Lên kế hoạch tăng vốn "khủng"
Thống kê sau mùa họp đại hội đồng cổ đông của nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán cho thấy các định chế tài chính này đều đặt kế hoạch tăng vốn “khủng” trong năm nay.
Ở nhóm ngân hàng, tỷ lệ tăng vốn cao nhất phải kể đến LienVietPostBank (chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 12%, phát hành thêm cổ phần 30,8% và chia cổ phiếu thưởng cho người lao động - ESOP là 3,26%), tiếp theo là Ngân hàng VIB (40% từ việc chia cổ phiếu thưởng), hay Ngân hàng Quân Đội (MB) cũng chia cổ tức với tỷ lệ 35%.
Các ngân hàng quốc doanh cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI, VietinBank đặt kế hoạch tăng vốn từ chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ lên tới 40,8%; tỷ lệ này ở Vietcombank là 27,6% đối với việc chia cổ tức bằng cổ phiếu và 8,29% đối với phần cổ phiếu phát hành thêm; BIDV cũng dự kiến chia 12,2% bằng cổ phiếu, 8,5% phát hành thêm.
Thống kê chung của Công ty chứng khoán SSI ở 16 ngân hàng cho thấy dự kiến số vốn tăng thêm trong năm nay là 82.700 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chiếm 75% từ hoạt động chia cổ phiếu, 22% từ phát hành riêng lẻ hoặc phát hành quyền mua cổ phiếu và 3% là từ ESOP.
Lĩnh vực chứng khoán cũng tương tự khi hàng loạt các “ông lớn” cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn quy mô lớn. Thống kê của SSI cho biết có năm công ty chứng khoán niêm yết và có quy mô vốn hóa lớn nhất trên thị trường đang lên kế hoạch tăng vốn, với khoảng 6.400 tỉ đồng (từ việc phát hành quyền mua cổ phiếu hoặc phát hành riêng lẻ, trái phiếu chuyển đổi) và 813 tỉ đồng thông qua ESOP.
Cụ thể như SSI dự định tăng vốn đến 4.796 tỉ đồng (từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 36,3% và phát hành cổ phiếu 43,2%, ESOP 1,7%). Tương tự, các công ty chứng khoán khác dự kiến tăng vốn từ việc phát hành thêm như Công ty Chứng khoán Bản Việt (dự kiến tăng vốn đến 100%), Công ty Chứng khoán VNDirect (100%), Công ty Chứng khoán HSC (50%).
Nguồn dữ liệu: SSI Research.
Cổ phiếu ngành tài chính "được mùa"
Việc tăng vốn của các ngân hàng trên thực tế không phải là điều mới mẻ, bởi kế hoạch đã được đặt ra trong vài năm gần đây. Thế nhưng, giới phân tích cho rằng năm 2021 dường như là thời điểm các nhà băng bắt đầu ráo riết hiện thực hóa kế hoạch này, bao gồm các ngân hàng có quy mô lớn nhỏ khác nhau. “Tất cả các kế hoạch này đều được tái khởi động lại trong năm nay”, báo cáo của SSI nhận định.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng tư nhân (như Techcombank, VPBank hay TPBank) đã có các đợt tăng vốn đáng kể trong giai đoạn 2017-2018, còn nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank hay BIDV thì tăng vốn trong năm 2019.
Sau giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng tín dụng luôn vượt tốc độ tăng vốn chủ sở hữu, điều này đặt các ngân hàng vào thách thức lớn khi hệ thống cũng bắt đầu áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vốn cao hơn theo Basel II.
“Do đó, các ngân hàng cần bộ đệm vốn lớn hơn để duy trì đà tăng trưởng hiện tại, trong khi vẫn đáp ứng biên độ an toàn vốn lớn hơn trong giai đoạn đại dịch”, SSI nêu lý do tăng vốn.
Ở nhóm các công ty chứng khoán, việc tăng vốn trong năm nay để đáp ứng “cơn khát margin” (giao dịch ký quỹ) của thị trường, trong bối cảnh làn sóng đầu tư F0 diễn ra mạnh mẽ.
Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua của Công ty Chứng khoán HSC, ông Trịnh Hoài Giang, Tổng giám đốc HSC cho biết công ty đã hết hạn mức cho vay ký quỹ, điều này cũng ảnh hưởng đến thị phần môi giới cá nhân thời gian qua.
HSC cũng đã xin tăng vốn để đáp ứng quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về tỷ lệ cho vay ký quỹ, nhưng phải chờ thủ tục khoảng 1-3 tháng, đồng thời tăng cường hợp tác với ngân hàng để mở rộng hạn mức cho vay.
Các cuộc thống kê trong ngành cũng cho thấy nhiều công ty chứng khoán đã đạt đến giới hạn cho vay. Trong báo cáo chiến lược vừa công bố, khối phân tích của Công ty chứng khoán Maybank KimEng cũng cho biết tăng trưởng cho vay ký quỹ đã chậm lại.
Đáng lưu ý, có một điểm chung giữa nhóm ngân hàng và nhóm công ty chứng khoán chính là thị giá cổ phiếu tăng cao, đi cùng với kết quả kinh doanh lạc quan. Ở nhóm ngành dịch vụ tài chính (chủ yếu là các công ty chứng khoán), lợi nhuận quí 1 vừa qua tăng gần 16 lần (mức tăng trưởng là 1572%) so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi ở nhóm ngân hàng tỷ lệ tăng trưởng là 80,6%.
Một điểm chung khác giữa hai nhóm tổ chức này là phương án huy động vốn chủ yếu từ việc chia cổ tức bằng cổ phiếu hay phát hành thêm cổ phần, để “tranh thủ” sự thuận lợi trên thị trường chứng khoán.
Theo báo cáo của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 4 đạt 18.347 tỉ đồng trong khi khối lượng giao dịch đạt gần 726 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng lần lượt tăng 47,4% và 22,7% so với cuối năm 2020.