Ngăn chiến tranh Mỹ - Iran cách nào?

Phương Võ |

Ông Trump từng bày tỏ niềm tin rằng lập trường cứng rắn của mình sẽ thúc đẩy Iran tìm kiếm một "thỏa thuận lớn hơn" với Mỹ

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đổi giọng với Iran vào đầu tuần này không có nghĩa căng thẳng trong quan hệ hai nước đã xuống thang.

Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có những phát biểu gay gắt nhất kể từ lúc nắm quyền khi cảnh báo "Mỹ nên biết hòa bình với Iran là mẹ của tất cả hòa bình và chiến tranh với Iran là mẹ của tất cả cuộc chiến tranh". Ông Trump lập tức đáp trả bằng cảnh báo "Đừng bao giờ đe dọa Mỹ thêm lần nào nữa".

Trong những ngày gần đây, ông Rouhani cảnh báo Iran có thể chặn tàu chở dầu ở vịnh Ba Tư nếu hoạt động xuất khẩu dầu của nước này bị dừng lại. Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Khamenei tuyên bố chính sách của Trump là hành động tuyên chiến trong lúc Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Mohammad Ali Jafari dọa "sẽ cho kẻ thù hiểu rằng hoặc tất cả hoặc không ai có thể sử dụng eo biển Hormuz".

Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh trung ương Mỹ Bill Urban nói rằng hải quân nước này "sẵn sàng bảo đảm quyền tự do hàng hải và dòng chảy thương mại tự do tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép".

Những cảnh báo như thế không chỉ đe dọa đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận hạt nhân đa quốc gia liên quan đến Iran - được gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) mà ông Trump rút khỏi vào tháng 5 - mà còn có thể khơi mào cuộc chiến Mỹ - Iran và một cuộc xung đột rộng lớn hơn.

Bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm ngăn chặn Iran xuất khẩu dầu mỏ sẽ vi phạm Nghị quyết 2231 ủng hộ JCPOA của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ).

Nhưng nếu Tehran phản ứng bằng cách chặn các chuyến tàu chở dầu qua eo biển Hormuz, châu Âu, Nga, Trung Quốc sẽ từ bỏ sự ủng hộ dành cho JCPOA và có thể cùng Mỹ thông qua một nghị quyết chống lại Iran.

Bất chấp cuộc khẩu chiến nói trên, vẫn có những lựa chọn hợp lý có thể giúp ngăn chặn nguy cơ xảy ra xung đột thảm khốc. Một lựa chọn như thế là Washington và Tehran đàm phán trực tiếp. Ông Trump từng bày tỏ niềm tin rằng lập trường cứng rắn của mình sẽ thúc đẩy Iran tìm kiếm một "thỏa thuận lớn hơn" với Mỹ.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cần phải hiểu rằng chiến lược hiện tại của ông đã phủ bóng lên cơ hội đạt được thỏa hiệp ngoại giao bởi các nhà lãnh đạo Iran dường như không chấp nhận sự sỉ nhục - và đòn mạnh giáng vào niềm tự hào dân tộc - bằng cách chịu khuất phục trước những đe dọa và áp lực của ông Trump.

Một khả năng khác là JCPOA vẫn được duy trì mà không có Mỹ. Các nhà lãnh đạo Iran cho biết họ sẵn sàng tiếp tục thực hiện các cam kết của hiệp ước với các nước ký kết còn lại - Trung Quốc, Nga, Pháp, Đức, Anh, Liên minh châu Âu (EU) - với điều kiện chính quyền ông Trump không ép buộc các nước này theo chân Washington trong việc phá vỡ JCPOA.

Sự thật là các nước tham gia JCPOA còn lại sẽ không thể bù đắp hoàn toàn những thiệt hại về tài chính mà Iran phải hứng chịu một khi bị Mỹ tái áp đặt trừng phạt.

Tuy nhiên, cách tiếp cận cứng rắn của Washington có thể thúc đẩy ý thức đoàn kết dân tộc ở Iran, từ đó khiến các phe phái chính trị đối đầu nhau trong nước gạt bỏ khác biệt và hình thành một mặt trận thống nhất để chống lại mối đe dọa từ Mỹ.

Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran gần đây lên tiếng ủng hộ lập trường cứng rắn của chính quyền Tổng thống Rouhani đối với Mỹ.

Thông qua các tuyên bố mạnh mẽ, ông Rouhani cho thấy mình sẵn sàng sử dụng sự thống nhất này để đưa ra những quyết định quan trọng nhằm giải quyết một loạt vấn đề kinh tế kinh niên, như tham nhũng, lạm phát, thất nghiệp, tư nhân hóa, buôn lậu...

Iran cần những cải cách cơ cấu này để loại bỏ tình trạng mất cân bằng lâu nay và sự phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ - điều khiến Tehran dễ bị tổn thương bởi những biện pháp trừng phạt.

Ngoài ra, Iran còn cần chỉnh sửa hệ thống ngân hàng để khôi phục niềm tin của cộng đồng quốc tế vào các tổ chức tài chính của mình. Nếu những bước đi này giúp cải thiện được nền kinh tế, Iran có thể dễ dàng ở lại trong JCPOA hơn.

Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng có thể chấp nhận những nhượng bộ nhất định về chính trị và an ninh để bù đắp những tổn thất về lợi ích mà Iran hứng chịu khi tham gia JCPOA. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đang nỗ lực tìm kiếm những cam kết tài chính, ngân hàng và năng lượng từ Trung Quốc, Nga, Đức, Pháp và Anh.

Điều quan trọng là nhóm quốc gia này không chỉ duy trì JCPOA mà còn phải hợp tác với Iran để xử lý các cuộc khủng hoảng ở Syria và Yemen. Làm được điều này có thể loại bỏ mối liên hệ với việc rút khỏi JCPOA được ông Trump nói đến - "những hoạt động gây bất ổn và đe dọa" của Iran trên khắp Trung Đông.

Các cuộc đàm phán gần đây giữa Iran và 4 nước châu Âu về cuộc khủng hoảng Yemen được mô tả là tích cực và mang tính xây dựng. Nếu Nga và Trung Quốc tham gia quá trình ngoại giao này, cả 7 quốc gia có thể đưa ra một đề xuất hòa bình cho Hội đồng Bảo an LHQ. Giải quyết được khủng hoảng Yemen sẽ chấm dứt cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới hiện nay.

Cơ hội hành động cũng tồn tại ở Syria. Giờ là lúc Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một kế hoạch hòa bình toàn diện ở Syria cho Hội đồng Bảo an LHQ trong lúc châu Âu và Trung Quốc cần hỗ trợ bước đi này.

JCPOA đại diện cho một mô hình giải quyết khủng hoảng thông qua ngoại giao. Cái chết của nó sẽ dập tắt hy vọng rằng đàm phán có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng khác ở khu vực. Châu Âu, Trung Quốc, Nga, Iran đều có trách nhiệm đối đầu với chủ nghĩa đơn phương và hành động bảo vệ JCPOA là bước đầu tiên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại