Tuyên bố trên được Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đưa ra tại phiên họp của chính phủ Nga hôm 18/4.
Cụ thể, Nga cấm xuất khẩu sang Ukraine các mặt hàng dầu thô, dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ, và một số mặt hàng năng lượng liên quan chỉ được phép xuất khẩu khi có giấy phép được chính phủ thông qua. Lệnh cấm này sẽ được bắt đầu áp dụng từ ngày 1/6 tới.
Ngoài ra, Moskva còn ban lệnh cấm nhập khẩu từ Ukraine một loạt các loại loại hàng hóa khác, bao gồm các mặt hàng công nghiệp nhẹ, chế tạo máy, hàng tiêu dùng và sản phẩm kim loại - có tổng giá trị lên đến gần 250 triệu USD trong năm 2018, theo ông Medvedev. Hãng tin RT (Nga) cho biết quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức sau tuyên bố của chính phủ Nga.
Trước đó, vào ngày 10/4, chính phủ Ukraine đã thông qua nghị quyết mở rộng danh sách các loại hàng hóa bị cấm nhập khẩu từ Nga vào nước này, trong đó bao gồm các loại chai lọ, bình thủy tinh, formalin, thiết bị điện dùng trong cơ sở hạ tầng đường sắt và một số sản phẩm khác.
Đây không phải lần đầu tiên hai nước Nga-Ukraine tung đòn ăn miếng, trả miếng nhằm vào đối phương. Đòn đáp trả gần đây nhất của Nga đối với Ukraine là hồi tháng 12 năm ngoái, khi đó chính phủ Nga đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu hơn 50 mặt hàng từ Ukraine, với tổng giá trị lên tới 510 triệu USD.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.
Ukraine là bên thiệt thòi nhất
Theo lời các chuyên gia, lệnh cấm vận mới được ban hành sẽ không ảnh hưởng nhiều tới Nga. Theo nhà phân tích Nga Sergey Suverov, trong vài năm qua, lượng hàng hóa Nga xuất khẩu sang nước láng giềng đã giảm đáng kể.
Cụ thể, trong năm 2016, Nga xuất khẩu sang Ukraine 4,4 triệu tấn dầu mỏ và sản phẩm từ dầu mỏ, nhưng đến năm 2018 thì con số này giảm xuống chỉ còn 606,7 ngàn tấn, theo ông Suverov.
Nhà phân tích này cũng dự đoán rằng rất có thể giới chức Ukraine sẽ khiến tình hình càng thêm tồi tệ khi ban hành lệnh cấm nhập khẩu gỗ và một số kim loại từ Liên Bang Nga.
Một nhà phân tích khác đến từ viện FinIst, bà Irina Lanis, cho rằng đòn đáp trả tiếp theo (nếu có) của Kiev không thể đủ sức gây ảnh hưởng đến kinh tế Nga.
"Năm 2018, tổng doanh thu đến từ hoạt động thương mại giữa hai nước lên đến 14,98 tỉ USD, nhiều hơn so với năm 2017. Tuy nhiên doanh thu đến từ Ukraine chỉ chiếm một phần rất nhỏ (2,2%) trong tổng doanh thu của Nga. Do đó, nước Nga không thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, ngay cả khi Ukraine tiếp tục có động thái mới", bà Lanis nói.
Theo chuyên gia này, trong trường hợp Nga cấm hoàn toàn việc xuất khẩu dầu mỏ sang Ukraine, thì họ có thể tăng cường xuất khẩu năng lượng sang các nước châu Âu để bù vào phần doanh thu bị hụt. Hơn nữa, các công ty năng lượng Nga hiện nay đang tích cực tìm kiếm những chiến lược mới để mở rộng thêm thị trường tại châu Á và Kazakhstan.
"Ukraine sẽ thiệt thòi hơn Nga khi lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt bắt đầu có hiệu lực. Họ sẽ buộc phải mua gián tiếp dầu mỏ của Nga từ các nước khác với giá đắt hơn, và chắc chắn là điều đó sẽ khiến nhiên liệu tại Ukraine tăng giá, trở thành gánh nặng mới trong ngân sách của họ", bà Lanis bình luận.
Ảnh minh họa: RIA Novosti.
Chính giới Nga "hân hoan"
Quyết định của chính phủ Nga đã nhận được sự hưởng ứng của rất nhiều chính khách và chuyên gia của nước này. Ông Oleg Morozov, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang Nga, nhận định: "Cho đến ngày hôm nay, chúng ta vẫn là đối tác thương mại số 1 của Kiev. Ngược lại, Kiev dường nhưng không muốn là nhà cung cấp được ưu tiên của Nga".
Bên cạnh đó, chính trị gia này cũng cho rằng việc Nga cấm xuất khẩu dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ sẽ là "một đòn đau đớn" đối với nền kinh tế của Ukraine.
Còn theo ông Stanislav Mitrahovich, một chuyên gia hàng đầu tại Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, thì đây là "tín hiệu rất rõ ràng của Moskva dành cho Kiev: rằng những đề xuất dừng trao đổi thương mại với Nga của các chính trị gia Ukraine hoàn toàn có thể trở thành hiện thực".
Thượng nghị sĩ Nga Sergei Tsekov - thành viên của Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Hội đồng Liên bang Nga - đã bày tỏ quan điểm của mình trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Ukraine đi đến hồi kết:
"Tôi hy vọng rằng lãnh đạo mới [của Ukraine] sẽ sửa chữa những sai lầm của chính phủ cũ, và tham gia cuộc đối thoại nghiêm túc với Nga. Tôi tin rằng chính sách của Nga đối với Ukraine là hoàn toàn đúng đắn".