Theo DefenseNews, chỉ khoảng 2 tuần sau khi được chính thức đưa vào biên chế, tương lai của Hải quân Mỹ - tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt, được trang bị 2 khẩu pháo lớn có thể diệt các mục tiêu ở cự ly tới 80km, đứng trước nguy cơ không có đạn khi có nhiều động thái cho thấy dự án chế tạo đạn LRLAP tấn công mặt đất tầm xa chuyên dụng của chúng có thể bị hủy bỏ.
Hơn thế nữa, giá thành của loại đạn này rất cao, có thể lên tới 800.000 USD/viên, thậm chí còn hơn nữa.
Đây là loại đạn có điều khiển chính xác - một trong những vũ khí tối thượng của lớp tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt tấn công mặt đất, có khả năng bắn trúng mục tiêu với độ chính xác mà theo tuyên bố của nhà sản xuất Lockheed Martin là "đánh bại mọi mục tiêu ở các thành phố ven biển dù chúng ẩn nấp trong các khe núi, tỏa nhà mà không ảnh hưởng nhiều tới các cấu kiện kế bên.
LRLAP là loại đạn duy nhất được thiết kế để bắn từ hệ thống pháo tiên tiến cỡ nòng 155mm và chiều dài nóng gấp 62 lần cỡ (AGS) đặc chủng lắp trên các tàu khu trục DDG-1000 Zumwalt với băng đạn nạp tự động.
Mỗi tàu khu trục Zumwalt được trang bị 2 khẩu pháo 155mm - thuộc loại có cỡ nòng lớn nhất được thiết kế và lắp đặt cho các tàu chiến kể từ sau Thế chiến 2.
Hình mô phỏng đạn LRLAP được bắn đi từ hệ thống pháo AGS 155mm của tàu khu trục DDG-1000.
Tuy nhiên, đơn giá chế tạo đạn LRLAP lại nhảy múa, liên tục cao vút lên, khiến các nhà hoạch định ngân sách cũng phải "hoa mày, chóng mặt", đặc biệt là khi số lượng tàu khu trục DDG-1000 bị cắt giảm từ 28 chiếc xuống còn 7 và cuối cùng là chỉ còn 3 chiếc. Tất nhiên, số lượng giảm chắc chắn không đồng nghĩ với giá thành giảm.
"Chúng tôi dự định sẽ mua hàng nghìn viên đạn loại này", một quan chức Hải quân Mỹ cho biết, "tuy nhiên, số lượng tàu đặt đóng giảm đã giết chết thứ vũ khí tối tân này".
Trớ trêu thay, cả đạn LRLAP lẫn pháo AGS lại được đánh giá rất cao, đứng trong Top 10 công nghệ hiện đại nhất làm nên DDG-1000. "Mọi thứ đều hết sức tốt đẹp. Bản thân tôi chưa thấy bất cứ cuộc thử nghiệm nào cho thấy những thứ vũ khí này có vấn đề, cả pháo lẫn đạn đều tốt" nguồn tin trên tiết lộ.
"Không có lỗi của bất cứ cá nhân nào, loại đạn này đang được triển khai bình thường, tuy nhiên vấn đề chính là giá thành trở nên cao chót vót khi mà chỉ có 3 chiếc tàu được đưa vào kế hoạch đặt mua. Thậm chí, mức giá kỷ lục ước tính lên tới chừng 800.000 USD mỗi viên đạn có thể sẽ bị phá vỡ".
Trong tiến trình lập ngân sách quốc phòng thường niên, tại Bản ghi nhớ về Chương trình mục tiêu năm 2018 (POM18), Lầu Năm Góc đã dự kiến loại bỏ đạn LRLAP ra khỏi kế hoạch, bất chấp Hải quân Mỹ đã kiến nghị với Bộ Quốc phòng vào ngày 2/11 vừa qua rằng quyết định trên là sai lầm, cần phải bố trí ngân sách cho nó.
Trong kiến nghị, Hải quân Mỹ không bình luận trực tiếp về nỗ lực "giết" đạn LRLAP. "Hải quân vẫn đang giám sát liên tục về khả năng sản xuất và số lượng pháo và đạn" ông Thurraya Kent, người phát ngôn về chương trình mua sắm trình bày trong một email hôm 4/11 rằng:
"Để giải quyết các mối đe dọa và hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hải quân đang đánh giá các giải pháp sản xuất công nghiệp đối với dòng đạn (bao gồm cả loại đạn thông thường và siêu tốc độ) đáp ứng tiến độ triển khai tàu để có thể sử dụng như một giải pháp thay thế cho đạn LRLAP trên DDG 1000."
Ảnh mô phỏng các loại vũ khí trên tàu khu trục DDG-1000 đồng loạt khai hỏa.
Các quan chức của hãng Lockheed Martin không có cơ hội để đưa ra giải trình về vấn đề này. Trong khi đạn LRLAP có thể bị hủy bỏ, hải quân buộc phải tìm loại đạn khác thay thế để dùng cho hệ thống pháo trên tàu.
"Chúng tôi đang tìm kiếm nhiều loại đạn mới, với 3 hoặc 4 phương án, bao gồm đạn lục quân Excalibur của hãng Raytheon, đạn siêu cao tốc HPV - một loại đạn mới đang được phối hợp chế tạo bởi Cơ quan Nghiên cứu hải quân và hãng BAE Systems" ông nói thêm.
Nhưng dường như chưa có phương án chính thức thay thế đạn LRLAP trước khi tàu Zumwalt đầu tiên chính thức đi vào hoạt động cho dù đã được đưa vào biên chế từ ngày 15/10. Chiếc tàu này sẽ cần thêm 18 tháng nằm tại nhà máy để tiếp tục hoàn thiện lắp ráp các hệ thống chiến đấu.
Sau đó, hải quân sẽ tiến hành loạt thử nghiệm Hệ chống chiến đấu trong năm 2018 để hoàn thiện toàn bộ các loại vũ khí, khí tài. Các kế hoạch thử nghiệm bắn đạn thật sẽ được tiến hành trong giai đoạn này. Năm 2015, ngân sách đã cung cấp 130 triệu USD để đặt mua 150 viên đạn LRLAP và các thiết bị đi kèm, toàn bộ số đạn này dự kiến sẽ dùng để bắn thử.
Tuy nhiên, trong 2 năm 2016 và 2017, không có một đồng nào được chi ra cho LRLAP. Thậm chí, 51 triệu USD ngân sách dự kiến bố trí cho năm 2018 có được giải ngân hay không.
Trong khi đó, các kỹ sư chắc chắn sẽ phải cập nhật và tích hợp lại phần mềm cho hệ thống pháo AGS, để chúng có thể bắn và điều khiển các loại đạn thay thế.
Băng đạn nạp tự động được thiết kế để chứa cùng lúc 300 viên LRLAP có kích cỡ chuyên biệt cũng chưa chắc đã chứa vừa các loại đạn khác. Các loại đạn đang phát triển cho dòng pháo cỡ 127mm trên tất cả các loại tàu khu trục và tuần dương của Mỹ có thể bắn được trên AGS, nhưng lại cần phải thêm guốc để vừa với cỡ nòng 155mm.
Trong khi Hải quân nhấn mạnh rằng giá đạn cao là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới quyết định loại bỏ LRLAP, nhưng sâu xa mà nói thì còn có nguyên nhân khác. Bộ đôi AGS/LRLAP khởi thủy được phát triển để cung cấp cho thủy quân lục chiến như một loại hỏa lực "bền bỉ, chính xác", có khả năng tấn công các mục tiêu sâu trong đất liền.
Tuy nhiên, khi tàu đầu tiên được chuyển từ Nhà máy ra biển rồi gia nhập hạm đội, Hải quân đã hết sức coi thường dòng đạn này, trong khi các thành tựu kỹ thuật hàng đầu của tàu khu trục DDG-1000 được tuyên truyền rộng rãi thì việc sử dụng chung đồ Thủy quân lục chiến bị đánh giá rất thấp.
Thật bất ngờ là hệ thống pháo AGS lại không được yêu cầu tính năng bắn được các mục tiêu di động trên biển và hệ thống không được lập trình để làm điều đó.
Tuy nhiên, dòng pháo cỡ lớn này phải ngắm bắn được các mục tiêu trên biển nếu cần thiết, quan chức Hải quân kết luận, "Chúng tôi sẽ phải nâng cấp, sửa đổi phần mềm để làm việc đó."