nước này bao gồm Yemen, Libya, Iraq và gần đây nhất là Syria, cũng như Ai Cập, Lebanon và Algeria.

Ngáng chân Nga-Iran, Mỹ sẵn sàng “đốt” thùng thuốc súng Trung Đông - Ảnh 1.

Đạo quân người Kurd thuộc lực lượng SDF được sự hậu thuẫn của phương Tây.

Tại Trung Đông, Iran nhận được sự chú ý đặc biệt của phương Tây. Với dân số đông, lãnh thổ địa lý rộng lớn, khả năng về kinh tế và quân sự, Iran đã gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng trong khu vực và thế giới, tạo ra khó khăn cho phương Tây trong việc chiến thắng và thống trị các nước.

Với dân số 80 triệu dân cùng GDP vào khoảng 400 tỷ USD và một đội quân hơn nửa triệu người, Iran không phải là Iraq, Afganistan, Syria hay Libya. Cùng với sự chênh lệch không đáng kể về mặt kỹ thuật giữa các quốc gia ở khả năng tham gia một cuộc chiến thông thường, phương Tây nhận ra mình đang ở vị trí bất lợi hơn để có thể trực tiếp "o ép" Iran thông qua quân sự.

Bởi sự thật hiển hiện đó, chính sách chống lại Tehran của Mỹ đang chuyển từ việc thử đối đầu quân sự không chắc thắng thành chính sách ngăn chặn và tạo nên những cuộc xung đột hạn chế như Mỹ từng làm tại Châu Á-Thái Bình Dương với Bắc Kinh.

Mỹ muốn giảm thiểu ảnh hưởng của Iran trong khu vực

Các nhà hoạch định chính sách thuộc viện Brookings đã viết một bài báo trên tờ The National Interest có tên "Một kế hoạch để giảm thiểu ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông", tổng kết lại những kế hoạch hiện tại của người Mỹ đối với việc ngăn chặn và giảm thiểu ảnh hưởng của Iran.

Tại Iraq, Mỹ sẵn sàng triển khai sự hiện diện quân sự dưới chiêu bài giúp đỡ tái thiết đất nước. Họ cũng đề nghị đưa mức "hỗ trợ" giống như đã từng thực hiện ở Afghanistan - đất nước mà với sự hỗ trợ to lớn và sự hiện diện liên tục quân sự của Mỹ kể từ 2001, đã phải chứng kiến và chịu đựng sự lớn mạnh và mở rộng của IS.

Bài báo viết: "Một đất nước Iraq mạnh hơn, ổn định hơn sẽ có vị trí tốt hơn để chống lại sự thống trị của Iran. Đóng góp viện trợ ở mức độ Mỹ đã từng làm với Afghanistan và Ai Cập là khả thi.

Tiến hành theo cách đó cũng sẽ giúp Mỹ có khả năng hỗ trợ Baghdad để mắt tới những nhóm dân quân Shia được Iran chống lưng khi họ giải thể và tham gia vào lực lượng an ninh Iraq trong những tháng tới".

Ngáng chân Nga-Iran, Mỹ sẵn sàng “đốt” thùng thuốc súng Trung Đông - Ảnh 2.

Dân quân người Shia tại Iraq.

Trên thực tế, Mỹ không có khả năng để tạo ra một "Iraq mạnh hơn, ổn định hơn" và họ cũng không tìm cách để làm điều đó.

Họ sẽ tiếp tục dùng sự hiện diện của mình tại Iraq để phá hoại và đẩy lùi những bước tiến của Baghdad và đồng minh Iran chống lại các nhóm phiến quân bao gồm cả IS và Al Qaeda cũng như những nhóm người Kurd được sự hậu thuẫn của Mỹ ở phía bắc nước này.

Đặc biệt, Mỹ đầu tư rất nhiều thời gian và tiền của để bảo vệ những con đường cao tốc dẫn từ Baghdad tới biên giới của Iraq với Jordan và Ả rập Xê-út - hai nước đang có vai trò then chốt trong việc vũ trang, tài trợ và chứa chấp những tay phiến quân có dính líu tới các hoạt động khủng bố từ Lebanon, Syria tới Iraq và Yemen.

Với sự hiện diện của Mỹ dọc theo những con đường cao tốc này, quân đội Iraq hay bất cứ đồng minh nào sẽ rất khó tìm và tiêu diệt những dòng hậu cần hỗ trợ cho những nhóm giáo phái bạo lực tại Iraq. Những cuộc xung đột sẽ được đảm bảo để có thể diễn ra liên tiếp.

