Ngán ngẩm với ngoại hình của "đệ nhất gian thần" Tam Quốc

Trần Quỳnh |

Mỗi nhân vật thời Tam Quốc đều được miêu tả bằng một đặc điểm ngoại hình riêng nhưng xem ra, đại gian thần Đổng Trác mới là người sở hữu giai thoại về ngoại hình đặc biệt hơn cả.

Để khắc họa hình tượng của "đệ nhất gian thần Tam Quốc", La Quán Trung trong "Tam Quốc diễn nghĩa" đã miêu tả Đổng Trác là một kẻ vô cùng mập mạp.

Không chỉ là nhân vật "béo" nhất Tam Quốc", thân hình đồ sộ của gian thần này còn gây nên không ít tình tiết dở khóc dở cười trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn họ La.

Ngán ngẩm với ngoại hình của đệ nhất gian thần Tam Quốc  - Ảnh 1.

Mặc dù có sử dụng nhiều tình tiết hư cấu, nhưng hình tượng mập mạp của Đổng Trác do La Quán Trung khắc họa được cho là tương đối giống nhân vật nguyên mẫu trong lịch sử. (Tranh minh họa).

Năm 190, Tào Tháo được Đổng Trác phong lên chức Kiêu kỵ hiệu úy. Không lâu sau đó, họ Tào bỏ trốn khỏi Lạc Dương không rõ lý do.

Để làm rõ sự việc này, "Tam Quốc diễn nghĩa" đã giải thích rằng Tào Tháo vì ám sát Đổng Trác không thành nên mới bỏ trốn.

Tào Tháo từng nhận lời ám sát Đổng Trác cho Vương Doãn, đồng thời còn đòi "thất tinh bảo đao" của Vương Tư đồ, sau đó "nằm vùng" bên Đổng Trác để chờ thời cơ hạ thủ.

Tiếc thay khi thời cơ đến, Đổng Trác chỉ ngồi chưa một lúc đã lấy lý do "ngồi lâu thấy khó chịu" để lên sập nằm. Lúc ấy, Tào Tháo liền vội rút bảo kiếm ra, nhưng vừa định đâm lén Đổng Trác thì Lã Bố đi vào.

Thấy hành động bị bại lộ, Tháo chỉ còn cách "thanh minh" rằng định đem bảo kiếm quý hiếm để dâng lên cho Đổng Trác. Vậy mới thấy, nếu không phải do Đổng Trác mập mạp không thể ngồi lâu, thì rất có kể gian thần này đã vong mạng trong tay gian hùng Tào Tháo.

Ngán ngẩm với ngoại hình của đệ nhất gian thần Tam Quốc  - Ảnh 2.

Không chỉ sở hữu thân hình quá khổ, Đổng Trác còn là một đại gian thần háo sắc và bạo tàn. (Tranh minh họa).

"Tam Quốc diễn nghĩa" còn có một chương tường thuật lại việc Lã Bố và Điêu Thuyền gặp nhau ở hoa viên Phượng Nghi Đình, bị Đổng Trác "bắt gian tại trận".

Khi ấy, "Trác tức giận quát to một tiếng. Bố thấy Trác đến, cả sợ, quay đầu chạy. Trác vớ ngay ngọn họa kích đuổi theo. Bố chạy mau, Trác béo phục phịch, đuổi không kịp, bèn cầm kích ném theo Lã Bố…

Trác đuổi theo đến tận cửa vườn, thì một người xăm xăm chạy đến, đâm sầm ngay vào Đổng Trác ngã quỵ xuống đất."

Ngán ngẩm với ngoại hình của đệ nhất gian thần Tam Quốc  - Ảnh 3.

Để châm biếm về thân hình đồ sộ của đại gian thần họ Đổng, La Quán Trung còn thêm đôi câu thơ vào cuối chương:"Khí căm xông thẳng lên mây tía - Mình béo lăn kềnh giữa đất đen". (Tranh minh họa).

Về sự kiện này, sử cũ cũng có ghi lại: "Trác từng vì tiểu sự bất mãn đối với Lã Bố và rút kích ra để ném Lã Bố. Lã Bố nhờ quyền cước nhanh nhẹn nên tránh thoát, rồi quay người lại tạ tội với Trác. Nhờ thế Trác cũng nguôi giận.

Nhưng Lã Bố từ đấy trong lòng ngấm ngầm oán hận Trác. Trác thường sai Bố bảo vệ các tỳ thiếp ở tiểu lâu. Lã Bố lợi dụng cơ hội liền tư thông với thị tỳ (hậu thế tương truyền là Điêu Thuyền), đâm ra lo sợ việc bị tiết lộ, trong lòng không yên."

Vậy mới thấy, mặc dù bị coi là cuốn tiểu thuyết "ba phần thực, bảy phần hư", nhưng "Tam Quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung miêu tả thân hình mập mạp của gian thần họ Đổng hết sức chi tiết. 

Không chỉ dừng lại ở việc khắc họa dáng hình, La Quán Trung còn chân thực hóa nhân vật thông qua từng hơi thở, dáng đi…

Trên thực tế, sử cũ vốn không nhắc nhiều về ngoại hình của Đổng Trác, nhưng vẫn lưu lại một sự kiện khiến hậu thế ám ảnh về thân hình mập mạp của gian thần này.

Ngán ngẩm với ngoại hình của đệ nhất gian thần Tam Quốc  - Ảnh 4.

Lã Bố giết Đổng Trác (Tranh minh họa).

Theo "Hán mạt anh hùng ký" của Vương Xán, vào tháng 5 năm 192, Đổng Trác bị con nuôi Lã Bố "hất cẳng" và hạ sát ở tuổi 61.

Nghe tin đại gian thần họ Đổng bị diệt, bách tính ai nấy đều reo hò vui mừng, cùng nhau ca hát. Xác của Đổng Trác bị bêu ở chợ.

Theo một số giai thoại, vì quá to béo, thi thể của họ Đổng chảy mỡ lênh láng đầy đường. Dân chúng liền lấy bấc cắm vào rốn Đổng Trác, sau đó châm lửa cho cháy làm đèn.

Vì quá nhiều mỡ, thi thể của Đổng Trác cháy liền mấy ngày mới tắt. Sau đó, các môn sinh thuộc hạ của Viên Thiệu ở Trường An mang xác họ Đổng tiếp tục đốt thành tro, cho gió bay tản đi trên đường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại