Trong khi chỉ cách đây chưa lâu, vào giữa tháng 10 vừa qua, cũng chính ông Fomin nói rằng các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 đã bắt đầu nhúc nhích trên dây chuyền sản xuất theo biểu tiến độ đã ký trong hợp đồng.
Trả lời phỏng vấn của Hãng tin RIA Novosti, ông Alexander Fomin nhấn mạnh, hợp đồng cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tầm siêu xa cho Trung Quốc sẽ phải chờ đến tận năm 2020 mới hoàn tất.
Nhưng "dường như phải như vậy", ông Fomin trả lời câu hỏi của phóng viên, bởi lẽ phải ưu tiên nhu cầu trang bị của bản thân Quân đội Nga mà cụ thể ở đây là Lực lượng Không quân - Vũ trụ Nga, khi mà số lượng sản xuất không đáp ứng được yêu cầu trong nước chứ nói gì đến xuất khẩu.
Tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tầm xa của Nga.
Nên biết rằng, Trung Quốc là ngoại lệ duy nhất khi được Nga đồng ý xuất khẩu các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 tối tân.
Thông tin mới này có lẽ chẳng mấy tốt lành khi mà Trung Quốc đang tìm mọi cách xây dựng lực lượng phòng không tầm xa để ứng phó với các thách thức đang ngày một lớn hơn, nhất là với chiến lược xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.
Việc chậm giao hàng sẽ khiến Trung Quốc phải chờ đợi và "giội gáo nước lạnh" vào ý đồ sao chép một dòng tên lửa tương tự để trang bị cho Quân đội và thậm chí là xuất khẩu, cạnh tranh trở lại với nguyên mẫu xuất xứ từ Nga.
Không rõ việc trì hoãn giao tên lửa S-400 có phải là chủ ý của Nga để "hạ nhiệt" sự phát triển nóng của Trung Quốc hay không và để Nga kịp sở hữu các tổ hợp tên lửa phòng không S-500 hiện đại hơn rồi mới "thải" S-400 cho đối tác đang khát khao công nghệ thuộc hàng bí mật nhất thế giới?
Chỉ biết, trong ít ngày qua, liên tiếp có các thông tin mới, nóng về tên lửa S-500 trên các phương tiện truyền thông Nga!