Vũ khí đầu tiên: Máy bay tuần tiễu chống ngầm Mỹ
Trong bài bình luận về chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barak Obama đến Việt Nam trên trang web của Sputnik, chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin bình luận rằng, Việt Nam và Hoa Kỳ đang dần khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ song phương do lịch sử để lại.
Vị chuyên gia Nga cho biết, trong chuyến công du châu Á từ ngày 21 đến ngày 28-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thăm Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25. Có thể trong chuyến thăm này, ông Obama sẽ công bố tin dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí với Hà Nội.
Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Việt Nam, hồi cuối tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã kêu gọi dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm về bán vũ khí Mỹ cho Việt Nam. Trước đó, Mỹ cũng đã nới lỏng một phần lệnh cấm này vào cuối năm 2014.
Về phía Hà Nội, tất cả các chuyến thăm gần đây của các nhà lãnh đạo Việt Nam và giới chức quân sự đến Hoa Kỳ đều kèm theo đòi hỏi loại bỏ tất cả các hạn chế, bởi 2 nước đã ký Hiệp định đối tác toàn diện vào năm 2013 thì không có lí gì tất cả những hạn chế không được gỡ bỏ.
Theo quan điểm của Hà Nội, đó là vấn đề mang tính nguyên tắc. Chừng nào còn những hạn chế thì vẫn chưa thể nói đến chuyện bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước.
Vào thời điểm này, có lẽ Hoa Kỳ đã sẵn sàng tiến một bước xa hơn là trở thành Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Trong tương lai gần Hoa Kỳ sẽ bắt đầu cung cấp thiết bị quân sự cho Việt Nam nhằm tăng cường khả năng của Hà Nội chống lại hoạt động tích cực của Bắc Kinh ở vùng Biển Đông, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh hàng hải trên vùng biển này.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion của Mỹ
Chuyên gia Vasily Kashin cho rằng, đúng như truyền thông Việt-Mỹ đã nhận định, rất có thể loại vũ khí, trang bị đầu tiên mà Mỹ bán cho Việt Nam là máy bay tuần tra hàng hải, tuần tiễu chống ngầm, trong đó xác suất cao nhất là phiên bản tân trang của P-3C Orion đã loại biên.
Hiện nay, không có công ty quốc phòng nào ở châu Âu còn sản xuất loại máy bay tuần tiễu chống ngầm, hiện chỉ có Mỹ (P-3C Orion, SC-130J Sea Hercules, P-8A Poseidon, S-3 Viking), Nhật Bản (P-1 Kawasaki) và Trung Quốc (GX-6) là đang có dây chuyền sản xuất loại máy bay này.
Các quốc gia châu Âu trước đây có loại máy bay này như Anh (với Nimrod MR2) hay Pháp (với Atlantic) hiện đã đóng dây chuyền, Nga hiện cũng không sản xuất máy bay tuần tiễu chống ngầm mới, mà chỉ tập trung hiện đại hóa các máy bay Il-38N và Tu-142 của Liên Xô trước đây.
Chắc chắn là Hà Nội sẽ không mua vũ khí của Trung Quốc, còn máy bay P-1 của Nhật thì mới phát triển thành công và vẫn còn một số vướng mắc kỹ thuật, hơn nữa giá lại quá đắt.
Do đó, Việt Nam sẽ mua trang bị đầu tiên là máy bay tuần tiễu chống ngầm của Mỹ, bởi sự phong phú về chủng loại và có thể lựa chọn các máy bay đã loại biên nhưng không quá cũ, được tân trang với giá phải chăng như P-3C Orion.
Ngoài ra, Mỹ chưa sẵn sàng cung cấp các loại vũ khí sát thương cho Việt Nam, ví dụ như máy bay chiến đấu, bởi nhìn thì dễ, nhưng để xuất khẩu các loại máy bay như vậy cần phải đáp ứng rất nhiều điều kiện đặc biệt, mà một số điều kiện khó có thể thực hiện được.
Ngay cả một số đồng minh của Mỹ như Đài Loan hay các quốc gia vùng Vịnh như Qatar, Kuwait và Bahrain cũng đã và đang khốn khổ với các hợp đồng mua sắm máy bay chiến đấu F-16, F-15 và F/A-18 của Mỹ, do quốc hội nước này chưa phê chuẩn, vì lo ngại những tác động tiềm năng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Ngoài ra, để cung cấp lượng lớn vũ khí của Mỹ cho Việt Nam, hai nước cần phải thiết lập quan hệ dựa trên sự tin cậy chính trị nhưng hiện nay, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn bất đồng chính kiến về một số vấn đề.
Ngoài ra những hạn chế do chủ yếu sử dụng các vũ khí Liên Xô/Nga cũng khiến Việt Nam chưa chuẩn bị kịp con người và cơ sở vật chất để sẵn sàng tiếp nhận những vũ khí, trang bị phức tạp của Mỹ và đồng minh. Việc chuyển đổi cơ cấu quốc phòng cần có không ít thời gian.
Về phần mình, Hà Nội muốn đa dạng hóa quan hệ hợp tác quốc phòng và đa phương hóa các nguồn cung cấp vũ khí, từ trước đến nay chủ yếu dựa vào Nga. Hiện Việt Nam đang phát triển tích cực các mối quan hệ quân sự-kỹ thuật với các nước châu Âu, với Israel và cả Ấn Độ.
Việt Nam đã mua radar EL/M-2288ER, biến thể xuất khẩu của radar cảnh báo sớm đường không EL/M-2288 AD STAR, do ELTA Systems, thuộc Israel Aerospace Industries (IAI) sản xuất
Ví dụ, New Dehli đang có kế hoạch cung cấp cho Việt Nam các tên lửa hành trình siêu âm BrahMos được phát triển dựa trên sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nga. Ngoài ra, nước này cũng nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Kilo.
Việt Nam cũng đã mua sắm số lượng khá lớn các vũ khí trang bị của Israel như súng trường tiến công Galil ACE, tiểu liên Uzi; hệ thống pháo phản lực dẫn đường EXTRA, hệ thống phòng không Spyder, UAV Orbiter 2, radar cảnh giới đường không EL/M-2288ER, radar cảnh giới biển EL/M-2022… của Israel
Nhật Bản cũng quan tâm đến sự hợp tác với Việt Nam trong việc xây dựng lực lượng bảo vệ bờ biển. Gần đây, nước này đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của mình và bắt đấu tham gia vào các chương trình hợp tác phát triển vũ khí, đồng thời tiến bước vào thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, Nhật không thể trở thành nhà cung cấp chính bán cho Việt Nam các loại vũ khí sát thương, mà chủ yếu là nước này sẽ cho vay, viện trợ giúp đỡ Hà Nội nâng cấp lực lượng tuần tra trên biển, còn vũ khí của nước này sẽ khó đến được Việt Nam.
Xét về tổng quan, sự hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Mỹ và Việt Nam trong thời gian ngắn hạn sẽ hạn chế trong lĩnh vực tuần tra trên biển (cung cấp tàu tuần tiễu cho cảnh sát biển), tác chiến chống tàu ngầm và rất có thể là cả vấn đề chia sẻ thông tin tình báo.