Rõ ràng căng thẳng với Ukraine, người anh em trong khối Liên Xô trước đây khiến Nga phải trả giá không ít, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Một số dòng máy bay vận tải và trực thăng Nga đã phải nằm đất vô thời hạn vì thiếu nguồn động cơ từ Kiev.
Sau khi Liên Xô tan rã, hầu hết lĩnh vực về chế tạo động cơ trực thăng, máy bay vận tải, tên lửa đạn đạo và tàu chiến đều thuộc quyền sở hữu của Ukraine.
Trước khi có sự căng thẳng nổ ra, Ukraine vẫn là đối tác quan trọng nhất để cung cấp nguồn động cơ trong lĩnh vực quân sự cho Nga.
Tuy nhiên việc Nga sáp nhậpbán đảo Crimea và ủng hộ các cánh dân quân tại miền Đông Ukrainie khiến Kiev và Matxcova căng thẳng tột độ.
Tất cả các dự án hợp tác quân sự đều bị dừng lại, nhiều vũ khí uy lực của Nga phải nằm đất.
Loại vũ khí mới nhất của Nga bị ảnh hưởng chính là máy bay trực thăng vận tải lớn nhất thế giới Mi-26TV2.
Trực thăng Mi-26TV2 quân dụng lớn nhất thế giới hiện nay sử dụng động cơ của Motor Sich có trụ sở chính tại Ukraine chế tạo.
Dù Nga vẫn đang rất cần phải chế tạo thêm các trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26TV2, nhưng việc bị ngưng cung cấp động cơ tạm thời và mới nhất là việc Mỹ đang lăm le vào mua công ty sản xuất động cơ này khiến Matxcova như ngồi trên đống lửa.
Được biết mới đây, nhà thầu an ninh tư nhân Erik Prince, cố vấn không chính thức của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tới Ukraine để thương thảo về việc mua lại công ty chế tạo động cơ máy bay Motor Sich.
Theo truyền thông Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã liên lạc với Erik Prince và một người mua tiềm năng khác. Ông Prince bày tỏ sự quan tâm đến việc mua lại Motor Sich.
Hồi cuối tháng 9, các quan chức của Đại sứ quán Mỹ và Lầu Năm Góc đã đến thăm nhà máy của công ty Motor Sich. Một tháng sau, từ ngày 24 đến 27-10, Erik Prince cũng đến thăm Motor Sich và rất ấn tượng bởi trình độ công nghệ cao tại đây.
Nếu Mỹ sở hữu công ty hàng đầu về sản xuất động cơ trực thăng từ Ukraine, việc Nga tiếp cận với nguồn cung cấp này sẽ ngày càng khó khăn và nan giải hơn.
Không phải Nga không có khả năng chế tạo loại động cơ tương tự, tuy nhiên họ sẽ cần rất nhiều tiền bạc và thời gian mới có thể sản xuất được dòng động cơ như nhà máy tại Ukraine đang làm.
Việc không thể sản xuất tiếp tục các phiên bản mới hơn của dòng trực thăng vận tải siêu trọng Mi-26TV2, sẽ là một tổn thất không nhỏ cho lực lượng đổ bộ đường không Nga.
Với khả năng chở 20 tấn hàng hóa trong khoang, thêm 5 tấn treo bên ngoài hoặc vận chuyển cùng lúc 160 binh sĩ, Mi-26TV2 là dòng trực thăng lớn nhất thế giới hiện nay. Chúng là niềm tự hào của người Nga và là nỗi khát khao của không ít đối thủ.
Mi-26 (NATO định danh là Halo) là loại máy bay trực thăng vận tải hạng nặng được sản xuất bởi nhà máy hàng không Rostvertol Nga. Mi-26 hiện được xem là trực thăng vận tải lớn nhất thế giới hiện nay.
Mi-26 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 12-1977, chính thức biên chế trong quân đội Liên Xô năm 1983.
Tảitrọng cất cánh lên tới 56 tấn, cùng khả năng chở một lúc 160 quân nhân khiến Mi-26 là dòng trực thăng khổng lồ nhất thế giới hiện đang hoạt động.
Mi-26 được trang bị 2 động cơ D-136, giúp đạt tới vận tốc tối đa 295km/h. Phạm vi hoạt động của Mi-26 tối đa lên tới 1.952km, bán kính tác chiến lên đến 800km.
Về kích thước, Mi-26 có chiều cao 8,15m, chiều dài 33,73m, trọng lượng không tải 28,2 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa 56 tấn, có thể hoạt động ở độ cao tối đa hơn 4.600m.
Hiện Mi-26 và các phiên bản sau này đều có thể cẩu bên ngoài cả các loại container, pháo, máy bay cánh cố định và trực thăng quân sự hạng nặng khác. Trong khi đó bên trong thân có thể chở theo cả xe bọc thép lẫn xe tăng hạng nhẹ. Đây được coi là dòng trực thăng siêu trường, siêu trọng khủng nhất hiện nay.
https://anninhthudo.vn/quan-su/anh-ngam-don-tu-ukraine-nga-xot-xa-nhin-truc-thang-lon-nhat-the-gioi-phai-nam-dat/831925.antd#p-21