Một Iraq mạnh hơn, ổn định hơn nghĩa là một đất nước với phần lớn người Shia sẽ có khuynh hướng liên kết với hàng xóm Iran hơn là nằm dưới quyền chỉ huy của lực lượng phương Tây.

"Iraq mạnh hơn" không có chỗ đứng trong kế hoạch thật sự của Washington với đất nước này. Thay vào đó, chia Iraq thành những nhóm xung đột và ngăn cản những hỗ trợ của Iran là biện pháp để làm cho Iran cảm thấy quá tải và mệt mỏi.

Thực tế, kế hoạch thật sự của Mỹ cho Iraq là tổ chức và lặp lại những cuộc giao tranh chết người giữa các giáo phái. Với Syria, Mỹ dự định chiếm đóng và cướp đoạt những vùng lãnh thổ - kế hoạch đã được thực hiện kể từ năm 2011 với ý đồ thay đổi chế độ Syria.

Ngáng chân Nga-Iran, Mỹ sẵn sàng “đốt” thùng thuốc súng Trung Đông - Ảnh 3.

Jabhat al-Nursa chi nhánh của Al Qaeda tại tỉnh Idlib.

Bài báo cũng tuyên bố thêm: "Mỹ và các nước có quan điểm chung cũng như những tổ chức viện trợ thế giới, cần giúp đỡ cung cấp an ninh và kinh tế để khu vực thoát khỏi sự thống trị của Assad cũng như IS. Nhiều vùng trong khu vực cần phải được coi là khu tự trị tạm thời và giúp đỡ họ tự cai quản thật tốt.

Thêm nữa, cần nhiều hơn lực lượng quân sự của phương Tây và Ả rập tại những vùng phía bắc của Syria như xung quanh tỉnh Idlib nơi chi nhánh của Al Qaeda là Jabhat al-Nursa vẫn hoạt động. Nếu không, ngay cả những nhóm này hay quân đội Assad được sự hậu thuẫn của Nga và Iran sẽ là người chiến thắng".

Về bản chất, Mỹ đang tìm cách "balkan hóa" Syria và tiếp tục cuộc chiến tranh ủy nhiệm chống lại Damascus.

Các nhà hoạch định chính sách của Brookings đã cố tình bỏ qua thực tế: những tay súng Al Qaeda chiếm đóng Idlib được vũ trang, tài trợ, huấn luyện và chuyển tới bởi Mỹ và các đồng minh. Nó cũng bỏ qua thực tế là chưa bao giờ có "những nhóm nổi dậy ôn hòa" tại Syria.

Ngáng chân Nga-Iran, Mỹ sẵn sàng “đốt” thùng thuốc súng Trung Đông - Ảnh 4.

Mỹ và phương Tây luôn tuyên bố không tài trợ khủng bố với chính sách "không đàm phán với khủng bố".

Bài báo cũng để lộ ý đồ của Mỹ và phương Tây với các chiến dịch tại Syria không phải nhắm vào mục tiêu chiến đấu và tiêu diệt IS hay Al Qaeda mà dùng sự hiện diện của cả hai nhóm để làm cái cớ ngăn chặn chính phủ Syria khôi phục trật tự đất nước, duy trì tình trạng nguyên vẹn lãnh thổ và xây dựng lại nền kinh tế.

Cả hai tổ chức khủng bố đều đang phục vụ như kẻ giữ nhà, chống lại Damascus tái chiếm lãnh thổ cho tới khi nguồn lực quân sự của Mỹ có thể tới và giữ chúng.

Nói cách khác, với mục đích giảm thiểu ảnh hưởng của người Iran tại Iraq và Syria, người Mỹ xác định nếu được sẽ chia cắt và tiêu diệt cả hai nước này và nhân dân của họ, cướp bóc tài nguyên và duy trì những lãnh thổ này như là nơi sinh sôi của các giáo phái bạo lực cực đoan. Iran nếu cố gắng để giúp đỡ mỗi nước hay cả hai sẽ phải trả giá rất nhiều về mặt quân sự và kinh tế.

Tuyên bố Mỹ sẽ ở lại Iraq để "tái thiết" đất nước này và tiếp tục các chiến dịch quân sự tại Syria để "tiêu diệt khủng bố" sẽ cho phép Washington tiếp tục gieo mầm hỗn độn lên cả 2 đất nước. Rõ ràng có một sự tương phản giữa kế hoạch của Mỹ tại Trung Đông và những chính sách mà họ tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại