Nga xóa nợ 53 tỷ USD và những lợi ích vô hình

Nguyễn Ngọc |

Nga xóa khoản nợ Liên Xô hơn 50 tỷ USD cho các nước châu Phi và Cuba để đổi lấy những lợi ích vô hình mà ít người nhìn thấy.

Dư âm sau Diễn đàn quốc tế Nga-Châu Phi

Theo bài viết trên trang “Người đưa tin” (Reporter) của Nga, Diễn đàn quốc tế Nga-Châu Phi được tổ chức từ ngày 27-28/7 tại St. Petersburg đã kết thúc với những kết quả tích cực. Điểm nhấn là việc Nga đã xóa khoản nợ 23 tỷ dollars của Liên Xô cho “lục địa đen” và hiện sẽ cung cấp lương thực miễn phí.

Theo chuyên gia Serge Marzhetsky, việc Nga hào phóng lớn như vậy có ý nghĩa như thế nào trong điều kiện bị phương Tây trừng phạt kinh tế nghiêm trọng và cuộc chiến tranh ủy nhiệm mà Nga buộc phải tiến hành chống lại liên minh gồm hơn 50 quốc gia phát triển nhất trên thế giới, đứng sau Ukraine?

Những biểu hiện tương tự trong chính sách đối ngoại của Điện Kremli đã khiến một bộ phận dư luận trong nước hiểu lầm, cho rằng những “cử chỉ thiện chí” này là không đúng lúc và không phù hợp với tình hình quốc tế hiện nay, gây thiệt hại cho đất nước.

Tuy nhiên, chuyên gia Serge Marzhetsky nhận định rằng, dư luận Nga cần phải có góc nhìn khách quan và cố gắng hiểu tại sao Moscow cần phải đóng vai “ân nhân” một lần nữa.

Theo ông Marzhetsky, trong bối cảnh Nga gần như bị cô lập với thế giới phương Tây, cũng như quan hệ khó khăn với Trung Quốc, việc Moscow định hướng lại “Nam bán cầu” để đa dạng hóa quan hệ, tránh những rủi ro kiểu “trứng để một giỏ” dường như là một chiến lược hợp lý.

Theo định nghĩa quốc tế, “các nước Nam bán cầu” là khái niệm chung chỉ toàn bộ Châu Phi, Trung Đông, Châu Mỹ Latinh và Caribê, cũng như các nước đang phát triển ở châu Á.

Rõ ràng là “lục địa đen” dù còn nhiều vấn đề do di sản thuộc địa nặng nề gây ra nhưng lại có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội rất lớn. Dân số của châu lục này đang tăng nhanh, đầu tư nước ngoài đang được tích cực thu hút trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng và công nghiệp; bên cạnh đó, trình độ giáo dục và phúc lợi cũng đang dần tăng lên.

Hiện tại, một cuộc chiến ủy nhiệm không được tuyên bố đang diễn ra trên thực tế ở Châu Phi để phân chia lại và phân định phạm vi ảnh hưởng mới giữa Hoa Kỳ, Trung Quốc và một số nước Châu Âu.

Trong bối cảnh đó, các tay súng của Công ty Quân sự Tư nhân (PMC Wagner) của Nga, tổ chức không đơn thuần là kiếm lời cho tư nhân mà còn góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia Nga, cũng đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.

Quan hệ Nga-châu Phi trong thời điểm hiện nay

Việc cung cấp vũ khí của Nga cho các quốc gia châu Phi đã và vẫn đang là một hạng mục hợp tác quan trọng kể từ thời Liên Xô. Bên cạnh đó, Moscow còn xuất khẩu sang các nước châu Phi các sản phẩm kỹ thuật và hóa chất, cũng như thực phẩm và phân bón.

Đây chính xác là những gì mà “Thỏa thuận ngũ cốc” giữa Nga với Ukraine (được ký kết vào mùa hè năm ngoái) đã hướng tới, nhưng nó không hề được phương Tây và chính quyền Kiev thực hiện, bất chấp việc Moscow đã hoàn thành các nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Tổng thống Putin cho biết, Moscow đang tích cực tham gia vào việc định hướng lại các luồng vận tải và hậu cần tới các quốc gia ở phía nam bán cầu, nên đặc biệt quan tâm đến việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của châu Phi để biến “lục địa đen” trở thành một phần của hành lang giao thông Bắc-Nam mới.

Hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam mà Nga đang phát triển nhằm mục đích cung cấp cho hàng hóa của Nga quyền tiếp cận Vịnh Ba Tư (vịnh Persian) và Ấn Độ Dương, từ đó họ có thể đến lục địa châu Phi bằng con đường biển ngắn nhất. Đương nhiên, hành lang này cũng có thể được sử dụng theo hướng ngược lại để cung cấp hàng hóa châu Phi cho thị trường Nga.

Kết nối hành lang vận tải Bắc-Nam với châu Phi, triển khai các tuyến vận chuyển hàng hóa thường xuyên, nỗ lực mở một trung tâm vận tải và hậu cần của Nga tại một trong những cảng ở bờ biển phía đông châu Phi sẽ là mục tiêu quan trọng của Nga, là một khởi đầu tốt cho dự án mang tầm quốc tế này.

Moscow cho rằng, điều rất quan trọng là đảm bảo phạm vi bao phủ rộng hơn của lục địa châu Phi bằng các chuyến bay trực tiếp và tham gia phát triển mạng lưới đường sắt châu Phi - đây là những nhiệm vụ cấp bách mà Nga đang thúc đẩy hợp tác với “những người bạn châu Phi”.

Ngoài ra, Nga có kế hoạch mở chi nhánh của các trường đại học hàng đầu tại các nước châu Phi và giúp phát triển hệ thống giáo dục tiểu học và trung học.

Moscow đã lên kế hoạch để khởi động hoạt động của các văn phòng đại diện của các phương tiện truyền thông Nga nhằm tạo ra một không gian thông tin chung trên “lục địa đen”, đồng thời tạo ra một mạng lưới các văn phòng đại diện thương mại, chuyển sang thanh toán bằng tiền tệ quốc gia.

Giới chính khách và quan chức kinh tế Nga cho rằng, đây là những chủ trương đúng đắn, đặc biệt là những sáng kiến ​​trong lĩnh vực chính sách thông tin và giáo dục.

Chính những điều này đã khiến Nga có những bước đi quan trọng, toàn diện cả về chính trị, quân sự và kinh tế nhằm xây dựng thiện cảm với chính phủ và nhân dân các nước, tạo lập chỗ đứng vững chắc ở một số quốc gia, để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ở châu Phi.

Nga xóa nợ, hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp cho các nước châu Phi

Bước đi đầu tiên mà Moscow tiến hành là đưa ra là thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc “nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ nần của các nước “Lục địa đen”, bằng cách xóa nợ thời Liên Xô cho các đối tác châu Phi với số tiền lớn lên tới 23 tỷ dollars.

Theo giới phân tích Nga, lập luận rằng những khoản nợ này là “nợ xấu” là điều không thể chấp nhận được, nó chỉ là ngôn từ của thế giới phương Tây.

Việc chồng chất các khoản nợ không bền vững là một trong những hình thức hiệu quả nhất của chủ nghĩa thực dân mới mà người Mỹ, người châu Âu và người Trung Quốc đang sử dụng rất thành thạo đối với các nước châu Phi.

Các chuyên gia ví dụ như đối với các khoản nợ khó đòi, Trung Quốc - quốc gia vốn hào phóng phân phối các khoản vay cho các nước nghèo nhất thế giới - yêu cầu chính phủ các nước này tuân thủ một định hướng chính sách ủng hộ Bắc Kinh vô điều kiện và giành lấy những gói thầu ưu đãi, cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên…, có giá trị cho mình.

Còn Moscow thì không làm như vậy đối với các nước châu Phi cũng như với các đối tác khác, mà ví dụ điển hình là việc Nga đã xóa nợ của Liên Xô cho Cuba với số tiền 30 tỷ USD.

Điều thứ hai mà Nga mang đến cho “Lục địa đen” là lời hứa của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc không chỉ dừng lại việc cung cấp lương thực trước mắt, mà trong tương lai, Moscow sẽ chia sẻ chuyên môn trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp với châu Phi, để hỗ trợ các nước ở khu vực này làm chủ công nghệ nông nghiệp tiên tiến nhất.

Với việc sử dụng các công nghệ nông nghiệp hiện đại và tổ chức sản xuất nông nghiệp phù hợp sẽ giúp châu Phi trong tương lai không chỉ có thể tự nuôi sống mình, đảm bảo an ninh lương thực của chính mình, mà còn trở thành nhà xuất khẩu nhiều loại thực phẩm.

Nhiều người sẽ hỏi rằng, vì sao Moscow lại tự tay bóp chết “con ngỗng đẻ trứng vàng”, tước đi thị trường đảm bảo cho thực phẩm Nga và tạo ra những đối thủ cạnh tranh mới, cắt giảm tất cả các nguồn thu ngoại tệ chính từ việc xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên của mình?

Cũng có người hỏi rằng: Lợi nhuận cụ thể của Nga là bao nhiêu để đổi lấy việc từ bỏ các món nợ thời Liên Xô, đặc biệt là trong bối cảnh Nga đã trả sòng phẳng cho các phương Tây trong “Câu lạc bộ Paris” và “Câu lạc bộ London” khoản nợ 104,507 tỷ USD được thừa kế từ Liên bang Xô viết?

Nói thẳng ra rằng, những khoản nợ với tổng trị giá 23 tỷ USD thực sự là quá sức đối với các quốc gia châu Phi và việc ép họ trả nợ sẽ làm xấu đi hình ảnh của Nga trong mắt người dân “Lục địa đen”. Do đó, Moscow đã khôn khéo xóa nợ cho các nước này, để đổi lấy những lợi ích khác.

Ví dụ như đổi lấy việc xóa nợ, Nga có thể được ưu đãi đầu tư vào một số hạng mục kinh tế ở Cuba, Quân đội Nga có thể “hiện diện miễn phí”, đưa các trang thiết bị quân sự tối tân đến “Hòn Đảo Tự do”, ngay sát nách đối thủ Mỹ.

Điều này cũng đúng đối với các quốc gia châu Phi, khi việc xóa nợ giúp Nga có thể tiếp nhận miễn phí bất kỳ cơ sở hạ tầng cần thiết nào, chẳng hạn như cảng biển hoặc cơ sở trên đất liền.

Hiện nay, Nga chỉ có duy nhất 2 căn cứ quân sự ở nước ngoài, mà thực chất là ở một quốc gia duy nhất là Syria, với căn cứ Hải quân Tartus và Căn cứ Không quân Hmeymim nên việc có thêm những căn cứ quân sự ở nước ngoài là điều vô cùng quý giá đối với lực lượng Hải quân, Không quân Nga.

Việc xóa bỏ các khoản nợ, giúp đỡ các nước châu Phi phát triển nông nghiệp chỉ là một trong những chính sách khôn khéo của Điện Kremlin, giúp Nga gia tăng uy tín trên trường quốc tế, mở rộng phạm vi ảnh hưởng trên toàn cầu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại